Một nghiên cứu chỉ ra rằng làm việc trên 39 tiếng mỗi tuần không tốt cho sức khỏe

06/02/2017 20:49 PM | Sống

Những cuộc tranh luận quốc tế gay gắt về thời gian làm việc tiêu chuẩn, bắt đầu trở lại trong giới khoa học vào năm ngoái.

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia (ANU) chỉ ra: Nếu muốn giữ được cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bạn phải giảm giờ làm việc xuống dưới mức 39 tiếng mỗi tuần. Hơn 80 năm trở lại đây, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) vẫn sử dụng mức 48 tiếng như một tiêu chuẩn. Nhưng tới giờ thì nó đã quá lạc hậu.

Tiến sĩ Đinh Hương, người dẫn đầu nghiên cứu, đến từ Trường Nghiên cứu Sức khỏe dân số thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Những giờ làm việc kéo dài đang bào mòn cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mỗi người. Bởi nó cướp đi thời giờ của họ, dành cho việc ăn uống lành mạnh và chăm sóc bản thân đúng cách”,

Những cuộc tranh luận quốc tế gay gắt về thời gian làm việc tiêu chuẩn, bắt đầu trở lại trong giới khoa học vào năm ngoái. Đó là sau trường hợp một cô gái trẻ 24 tuổi người Nhật Bản, Matsuri Takahashi được báo cáo tự tử vì căng thẳng liên quan đến 105 giờ làm thêm mỗi tháng.

Dòng trạng thái đăng trên Twitter của cô vẫn để lại một nỗi ám ảnh: “Bây giờ là 04h00, cơ thể của tôi đang run lên. Tôi sẽ chết. Tôi mệt lắm rồi”. Cô nhảy khỏi ban công của ký túc xá công ty vào đúng dịp Giáng sinh. Matsuri Takahashi chỉ là một trong số hơn 1.500 trường hợp tử vong vì căng thẳng công việc tại Nhật Bản mỗi năm.

Nhưng ở một quốc gia có vẻ ít nhộn nhịp hơn Nhật Bản, người Australia chỉ phải làm việc 38 giờ mỗi tuần. Mặc dù vậy, số liệu nghiên cứu cho thấy 40% người dân nước này vẫn làm việc nhiều hơn mức 40 tiếng, và đó đủ làm cơ sở cho các nhà khoa học ở đây phải than phiền.

Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng trung bình, số giờ làm việc tối đa trước khi bạn bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tinh thần là 39 tiếng [mỗi tuần]”, Tiến sĩ Hương viết.

Chúng tôi đã rút ra kết luận từ việc nhìn vào các mối quan hệ qua lại, giữa thời gian làm việc, sức khỏe tinh thần và tiền lương trong mô hình của chúng tôi. Ngưỡng 39 tiếng này là nhiều hơn 9 tiếng so với mức 48 giờ mỗi tuần của Tổ chức Lao động thế giới”.

Căng thẳng công việc phải chịu trách nhiệm cho hơn 1.500 ca tử vong mỗi năm ở Nhật Bản
Căng thẳng công việc phải chịu trách nhiệm cho hơn 1.500 ca tử vong mỗi năm ở Nhật Bản

Nghiên cứu của các nhà khoa học ANU được thực hiện từ dữ liệu của 3.828 người đàn ông và 4.062 phụ nữ Australia trong độ tuổi 24-64. Tiến sĩ Hương và đồng nghiệp còn tính toán đến cả sự khác biệt trong điều kiện công việc của những người đàn ông và phụ nữ.

Theo đó, phụ nữ đang phải làm việc trong một thị trường lao động có nhiều bất lợi. Chẳng hạn như số liệu ở Australia chỉ ra, mức lương của phụ nữ thấp hơn 17% so với nam giới. Họ cũng có mức tiền thưởng và nhiều điều kiện làm việc thấp hơn.

Dù cho thực tế rằng phụ nữ có tay nghề trung bình tương đương nam giới, họ vẫn có thu nhập thấp hơn và tự chủ ít hơn. Phụ nữ còn dành thời gian nhiều hơn nữa vào việc chăm sóc gia đình”, Tiến sĩ Hương nói.

Bởi vậy, khi xem xét thêm các yếu tố này vào mô hình, các nhà nghiên cứu chỉ ra giới hạn giờ làm việc còn phụ thuộc vào giới tính người lao động. Theo Tiến sĩ Hương, phụ nữ có thể làm việc tối ưu trong mức 34 tiếng mỗi tuần, trong khi đó, nam giới có thể mở rộng lên mức 47 tiếng.

Điều này giúp cho những người đàn ông có được 13 tiếng lợi thể trong công việc, phần lớn vì họ dành thời gian ít hơn để chăm sóc gia đình so với phụ nữ. Phía còn lại, chỉ khi những người phụ nữ trong thị trường lao động mất ít thời gian hơn với việc nhà, đồng thời có được sự bình đẳng trong điều kiện lao động và mức lương thưởng, giới hạn giờ làm việc của họ mới nên tiến sát để tương đương với nam giới.

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia được đăng trên tạp chí Social Science & Medicine .

Tham khảo TheConversation, Businessinsider

Theo zknight

Cùng chuyên mục
XEM