Mỗi năm người Việt "đổ bỏ" gần 6 triệu tấn thực phẩm

08/03/2018 14:52 PM | Kinh doanh

Mỗi ngày chúng ta vẫn chứng kiến 25.000 người chết vì đói và 1/3 lượng thực phẩm làm ra bị lãng phí hay thất thoát hàng năm, theo Tổ chức Nông Lương Thế giới. Riêng tại Việt Nam, chuỗi thực phẩm dự kiến thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm.

Với chủ đề "Giảm thiểu thất thoát lương thực", các chuyên gia tại Hội nghị Chuỗi cung ứng lạnh thế giới diễn ra trong hai ngày 7-8/3 cho biết: Chúng ta hiện đã sản xuất đủ thực phẩm nuôi sống 10 tỉ người – tức là toàn bộ chúng ta ngày hôm nay và toàn bộ lượng dân số mới tới 2050, nhưng 1/3 lượng thực phẩm làm ra bị lãng phí hay thất thoát hàng năm.

Riêng tại Việt Nam, chuỗi thực phẩm dự kiến thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, theo một báo cáo năm 2011 của Tổng cục Môi trường.

Một giải pháp logistics quan trọng để giảm thiểu mức lãng phí này là chuỗi cung ứng lạnh hiện vẫn chưa được áp dụng đúng và triệt để ngay kể cả đối với sản phẩm tươi sống.

Thị trường logistic cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa-nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực, và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.

Hiện tượng "gãy, đứt đoạn" trong cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn – nhà hàng, hệ thống phân phối.

Trong vòng 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh – mát tại Việt Nam tăng 4 lần và các cơ sở hạ tầng trong cung ứng lạnh – mát thường hoạt động với công suất đạt trên 90%.

Tỷ lệ áp dụng cung ứng lạnh là 95% đối với mặt hàng thủy sản, 33% đối với sản phẩm từ sữa, trong khi chỉ dao động từ 6% đến 12% đối với hoa quả, rau củ và thịt. Ông Lương Quang Thi, CEO công ty ABA Cooltrans, nhận định: "Tỉ lệ ứng dụng cung ứng lạnh thấp là do hệ thống phân phối rời rạc và chuỗi lạnh chưa phát triển."

Sự phân mảnh cho thấy có nhiều đơn vị tham gia nhưng không ai thực sự chịu trách nhiệm chính cho chuỗi cung ứng lạnh và không phải đơn vị nào cũng áp dụng những thông lệ tốt nhất, nên thị trường trở nên phức tạp và khó vận hành hơn, vị CEO cho biết thêm.

Nguyên nhân cốt lõi khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển mạnh chuỗi cung ứng lạnh, ông Thi cho rằng là do họ không thực sự hiểu được tầm quan trọng của chuỗi lạnh, điều đó tạo ra việc thiếu tuân thủ về an toàn trong vận hành chuỗi lạnh. Khách hàng có xu hướng cắt bớt chi phí logistics, gây áp lực giảm giá để cạnh tranh cho các nhà cung ứng dịch vụ logistics. Hệ quả là chất lượng của chuỗi lạnh bị giảm thiểu.

Một thách thức nữa đối với việc phát triển chuỗi cung ứng lạnh là cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các xe lạnh không được ưu tiên nên cũng dẫn đến những khó khăn cho bảo quản chất lượng sản phẩm.

ABA Cooltrans hiện tại có 200 xe và kho lạnh với 22.000 vị trí pallet sau khi được Mekong Capital đầu tư vào năm 2016. Đây là khoản đầu tư đầu tiên vào lĩnh vực logistics của Quỹ này.

Theo nhiều nguồn thống kê, có khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi, gần 300 cửa hàng dược mỹ phẩm, hơn 500 siêu thị mẹ và bé, gần 400 siêu thị - đại siêu thị, và khoảng 900 siêu thị nhỏ (minimart) mà chuỗi Bách Hóa Xanh đang dẫn đầu về số lượng, đóng góp cho mức tăng trưởng 90% của mô hình này.

Tăng trưởng nhanh mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây là các chuỗi bán lẻ thực phẩm (CAGR 50%) và minimart (67%), đặc biệt trong 2 năm 2015 và 2016 khi Vinmart+ và Bách Hóa XANH gia nhập thị trường. Tại hai loại hình này, số lượng thực phẩm tươi sống chiếm lần lượt 30% và trên 70%. Tổng số lượng siêu thị lớn, nhỏ, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng tiện lợi đã tăng gần 4 lần từ năm 2014.

Nếu so sánh về sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại, Việt Nam (10%) ở mức rất thấp so với các nước châu Á khác. Các kênh phân phối hiện đại chiếm 70% ở Trung Quốc, khoảng 45% ở Thái Lan và Malaysia và 30% tại Philippines. Nhưng điều đó cũng có nghĩa "room" phát triển còn rất nhiều.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM