Một hãng hàng không quốc doanh bị chính phủ rao bán vì thua lỗ 92 nghìn tỷ đồng: Bài học về cái kết tất yếu của những doanh nghiệp ‘xác sống’
Một hãng hàng hàng không quốc doanh Châu Á đang bị chính phủ rao bán vì liên tục thua lỗ và dựa dẫm vào ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp xác sống (Zombie Company) là thuật ngữ ám chỉ những công ty dựa vào tiền cứu trợ hoặc vay nợ để hoạt động. Những doanh nghiệp này dù tạo ra dòng tiền nhưng chỉ đủ để trả tiền lãi cho chủ nợ hoặc thậm chí là liên tục thua lỗ, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ ngân sách chính phủ để tiếp tục tồn tại.
Với những ai đã từng đến Sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi-Pakistan, chắc hẳn mọi người đều sẽ được "chào đón" bởi một cảnh tượng nghiệt ngã. Đó là hàng dài những chiếc máy bay bỏ hoang không còn hoạt động của hãng hàng không quốc doanh Pakistan International Airlines (PIA). Nơi đây thậm chí được ví như nghĩa địa máy bay khi PIA ngập trong nợ và chẳng còn đủ tiền để vận hành nhiều đội bay của mình.
"Tôi thường cố gắng tránh mua vé của hãng PIA. Tôi tin chắc rằng các chuyến bay của họ không bao giờ chạy đúng giờ", chuyên gia tài chính Asif Waleed, người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không ở Pakistan nói với tờ Nikkei Asian Review.
Hãng hàng không quốc doanh Pakistan (PIA) với khoản lỗ hơn 3,6 tỷ USD, tương đương 92.000 tỷ đồng, trong 20 năm qua đang trở thành tâm điểm chú ý khi chính phủ có ý định rao bán doanh nghiệp xác sống này. Đây là động thái nằm trong kế hoạch bán bớt hơn 80 doanh nghiệp quốc doanh đang "ăn bám" vào ngân sách chính phủ của Pakistan.
Toàn bộ tài sản của PIA bao gồm các nhà máy, cơ sở vật chất, ngân hàng tư nhân hay thậm chí là khách sạn ở New York đều sẽ được rao bán nhằm cắt bỏ doanh nghiệp xác sống đang ăn bám vào ngân sách nhà nước này.
Động thái của Pakistan diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang đàm phán để nhận gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên IMF lại yêu cầu nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng nợ và tăng trưởng thấp này phải cắt bỏ những doanh nghiệp xác sống như PIA.
Việc bán thành công PIA sau khi người láng giềng Ấn Độ cũng đã cổ phần hóa thành công hãng hàng không quốc doanh của mình cách đây 2 năm là một bước tiến để Pakistan có thể nhận gói cứu trợ trị giá 6-8 tỷ USD từ IMF.
"Không có mức giá sàn trong cuộc đấu thầu mua PIA nhưng chúng tôi dự kiến giá khởi điểm sẽ vào khoảng 300 triệu USD", một quan chức giấu tên nói với Nikkei.
Hiện đã có 10 doanh nghiệp tham gia đấu thầu PIA, cho thấy sự quan tâm của thị trường đến hãng hàng không quốc doanh này. Dù thua lỗ nhưng tài sản mà PIA nắm giữ vẫn rất lớn, chưa kể đến mạng lưới hàng không quy mô cũng như danh tiếng thương hiệu lâu đời của tập đoàn này.
80 tuổi
Trên thực tế, Pakistan đã từng cố gắng bán hãng hàng không quốc doanh 80 tuổi này nhưng thất bại.
Năm 2016, chính phủ công bố kế hoạch rao bán PIA đã khiến hàng loạt nhân viên rời bỏ PIA, dẫn đến nhiều chuyến bay bị hủy suốt 1 tuần và buộc Pakistan phải lui bước.
Tuy nhiên trong lần này, với áp lực kinh tế đang suy thoái và cần phải vay vốn từ IMF, cộng với sự hỗ trợ của Hội đồng đầu tư đặc biệt (SIFC), một cơ quan được quân đội Pakistan hậu thuẫn mạnh mẽ, chính phủ nước này đang quyết tâm rao bán bằng được PIA.
Măc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại việc bán PIA có thể không giải quyết được gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Pakistan hiện nay.
"Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh không phải là giải pháp lâu dài cho những vấn đề hiện nay của nền kinh tế Pakistan. Thách thức hiện nay phức tạp hơn nhiều so với việc một vài doanh nghiệp quốc doanh đang hoạt động kém hiệu quả", giáo sư kinh tế Asma Hyder của Viện IBA tại Karachi nhấn mạnh.
Quay trở lại với PIA, hãng hàng không quốc doanh này có khoảng 50 trung tâm tiếp thị ở cả trong và ngoài nước với 34 chiếc máy bay đang hoạt động và hơn 8.000 nhân viên. Đây là hãng hàng không lớn nhất Pakistan với 41% thị phần nội địa và 22% thị phần đường bay quốc tế.
Thế nhưng cũng tương tự như nhiều hãng hàng không quốc doanh kém hiệu quả khác, PIA đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa nhân lực, nợ nần chồng chất và buộc phải vận hành những chuyến bay trống rỗng để níu kéo hình ảnh lẫn các lý do địa chính trị hơn là vì bài toàn kinh tế.
Tiếp đó, sự sụt giảm mạnh của đồng Rupee đã khiến chi phí mua nhiên liệu bằng đồng USD tăng cao, trong khi đó thị trường nội địa lại suy giảm nhu cầu do người dân thắt chặt chi tiêu.
Trên đường bay quốc tế, PIA thua xa các đối thủ quốc doanh như Singapore Airlines hay Qatar Airways và Emirates. Xin được nhắc rằng chính PIA đã giúp thành lập Emirates cách đây 10 năm để rồi giờ đây bị vượt mặt.
Lần cuối cùng PIA công bố có lãi là vào năm 2004 và dù báo cáo năm 2023 chưa công bố nhưng các chuyên gia ước tính hãng hàng không quốc doanh này đã lỗ 400 triệu USD năm ngoái.
Hiện PIA vẫn đang dựa vào khoản trợ cấp hàng năm trị giá 40 triệu USD từ ngân sách chính phủ, trong khi vẫn đang nợ 3 tỷ USD và điều này khiến nhiều người lo ngại việc rao bán sẽ gặp khó khăn do người mua không đồng ý mức giá quá cao từ chính phủ.
Để giải quyết tình hình, chính phủ Pakistan đã quyết định chia PIA thành 2 doanh nghiệp, trong đó công ty cổ phần mới được thành lập với mục đích chính là để trả nợ.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ kéo theo những vấn đề kiện tụng pháp lý sau này cho chủ sở hữu mới.
Nhịn đau cắt bỏ
Bất chấp những tranh cãi xung quanh việc rao bán PIA, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif mới đây đã tuyên bố tất cả doanh nghiệp quốc doanh sẽ bị cổ phần hóa ngoại trừ những đơn vị quốc phòng hay mang tính chiến lược.
Động thái này không chỉ để nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ IMF mà còn để cắt giảm quan liệu, hành chính trong bộ máy doanh nghiệp quốc doanh vốn đang hoạt động kém hiệu quả, làm trì trệ nền kinh tế.
Thêm vào đó, động thái này có thể thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài do nhiều công ty quốc doanh có lượng lớn tài sản và thương hiệu hấp dẫn tại thị trường Pakistan.
Mặc dù việc rao bán các doanh nghiệp quốc doanh Pakistan có thể mất nhiều năm nhưng nhiều chuyên gia lại chào đón sự chuyển mình này.
"Mô hình doanh nghiệp nhà nước thường dẫn đến rắc rối khi các quan chức chẳng bận tâm đến lợi nhuận của tập đoàn như các giám đốc công ty tư nhân", doanh nhân Sajid Maqbool tại Karachi nói với Nikkei.
Theo SIFC, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quân đội đã đảm bảo cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh được diễn ra thuận lợi dù dính dáng đến nhiều lợi ích nhóm. Phía SIFC đang đặt mục tiêu thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư từ các quốc gia vùng Vịnh khi rao bán những tập đoàn quốc doanh trên.
Tờ Nikkei cho hay triển vọng nhận gói cứu trợ IMF của Pakistan hiện không mấy sáng sủa. Phía IMF cho hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Pakistan trong 4 năm tới dự kiến chỉ vào khoảng 7 tỷ USD, bằng ¼ so với Bangladesh, nước cũng đang nhận gói cứu trợ từ IMF.
Ngoài ra, những bất ổn địa chính trị cũng ảnh hưởng đến sức hút với nhà đầu tư nước ngoài vào Pakistan.
Thêm nữa, thị trường hàng không ở nước này trong suốt 20 năm qua đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của 5 hãng hàng không, qua đó cho thấy tiềm năng phát triển và khai phá có thể không còn nhiều.
"Tăng trưởng ngành hàng không có gắn kết chặt chẽ với đà tăng trưởng kinh tế quốc gia. Hiện tôi không thấy có triển vọng tăng trưởng nào với Pakistan và do đó là cả với ngành hàng không nước này trong tương lai gần", chuyên gia kinh tế hàng không Afsar Malik, đồng thời là cựu giám đốc một cơ quan hàng không nói với Nikkei.
*Nguồn: Nikkei