Một lái xe già hỏi các GS, TS Việt Nam về "giờ tử thần" và "trang phục tử thần"

09/05/2016 20:52 PM | Sống

Mặc dù tai nạn giao thông ở Việt Nam là cao nhất thế giới, mặc dù giáo sư tiến sĩ của chúng ta nhiều như lá tre, mặc dù chúng ta có nhiều trường đại học và vô số viện nghiên cứu lớn nhỏ, nhưng hình như ít thấy những nghiên cứu lớn về vấn đề này.

Chúng ta ngay và luôn cần phải có những đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu xem xét kỹ về mọi khía cạnh trong giao thông để mong giảm thiểu thực trạng nhức nhối này.

Bên cạnh những đề tài như nịnh nọt, các tiến sĩ cần tự hỏi mình những câu đơn giản rằng: Tai nạn giao thông hay xảy ra vào những giờ nào trong ngày? Hay những nạn nhân thường mặc trang phục màu gì?

Tôi, một tài già về hưu xin giải đáp ngay những câu hỏi lý thú trên.

Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói chắc chắn rằng, tai nạn giao thông rất hay xảy ra vào khoảng thời gian từ 18h đến 21h.

Tại sao vậy? hãy thử phân tích một vài nguyên nhân sau.

Từ 18h đến 19h

Đây là khoảng thời gian mà trời vừa sập tối.

Sự chuyển đổi giữa ngày và đêm làm tầm nhìn của lái xe đột nhiên bị hạn chế.

Hiện tượng quáng gà hay xảy ra.

Mệt mỏi sau một sau một ngày làm việc căng thẳng cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Khi mỏi mệt, người lái xe thường phản xạ kém và thường đạp phanh khi quá muộn.

Nhiều thanh niên vừa soi kết quả xổ số trên điện thoại vừa lái xe, khi phát hiện ra mình trượt hết thì cũng là lúc họ tông thẳng vào đít chiếc xe đằng trước.

Vội vã về nhà để cơm nước cho gia đình hoặc đón con thường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho các chị các mẹ.

Họ luôn vừa điều khiển xe vừa toan tính thực đơn đi chợ và căn giờ tới trường và do vậy họ rất xao lãng khi tham gia giao thông.

Từ 19h đến 21h

Đây là giờ mà những bợm nhậu ra về sau khi làm vài cốc với bạn bè.

Bia rượu gây tác hại như thế nào khi lái xe thiết tưởng tất cả chúng ta đều rõ.


Một vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Zing.vn

Một vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Zing.vn

Trang phục đưa ma

Trang phục khi điều khiển xe đạp, xe máy tham gia giao thông cũng là một vấn đề cần làm sáng tỏ.

Tôi có thể đoan chắc rằng đa phần các nạn nhân của tai nạn giao thông đều mặc áo quần tối màu.

Sở dĩ như vậy vì trang phục tối màu luôn làm bạn hòa lẫn với mặt đường và người lái xe rất khó phát hiện ra bạn từ xa.


Ảnh minh họa: Ford4u.vn

Ảnh minh họa: Ford4u.vn

Trời tối nhập nhoạng, đèn pha của xe ngược chiều làm chói mắt cộng với trang phục tối màu của người đi xe đạp luôn là nỗi khiếp sợ của người lái xe ô tô.

Trong phần lớn các vụ tai nạn kiểu này, người lái xe luôn nhận ra tai nạn khi đã quá muộn.

Trong nhiều trường hợp, chiếc đèn phản quang nhỏ xíu của xe đạp cũng không có nốt.

Để hạn chế vấn đề này, ở các nước tiên tiến người đi xe đạp, xe máy, hay đi bộ luôn mặc đồ phản quang.

Đồ phản quang luôn làm bạn sáng rực trước ánh đèn và như vậy sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ở Việt Nam, chỉ có một số người mặc đồ phản quang như cảnh sát hay công nhân môi trường.

Theo tôi nên có một luật bắt buộc mặc áo phản quang cho tất cả những người đi xe hai bánh trên đường quốc lộ.

Nếu bạn sáng rực trước đèn pha ô tô như thế này thì nguy cơ bạn bị đâm từ đằng sau là rất ít.

Cùng chuyên mục
XEM