'Một mình trong đêm' - doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc lao đao vì quy định giãn cách mới

01/12/2020 20:30 PM | Kinh doanh

Một loạt những quy định mới về giãn cách xã hội bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24/11 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, tiếp tục giáng đòn mạnh vào các chủ doanh nghiệp nhỏ bất chấp hy vọng phục hồi kinh tế sau thành công bước đầu trong việc đối phó với dịch bệnh.

Cụ thể, quy định yêu cầu đóng cửa các câu lạc bộ đêm, quán bar, karaoke và hạn chế ăn uống tại các quán cà phê hay nhà hàng, hạn chế dịch vụ vận chuyển công cộng vào ban đêm, hoạt động liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo, đám cưới và đám tang trong hai tuần.

“Tôi cảm thấy như mình bị bỏ rơi trong bóng tối, quy định cấm ăn uống tại các cửa hàng sau 21h thực sự khiến chúng tôi mất hết hy vọng", Jung Gong-dan, chủ quán rượu gần quận Itaewon – một trong những con phố nổi tiếng sôi động về đêm của thủ đô, cho biết.

Việc "tạm dừng khẩn cấp" hoạt động đông người ở nội đô và các khu vực lân cận nhằm mục đích ngăn chặn Covid-19 bùng phát trở lại ở các địa điểm như văn phòng, trường học và các tụ điểm nhỏ - những nơi góp phần dẫn đến sự xuất hiện làn sóng thứ ba.

Nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á tăng trưởng trong quý III, sau khi suy giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ, nhờ các biện pháp kích thích từ chính phủ và các đối tác thương mại nới lỏng các quy định liên quan đến đại dịch.

Chỉ số chứng khoán Kospi lập đỉnh lịch sử trong phiên 24/11, tăng 83% từ mức thấp nhất năm 2020, thời điểm đại dịch bùng phát cuối tháng 3. Chứng khoán tăng nhờ tác động từ việc cắt giảm lãi suất và nhà chức trách đã bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, sự phục hồi của giá tài sản tài chính lại không tác động đều đến nền kinh tế thực vì các doanh nghiệp nhỏ và những cửa hiệu mặt phố phải đóng cửa trước những quy định giãn cách xã hội mới.

“Tôi đang lên kế hoạch triển khai dịch vụ bán rượu mang về có khuyến mãi. Đây là cách duy nhất để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh doanh thu cả năm sụt giảm”, cô Kim, chủ sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh đồ nhậu tại trung tâm thành phố Seoul, chia sẻ.

Cô đặt mua lượng rượu trị giá 10 triệu won (9.000 USD) với hy vọng lượng khách hàng đặt mang về tăng vọt vào cuối năm.

Hỗ trợ từ chính phủ

Sự sôi động cùng những hàng dài người xếp hàng trên các con phố mua sắm ở Seoul không còn hiện hữu trong tối 23/11.

Cô Jung, chủ quán rượu, cho biết nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ thì các cửa hàng sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, không thể nào duy trì sau những thiệt hại quá lớn trong đợt đại dịch hồi đầu năm.

“Tôi hy vọng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp để giúp chúng tôi, bởi vì nếu ngừng các hoạt động về đêm đồng nghĩa với việc chúng tôi phải đóng cửa", cô chia sẻ.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa đề xuất các biện pháp kích thích mới, nhưng đảng đối lập đã kêu gọi chuyển hàng tỷ USD trong ngân sách năm tới để trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tổng thống Moon Jae-in xin lỗi vì phải tăng cường các biện pháp giãn cách nhưng ông cho biết "không có cách nào khác" để có thể chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Các quan chức y tế cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm mới sẽ khó kiểm soát hơn trước, vì hầu hết các xuất phát từ trong cộng đồng xung quanh Seoul.

Nhiều thanh thiếu niên không hài lòng trước các quy định mới, nhưng đa phần mọi người ủng hộ các chính sách mạnh mẽ này.

“Thật là ngột ngạt và thật buồn khi ra ngoài gặp gỡ mọi người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, việc áp đặt chính sách mới là đúng đắn và hy vọng, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường”, sinh viên đại học Shin Jong-hyun 29 tuổi chia sẻ.

Hoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM