Mong manh lãi suất
Sau lời hứa cam kết hạ lãi suất được lãnh đạo NHNN đưa ra, một số NH lớn đã đồng thời hạ lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm, áp dụng lãi suất trung, dài hạn tối đa 10% đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây liệu có thể trở thành xu hướng và có được giữ ổn định hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là câu chuyện hạ lãi suất vẫn chưa được thấy ở khối NHTMCP. Điều này có thể vì bản thân các NH đang phải đau đầu với việc làm ra bao nhiêu lợi nhuận thì đều bị chi phí trích lập dự phòng “ăn mất”.
Và nếu phải giảm lãi vay, thì không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà còn đến cả sức khỏe của NH, cho nên dù muốn thì lãi suất cho vay cũng khó hạ được ngay. Bởi vì theo thống kê hiện nay giá vốn của các NHTMCP dao động ở mức 6 - 7%/năm.
Trong khi đó, câu chuyện có dễ dàng cho doanh nghiệp tiếp cận với mức lãi suất vay thấp vẫn chưa thấy có sự suôn sẻ. Theo tìm hiểu thì hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều vẫn đang phải tiếp cận nguồn vốn vay lãi cao.
Ông Nguyễn Ninh - giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở quận Tân Phú, TPHCM cho biết: “Mặc dù nghe rằng mức lãi suất được giảm và nhiều NH đang cho vay với các gói vay lãi suất 6 - 7%/năm, nhưng thực tế chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận và cả nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa tiếp cận được vốn của NH nào với mức lãi suất như vậy.
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất cao hơn từ 10 - 11%. Thậm chí, ngay cả với mức lãi suất này để vay được cũng đã khó. Lãi suất NH hạ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mọi doanh nghiệp phải tiếp xúc được với khoản vốn vay”.
Trong khi đó, tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, thời gian qua, thanh khoản NH có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên NH (LNH) tăng mạnh trong tuần từ 4 - 8.4 tại tất cả các kỳ hạn (tăng 1 điểm % so với tuần cuối tháng 3).
Nguyên nhân xuất phát từ nhóm các NH thương mại có tỉ lệ LDR (cho vay so với vốn huy động) và tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh Thông tư 36. Ngoài ra, lãi suất LNH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường, bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3 -11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số NH thương mại nâng lãi suất cho vay dài hạn (từ 12 - 60 tháng) lên tới 11,5%. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9 - 10,5%/năm cho trung và dài hạn.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, trong tuần cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các NH thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãnh đạo một NHTMCP ở TPHCM cho biết, hiện nay trong bối cảnh tín dụng đang tăng mạnh, phần lớn các NH đang “lạm dụng” sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Một khi không thể điều tiết được nguồn vốn thì rất khó để giảm lãi suất. Bởi vì các NH phải cố gắng huy động thật nhiều để kịp xoay vòng vốn cho vay mới, lãi suất huy động lên nghĩa là chi phí vốn tăng thì rất khó nói chuyện giảm lãi suất.
Chính vì vậy, câu hỏi liệu lãi suất có được giảm và giữ ổn định lâu dài hay không vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn!