Mới mua vào lại lo bị hủy niêm yết, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai kêu cứu

15/02/2022 19:41 PM | Kinh doanh

Các cổ đông HAG cho rằng thông tin hủy niêm yết ảnh hưởng đến tiêu cực đến họ.

Thông tin Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) có nguy cơ bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) được đăng tải trên các kênh truyền thông, lẫn được đồn đại trong các hội nhóm chứng khoán. Hành động này có thể là một phần nguyên nhân khiến HAG trong phiên giao dịch 14/2 có thời điểm trắng bên mua. Thậm chí hơn 13h30 hôm qua, mã này có tới 16 triệu đơn vị chờ bán - con số kỷ lục.

Chốt phiên chiều nay, 15/2, thị giá HAG ở mốc 11.650 đồng/cổ phiếu. Theo dữ liệu lịch sử trong 6 tháng qua, mã này đạt thị giá cao nhất là 15.700 đồng/cổ phiếu, ghi nhận trong phiên ngày 17/1.

Tính đến phiên giao dịch chiều 15/2 mã này chưa bị "hủy niêm yết" mà chỉ mới bị chuyển "sang diện kiểm soát từ 28/4/2021 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020 âm".

Do lo ngại trước tác động tiêu cực bởi tin đồn cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết, các cổ đông "sở hữu khá nhiều cổ phiếu HAG" của công ty do bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) làm chủ tịch đã gửi đơn kêu cứu.

Theo nhóm này, việc lan truyền thông tin "hủy niêm yết cổ phiếu" do lỗ 3 năm liên tiếp 2017-2019 gây ra thiệt ra thiệt hại rất lớn cho các thành viên trong nhóm.

 Mới mua vào lại lo bị hủy niêm yết, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai kêu cứu - Ảnh 1.

Đơn kêu cứu của nhóm các nhà đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: FB Hà Phan.

Nhóm dẫn giải quy định trong các văn bản pháp luật, báo cáo tài chính của HAG. Cụ thể, nhóm cho rằng "không có quy định hồi tố lỗ" trong Nghị định 155 của Chính phủ ngày 31/12/2020 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán.

Trong đơn kêu cứu, nhóm này cho rằng, năm 2019 công ty kinh doanh có lãi nên "không có chuyện lỗ 3 năm" liên tiếp. Đồng thời nếu hủy đột ngột sẽ "thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện nay" - theo văn bản.

Họ cho rằng họ là những nhà đầu sau thời điểm báo cáo tài chính 2020 đã kiểm toán (công bố vào tháng 4/2021) mà "không hề thấy cảnh báo". Sau đó là chuỗi thông tin tích cực về HAG. Điều này làm cho "chúng tôi đầu tư rất lớn vào cổ phiếu này".

Một nhà đầu tư tại TP HCM mua vào 100.000 cổ phiếu HAG vào đầu tháng 12/2021 cũng hoang mang trước thông tin mã này có thể bị hủy niêm yết. "Nếu họ (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - PV) hủy niêm yết thì không công bằng với các nhà đầu tư mới vào như chúng tôi", anh này cho hay.

Trước đó, HAG đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết, bởi các cổ đông mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm.

 Mới mua vào lại lo bị hủy niêm yết, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai kêu cứu - Ảnh 2.

Kết quả hồi tố năm 2017, 2018, 2019 của HAG. Ảnh chụp báo cáo tài chính.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Hoàng Anh Gia Lai, lợi nhuận đạt 184,2 tỷ đồng. Năm 2022, công ty kỳ vọng khoản lãi hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, công ty cũng đề ra mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.

Với viễn cảnh kinh doanh khả quan, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị "cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM