"Một năm đọc hơn 200 quyển sách, nhưng tôi lại không thấy có tác dụng gì": Cuộc sống không phải cha mẹ bạn, không phải lúc nào bạn giỏi và nghe lời cũng đều sẽ được thưởng!
Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn chỉ như mới vừa ngồi trên chuyến tàu. Sau đó, khi bạn vừa đọc vừa suy ngẫm, chuyến tàu đã xuất phát, bạn bắt đầu cảm thấy hứng thú với cảnh sắc ngoài khung cửa sổ. Đến cuối cùng, khi đã đọc xong, thực hành rồi, bạn mới biết, hóa ra chặng đường tươi đẹp kia, chỉ là phong cảnh bên ngoài, đích đến mà chuyến tàu đưa bạn đến, mới là nơi có cảnh sắc khó quên nhất.
Hai ngày trước, một độc giả gửi thư cho tôi, nói năm ngoái, anh ta tham gia một hoạt động đọc sách, sau đó anh ta đã đăng ký ủng hộ bằng cách quyết tâm mỗi ngày đọc một cuốn sách.
Anh ấy nói, mặc dù là sinh viên đại học, nhưng đã rất lâu rồi, anh ta chưa có cái cảm giác "liều mạng" học thế này. Trong vòng 1 năm, anh ấy đã đọc được hơn 200 quyển sách.
Sau đó, anh ấy nói với tôi: "Tôi cứ nghĩ sau khi đọc nhiều sách xong, sẽ trở nên rất tài giỏi. Nhưng giờ lại thấy hình như cũng không có tác dụng gì, nên giờ tôi định sẽ từ bỏ việc đọc sách luôn!"
Sự khác biệt giữa suy nghĩ và thực tế khiến anh ấy thất vọng, muốn từ bỏ!
Lúc trước, cũng từng có người hỏi tôi:
"Đọc sách có tác dụng gì? Đọc sách có khiến bạn thành công hay không? Có thể biến bạn thành người có tiền không?"
Câu trả lời này, với mỗi người lại có cách suy nghĩ khác nhau. Cùng một việc, nhưng đứng trên góc độ suy nghĩ khác nhau, có người sẽ trả lời "Có", có người sẽ đáp "Không", giống như định nghĩa về thành công cũng vậy.
Vậy làm thế nào để việc đọc trở nên "có ích" đây?
1. Đọc sách và thành công có quan hệ gì với nhau?
Không biết bắt đầu từ khi nào, có rất nhiều người thành công khuyên mọi người nên cố gắng đọc sách. Vì vậy, có vài người "hiểu lầm" thành một khái niệm khác, rằng "chỉ cần đọc sách là sẽ thành công."
Đọc sách là một việc tốt, bởi vì nó giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức bổ ích, học hỏi thêm được nhiều đức tính cao đẹp, biết thêm được nhiều kinh nghiệm hay. Nhưng mà, không phải chỉ cần bạn siêng đọc sách, bạn nhất định có thể thành công.
Đạo lý này dùng ví dụ đơn giản, chính là việc người thành công thường hay đi học hỏi, giao tiếp rộng, nhưng nếu bạn chỉ bắt chước hành động của họ, chưa chắc gì bạn có thể thành công như họ.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người thích đọc sách đều là những người sống có mục tiêu rõ ràng, sở thích riêng, quy luật cuộc sống riêng. Họ biết bản thân nên đọc sách gì, cũng như biết mình nên đọc thế nào.
Ngược lại, có nhiều sinh viên đại học thường hay đọc, nhưng là đọc theo bài giảng trên trường lớp, theo kế hoạch học tập hằng ngày, những thứ được thầy cô hướng dẫn. Nhiêu đó đã đủ để họ thấy chán ngán, nên sẽ có rất ít người "tự hiểu" cho chính mình, mà tìm hiểu thêm những cuốn sách thực sự phù hợp với mình để đọc thêm.
Khi đọc sách, phải tập trung, phải suy nghĩ, phải cảm nhận. Có như vậy mới thực sự hiểu hết được ý nghĩa mà tác giả trong cuốn sách đó muốn truyền đạt.
Có một hôm, tôi hỏi vị độc giả kia: "Cậu đã đọc tác phẩm "Trăm năm cô đơn" của tác giả Gabriel Garcia Marquez chưa?"
Anh ta đáp: "Dĩ nhiên, tôi chỉ mất 3 tiếng đồng hồ đã đọc xong."
Tôi lại tiếp tục hỏi: "Vậy xin hỏi, tại sao Rebecca lại ăn đất?"
Kết quả, anh ta hỏi ngược lại tôi: "Rebecca là ai? Là tên một diễn viên nước ngoài sao?"
Kể từ đó, nếu anh ta nhắn: "Một năm, tôi đọc hơn 200 quyển sách, nhưng lại thấy không có tác dụng gì!" Tôi sẽ hồi âm rằng: "Một năm, tôi ăn hơn 1000 bữa cơm, nhưng cũng chưa thành công đây!"
Ban nên biết, cuộc sống không phải cha mẹ bạn, không phải lúc nào bạn "giỏi" và "nghe lời", cũng đều sẽ được thưởng.
Đọc sách không nhất định sẽ thành công, nhưng muốn thành công, nhất định phải nên đọc sách một cách nghiêm túc.
2. Đọc sách là một phương tiện tiếp nhận kiến thức
Mục đích của việc đọc sách, không phải thuần túy chỉ có "đọc" thôi, mà là để có thêm kiến thức, tăng khả năng tư duy, giúp chúng ta có nhiều hướng suy nghĩ hơn.
Trong "Tam quốc diễn nghĩa", có một nhân vật tên là Mã Tắc, cũng là học trò của Gia Cát Lượng. Ông ấy cũng là người đọc rất nhiều sách, nhưng khi được Gia Cát Lượng chọn làm tiên phong trong trận Nhai Đình, ông làm theo binh pháp mà không liên hệ với tình hình thực tế. Kết quả bị quân Ngụy đánh bại, bản thân cũng mất mạng theo.
Thế nên, không phải tất cả các cuốn sách được xuất bản đều có nội dung phù hợp với bạn.
Hơn nữa, hiện nay, có nhiều người bán sách lậu, nội dung không chất lượng. Do đó, chúng ta phải biết lựa chọn cuốn sách nào là phù hợp với bản thân mình. Ngoài ra, còn phải biết cách vận dụng chúng vào đời sống.
Einstein từng nói: "Sáng tạo quan trọng hơn kiến thức."
Kiến thức là tầng đáy, muốn nó trở nên hữu dụng, cần thông qua quá trình chúng ta suy nghĩ, liên hệ thực tế, kết nối, thực hành,...
Ngày còn nhỏ, khi xem "Tây du ký", tôi chỉ cảm thấy nó rất hay, rất thú vị. Lớn rồi, khi vừa đọc sách vừa suy ngẫm, mới hiểu ra: 5 thầy trò Tam Tạng chính là đại diện cho Thân, Tâm, Tình, Tính và Ý. Trong đó, Tôn Ngộ Không đại diện cho cái Tâm của người tu hành.
Lúc gần hết câu chuyện, Tôn Ngộ Không được Phật Như Lai phong làm Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới là Tịnh Đàm Sứ Giả, còn Sa Tăng làm Kim Thân La Hán. Vậy tại sao 3 người đều đồng hành đi thỉnh kinh cùng nhau trên chặng đường dài đầy khó khăn, khổ cực ấy, nhưng cấp bậc được phong lại khác nhau?
Nếu bạn đọc kĩ sẽ thấy, Tôn Ngộ Không tuy nóng nảy, ngang tàng, nhưng là người anh hùng, không bao giờ cúi đầu xu nịnh, luôn đứng ra chiến đấu đầu tiên, cũng là người bỏ ra nhiều công sức nhất. Ngược lại, Trư Bát Giới lại hay ghen tị, còn ham ăn, biếng làm, dĩ nhiên cấp bậc sẽ không giống nhau.
Xét về Sa Tăng, tuy siêng năng, nhưng tính cách rất ba phải, thủ mình, không dám can ngăn Tam Tạng đuổi sư huynh mình trong lần Tôn Ngộ Không đánh chết Bạch Cốt Tinh. Có nhiều lúc, Sa Tăng chỉ để Tôn Ngộ Không ra mặt trước, không chủ động xung phong đầu tiên.
Câu chuyện cũng khuyên chúng ta một điều, dù lúc thực hành có nhiều thất bại, cũng đừng nên mãi trốn tránh phía sau.
Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn chỉ như mới vừa ngồi trên chuyến tàu. Sau đó, khi bạn vừa đọc vừa suy ngẫm, chuyến tàu đã xuất phát, bạn bắt đầu cảm thấy hứng thú với cảnh sắc ngoài khung cửa sổ. Đến cuối cùng, khi đã đọc xong, thực hành rồi, bạn mới biết, hóa ra chặng đường tươi đẹp kia, chỉ là phong cảnh bên ngoài, đích đến mà chuyến tàu đưa bạn đến, mới là nơi có cảnh sắc khó quên nhất.
3. Phát triển khả năng suy nghĩ độc lập
Khi làm việc, điều đầu tiên, nên lắng nghe cảm nhận của bản thân đang nghĩ gì, mà không phải vội vàng đi hỏi xem suy nghĩ của người khác là gì.
Có nhiều người, rào cản lớn nhất trong lòng họ, chính là quá để ý đến suy nghĩ của người khác.
Tôi có một người bạn, cô ấy chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, sở thích lớn nhất là nấu ăn. Hôm nào phát lương, tôi cũng thấy cô ấy để tiền mua rất nhiều sách dạy nấu ăn về tự học.
Một hôm, tôi và vài người bạn đến nhà cô ấy chơi. Thấy cô ấy có nhiều sách nấu ăn như vậy, có người nói cô ấy sao không mua mấy cuốn sách kinh tế về đọc. Nó có lợi cho con đường sự nghiệp của cô ấy sau này hơn là đọc mấy cuốn nấu ăn vô bổ này.
Một người nói, vài người lại hùa theo hưởng ứng. Riêng tôi chẳng thấy đồng tình tý nào.
Khi thấy cô ấy do dự, ngại ngùng, có vẻ muốn đem bộ sách nấu ăn "bảo bối" của mình đi cất vào kho thì tôi liền ngăn lại.
Mỗi cuốn sách đều cần phải có một người chủ phù hợp với nó. Cô bạn kia không thích nấu ăn, thậm chí là không biết nấu ăn nên mới nghĩ như vậy, cần gì phải quá để tâm đến suy nghĩ của người khác làm gì?
Tôi nói không nhiều, nhưng lần gần đây gặp lại, tôi thực sự rất mừng, cô bạn tôi đã nghỉ việc văn phòng và làm giáo viên dạy nấu ăn ở một trường dạy nghề. Công việc ổn định, lại có thêm nhiều thời gian chăm sóc gia đình, khiến cô ấy rất mãn nguyện.
Nếu chúng ta muốn thành công, chúng ta phải là chính mình trước, hãy rèn luyện cho mình tư duy độc lập trong mọi hành động.