Môi giới kỳ cựu kể về cơn sốt đất "vô tiền khoáng hậu": Thật điên rồ, hàng tồn cũng hết

14/04/2021 20:31 PM | Xã hội

Làm việc 40 năm trong ngành bất động sản nhưng Jeffrey Mezger chưa bao giờ thấy thị trường nhà đất sôi sục như lúc này.

"Thật điên rồ. Chúng tôi chẳng có hàng tồn kho", vị CEO của KB Home chia sẻ với CNN Business.

Đối với những người muốn mua nhà, tình trạng khan hiếm nguồn cung kết hợp với sự cạnh tranh giá mạnh mẽ từ những người mua khác đang tạo ra một cơn sốt chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên, nguồn cung thấp và nhu cầu tăng vọt khiến các nhà phát triển bất động sản cảm thấy hài lòng.

"Đây là thị trường nhà ở tốt nhất mà tôi từng thấy trong sự nghiệp của mình. Đây là lúc không thể tốt hơn cho các nhà phát triển", Mezger chia sẻ.

Lợi nhuận quý đầu tiên năm 2021 của KB Home đã tăng 62%. Họ xử lý lượng giao dịch mua nhà nhiều hơn bất cứ quý đầu nào kể từ năm 2008. Lượng hàng tồn đọng của công ty tăng 74% về giá trị và gần gấp đôi ở khu vực bờ Tây.

"Chẳng có thành phố nào mà chúng tôi cảm thấy khó khăn", ông Mezger cho biết và nhấn mạnh họ đang làm ăn thuận lợi cả ở những ngôi nhà được xây từ trước và những công trình xây mới. Khả năng sinh lời trên mỗi công trình tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 41.000 USD.

Hàng tồn thấp kỷ lục

Nó trái ngược hoàn toàn với những gì công ty phải đối mặt trong thời kỳ trước cuộc khủng hoảng Tài chính năm 2007, khi thị trường nhà ở gặp phải vấn đề cung vượt xa cầu. Người ta mất cả thập kỷ để khắc phục được điều đó. Những ngôi nhà mới không thể được xây dựng trong giai đoạn suy thoái đã bị đình trệ mãi mãi. Nguồn cung nhà mới ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất thấp.

"Chúng tôi đã xây dựng cơ bản trong 15 năm qua. Tính đến cuối tháng 2, tồn kho nhà giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp kỷ lục 1,03 triệu căn. Tháng trước, một ngôi nhà thường được bán sau 20 ngày. Tuy nhiên, doanh số bán nhà hiện tại đã giảm gần 7% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3.

Tỷ lệ thế chấp cao

Doanh số bán nhà mới cũng đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Vào tháng 2, doanh số bán nhà mới đã giảm 18% xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Các nhà kinh tế đổ lỗi cho nhiệt độ đóng băng ở nhiều bang của nước Mỹ đã tác động đến lượng người mua nhà. Tuy nhiên, doanh số giảm cũng bắt nguồn từ lo ngại về giá đã quá cao và khả năng chi trả thấp.

Lãi suất thế chấp đăng tăng, người tiêu dùng đang chuyển chi tiêu sang các hoạt động khác nhờ quá trình tái mở cửa nền kinh tế. Những nhu cầu này đã bị dồn nén trong suốt năm 2020 khi đa phần người Mỹ bị buộc phải ở nhà do các yêu cầu giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Lãi suất thế chấp hiện tại vẫn còn rất thấp nếu so với lịch sử. Tuy nhiên, chúng cũng đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây. Lãi suất trung bình của khoản thế chấp kỳ hạn 30 năm đạt 3,09% vào những tuần cuối tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020. Chi phí đi vay cao hơn sẽ khiến khả năng chi trả nhà ở giảm từ 5-6% trong năm nay mặc dù thu nhập tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng tăng cao cũng là lý do khiến giá tăng. 96% các nhà phát triển bất động sản tham gia khảo sát năm 2020 đã cho biết vật liệu xây dựng tăng giá là thách thức hàng đầu. Cụ thể, giá vật liệu chung đã tăng 66% so với năm 2019.

Một trong những lý do khiến giá đội lên là tình trạng thiếu gỗ xẻ. Giá loại vật liệu này tiếp tục tăng vọt trong những tháng gần đây do nhu cầu tăng cao và nguồn cung hạn hẹp, khiến việc xây nhà mới trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Chỉ riêng giá gỗ đã khiến giá mỗi ngôi nhà tăng khoảng 24.000 USD.

Tuy nhiên, các CEO bất động sản vẫn lạc quan, một phần là do nhu cầu đang được thúc đẩy bởi nhóm người mua mới. Thế hệ Millennials là nhóm khách hàng mua nhiều nhất của KB Home, một xu hướng mà công ty nói rằng nó bắt đầu từ trước khi dịch bệnh bùng lên. Ngoài ra, thế hệ Z cũng đã bắt đầu mua nhà.

Nỗi ám ảnh bong bóng bất động sản

Thực tế, tình trạng sốt đất không chỉ xảy ra ở Mỹ mà đang là một xu hướng trên toàn cầu. Các quốc gia đều chứng khiến giá nhà đất tăng mạnh trong bối cảnh hàng loạt các gói kích thích kinh tế được tung ra để khắc phục những hậu quả của dịch bệnh.

Tiền rẻ được cho là nguyên nhân chính thổi bùng những cơn sốt bất động sản trên toàn thế giới. Tại Mỹ, FED đã đánh tính hiệu cho thấy họ khó có khả năng thay đổi chính sách lãi suất gần bằng 0 trong năm 2021 này. Điều này khuyến khích nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, đi vay để sở hữu bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ cảm thấy lo lắng về nguy cơ bong bóng bất động sản. "Khi nào bong bóng đầu cơ bất động sản sẽ đổ vỡ?" thành từ khoá nóng nhất Google, lượt tìm kiếm tăng tới 2.450% sau 1 tháng. Các từ khóa khác liên quan đến lý do bất động sản tăng mạnh, giá nhà phù hợp cũng đang được tìm kiếm nhiều trên Google.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường bất động sản Mỹ có thể sẽ khó lặp lại cú sập của năm 2008 bởi hệ thống tài chính, tín dụng hiện nay đã chặt chẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, thị trường xì hơi là điều có thể sẽ xảy ra.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM