Một loại vắc-xin có khả năng trói tinh trùng, giúp phụ nữ không cần dùng thuốc tránh thai nữa

19/08/2021 11:00 AM | Khoa học

Nếu coi tinh trùng là những sinh thể ngoại lai xâm nhập cơ thể phụ nữ giống như mầm bệnh, một loại kháng thể sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn chúng.

Bởi các nhà khoa học và cả ngành dược phẩm khổng lồ vẫn gặp bế tắc trong việc tạo ra một loại thuốc tránh thai nam giới, trách nhiệm này bây giờ gần như hoàn toàn đặt lên vai phụ nữ. Thật không may, thuốc tránh thai đang khiến nhiều người phụ nữ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tùy loại và tùy thành phần công thức khác nhau, thuốc tránh thai có thể khiến các chị em tăng cân, hay bị chuột rút, rối loạn tâm lý, giảm ham muốn tình dục. Thậm chí, một số loại thuốc ngừa thai có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư vú và ung thư cổ tử cung, gây ra bệnh trầm cảm và cao huyết áp.

Trong khi chưa tìm ra được một loại thuốc tránh thai nam hiệu quả, các nhà khoa học bây giờ đang cố gắng tạo ra một loại thuốc tránh thai an toàn hơn cho phụ nữ - sử dụng thứ mà các loại vắc-xin đang dùng để chống lại virus và vi trùng gây bệnh.

Một loại vắc-xin có khả năng trói tinh trùng, giúp phụ nữ không cần dùng thuốc tránh thai nữa - Ảnh 1.

Một loại kháng thể có khả năng trói tinh trùng, giúp phụ nữ không cần dùng thuốc tránh thai nữa

Ý tưởng là: Nếu coi tinh trùng là những sinh thể ngoại lai xâm nhập giống như mầm bệnh, một loại kháng thể sẽ có hiệu quả trong việc khoá chặt và ngăn chặn chúng tìm đường đi đến trứng.

Trong một thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà khoa học đã tạo ra được một kháng thể có hiêụ quả lên tới 97% trong việc chặn tinh trùng trong chất nhờn âm đạo. Nó có thể hoạt động như một loại vắc-xin ngừa thai, giải phóng những người phụ nữ khỏi tác dụng phụ từ thuốc uống nội tiết tố.

Một loại thuốc tránh thai không dùng nội tiết tố

Nghiên cứu mới được thực hiện và dẫn dắt bởi nhà miễn dịch học, kỹ sư phân tử Bhawana Shrestha đến từ Đại học North Carolina. Cô cho biết nguyên lý của các biện pháp tránh thai là phải ngăn chặn được tinh trùng bơi qua chất nhầy âm đạo, đi lên phía trên để tiếp cận và thụ tinh với trứng.

"Thông thường, chỉ có khoảng 1% lượng tinh trùng mà một người đàn ông xuất ra đi được tới cổ tử cung của phụ nữ. Số lượng đi được đến tử cung thậm chí còn ít hơn và chỉ có vài chục trong số khoảng 200 triệu tinh trùng xuất ra là đến được vùng lân cận gần với trứng". Mặc dù vậy, chỉ cần 1 tinh trùng chui được vào trứng thôi là quá trình mang thai sẽ bắt đầu.

Để ngăn chặn điều này, các loại thuốc tránh thai nữ sử dụng hooc môn sinh dục estrogen để can thiệp vào quá trình rụng trứng, ngăn không cho trứng rụng khỏi buồng trứng. Hệ quả là tinh trùng không thể gặp trứng và thụ tinh.

Ngoài ra, thuốc tránh thai cũng có thể chứa progestin, một hooc môn làm dày nhất nhầy tử cung để cản tinh trùng bơi tới trứng, đồng thời làm mỏng lớp niêm mạc tử cung để trứng dù có được thụ tinh cũng ít có khả năng làm tổ và phát triển thành thai nhi.

Thật không may, can thiệp nội tiết tố ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể phụ nữ. Vì vậy từ lâu, các nhà khoa học đã rất muốn tìm ra một phương pháp tránh thai an toàn hơn đối với họ.

Một loại vắc-xin có khả năng trói tinh trùng, giúp phụ nữ không cần dùng thuốc tránh thai nữa - Ảnh 2.

Thuốc tránh thai nội tiết tố gây ra rất nhiều tác dụng phụ với người sử dụng.

Công việc mới nhất này hiện đang được thực hiện tại Đại học North Carolina. Trong đó, Shrestha và các đồng nghiệp để ý một số người phụ nữ có trứng hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại bị vô sinh do hệ miễn dịch.

Nguyên nhân là do cơ thể họ tạo ra các kháng thể, hay các phân tử hình chữ Y để chống lại tinh trùng xâm nhập giống như cách chúng chống lại mầm bệnh. Các kháng thể tự nhiên này "bẫy tinh trùng di chuyển trong chất nhầy âm đạo và ngăn chúng gặp trứng", Shrestha giải thích.

Vậy tại sao không thử sử dụng chúng để tạo ra một loại "vắc-xin" ngừa thai?

Phương pháp ngừa thai mới hứa hẹn hiệu quả và an toàn, không tác dụng phụ

Sử dụng các nguyên mẫu kháng thể thu thập được từ những phụ nữ bị vô sinh do miễn dịch, nhóm của Shrestha đã thiết kế ra được một bộ kháng thể nhân tạo. Trong đó, họ đã tinh chỉnh các phân tử này để giúp chúng bám dính tốt hơn với tinh trùng.

Kháng thể nhắm đến các vị trí liên kết chỉ có trên bề mặt tinh trùng mà không có trong bất kỳ tế bào nào của đường sinh sản nữ. Do đó, nó có thể sẽ khá an toàn và không gây ra tác dụng phụ.

Để thử nghiệm khả năng ngừa thai trên lý thuyết, các nhà khoa học đã bơm kháng thể này vào một ống nhựa chứa dịch nhầy âm đạo. Sau đó, họ nhỏ tinh trùng vào một đầu ống để xem chúng có bơi được đến đầu kia hay không.

Kết quả cho thấy so với các kháng thể chống tinh trùng ban đầu, các kháng thể đã được sửa đổi có hiệu quả gấp 8 lần trong việc bẫy các tế bào tinh trùng.

Một loại vắc-xin có khả năng trói tinh trùng, giúp phụ nữ không cần dùng thuốc tránh thai nữa - Ảnh 3.

Các kháng thể vây chặt lấy tinh trùng, không cho chúng di chuyển tự do.

Trong thử nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học lại tiêm các kháng thể này vào âm đạo của một số con cừu, sau đó thả tinh trùng người vào đó để quan sát kết quả. Chỉ sau hai phút, phương pháp kháng thể này đã làm giảm được 97% số lượng tinh trùng di động trong các mẫu chất lỏng được lấy ra.

Các kết quả khả quan này cho phép các nhà nghiên cứu nhắm tới một thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian tới. Trong đó, kháng thể ngừa thai có thể được chế tạo thành dạng viên đặt âm đạo, sử dụng trước khi người phụ nữ quan hệ tình dục.

Lý tưởng là phương pháp này chỉ cần sử dụng một lần, không phải thuốc uống hàng tháng như đối với các loại hooc môn. Phụ nữ vẫn có thể có thai trở lại ngay khi họ ngừng sử dụng biện pháp này, vì bản thân hệ miễn dịch của họ không tạo ra kháng thể như các phụ nữ vô sinh tự nhiên.

"Biện pháp kiểm soát miễn dịch này chỉ là tại chỗ, khi không được thực hiện nữa, khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ tăng trở lại nhanh chóng, không giống thuốc hooc môn làm họ bị chậm kinh hàng tháng ngay cả khi phụ nữ đã ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố lâu dài", các nhà nghiên cứu viết.

Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM