Một công ty với 343 nhân viên đang nắm giữ chìa khóa giúp Apple tạo nên iPhone tốt hơn vào năm tới
Apple đang chuẩn bị những bước đà chắc chắn, để đặt bệ phóng cho iPhone 8.
Như chúng ta đã biết, có rất nhiều khả năng Apple sẽ thay thế màn hình LCD truyền thống của mình bằng công nghệ màn hình OLED tiên tiến hơn trên iPhone 8. Tuy nhiên, hầu hết các nhà cung ứng màn hình cho Apple hiện nay đều không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu rất lớn của Apple, về cả công nghệ lẫn sản lượng.
Có lẽ vì lý do đó mà Apple đang phải đi tìm một nhà cung ứng màn hình mới, để có thể đảm bảo tiến độ ra mắt iPhone 8, cũng như đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cao kỷ lục của thị trường vào năm 2017. Kết quả là Apple đã phải lặn lội tới tận vùng quê của Nhật Bản.
Canon Tokki, với nhà máy sản xuất nằm giữa những cánh đồng lúa tại tỉnh Niigata, Nhật Bản, sở hữu độc quyền một công nghệ màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) cho phép hình ảnh hiển thị rực rỡ hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn.
Công ty này thuộc tập đoàn Canon Inc. với chỉ 343 nhân viên và đã trải qua 2 thập kỷ để hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất phục vụ cho các nhà sản xuất màn hình OLED trên thế giới. Mỗi năm, Canon Tokki xuất xưởng khoảng 10 dây chuyền sản xuất màn hình OLED.
Các khách hàng lớn hiện nay của Canon Tokki bao gồm cả Samsung Display, LG Display và Sharp. Giám đốc điều hành Teruhisa Tsugami cho biết: “Chúng tôi đang làm tất cả để tăng sản lượng và giúp khách hàng giảm bớt thời gian chờ đợi”. Canon Tokki đã tăng gấp đôi sản lượng trong năm 2016.
Vì sao lại là Canon Tokki?
Canon Tokki không hẳn là một nhà sản xuất màn hình OLED, mà là nhà sản xuất dây chuyền tự động cho các nhà sản xuất màn hình OLED khác. Mỗi một dây chuyền này kéo dài tới tận 100m, với băng chuyền tự động và các cánh tay robot hoạt động luân phiên.
Các tấm nền OLED được tạo ra bằng cách làm cho những điểm ảnh màu đỏ, màu xanh lá cây và xanh da trời lắng đọng trên tấm nền với phương pháp hữu cơ. Đây là một quá trình rất tỉ mỉ, giống như một dây chuyền sản xuất những chiếc siêu xe thể thao.
Một trong những thách thức lớn nhất, đó là việc sắp xếp các điểm màu sắc sao cho trùng khớp với những tế bào điện tử ở dưới. Canon Tokki đã sở hữu bằng sáng chế độc quyền để làm điều đó từ năm 1993, với mức sai số nhỏ hơn kích thước một tế bào hồng cầu trong máu người. Đây cũng là gốc rễ của tất cả những chiếc màn hình OLED trên thế giới.
Trong khi đó, Apple có thể sẽ phải dựa vào Samsung Display để đáp ứng nhu cầu màn hình OLED cho iPhone 8. Nhưng chỉ một nhà cung ứng là chưa đủ, đó lại là Samsung Display khi mà hầu hết các dòng smartphone của Samsung đều sử dụng màn hình OLED.
Apple có thể sẽ cần tới cả LG, Sharp và Japan Display. Thế nhưng các dây chuyền sản xuất và công nghệ của các hãng này, mà đặc biệt là Sharp và Japan Display, vẫn chưa hoàn thiện. Trong quá khứ, Apple cũng đã từng chi tiền túi để giúp các nhà cung ứng xây dựng dây chuyền sản xuất. Do đó, việc Apple tiếp cận Canon Tokki có thể là để đạt được thỏa thuận cung cấp dây chuyền sản xuất màn hình OLED cho Sharp hoặc Japan Display.
Cách đây không lâu, Japan Display cũng tuyên bố đầu tư 75 tỷ Yên (637 triệu USD), để xây dựng dây chuyền sản xuất mới. Trong khi đó, Sharp cũng nhận được sự hậu thuẫn của Foxconn để đầu tư 57,4 tỷ Yên (480 triệu USD) cho dây chuyền sản xuất màn hình OLED.
Những khoản đầu tư đó sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa, nếu như Sharp và Japan Display không có được dây chuyền của Canon Tokki. Nên nhớ rằng, mỗi năm Canon Tokki chỉ xuất xưởng dưới 10 dây chuyền sản xuất màn hình OLED, và có thể thấp hơn nếu Nhật Bản tiếp tục gặp những thảm họa tự nhiên như động đất.