Mổ bụng điều khiển điều hòa chính hãng 420K và hàng chợ 33K – giá chênh chục lần thì có gì khác?
Những chiếc điều khiển thay thế có giá "thượng vàng hạ cám" từ vài chục đến vài trăm nghìn khiến người tiêu dùng "hoa cả mắt", do đó tôi đã mua thử một chiếc để tháo ra xem bên trong nó có gì.
Chào các bạn. Những chiếc điều khiển chính hãng đi kèm tivi, điều hòa bị "đổ bệnh" sau một khoảng thời gian dài phục vụ là điều khó tránh khỏi. Trong một vài trường hợp chúng ta có thể dễ dàng khắc phục bằng một số cách đơn giản như thay pin hay lau chùi các bề mặt tiếp xúc, còn nếu bệnh nặng đến mức không chữa nổi thì phải tính đến phương án thay thế.
Nhân tiện chiếc điều khiển điều hòa Daikin 2 chiều nhà tôi bị hỏng một số nút (không bấm được) thì tôi đã lên mạng tìm mua điều khiển khác.
Dạo qua một số sang thương mại điện tử thì tôi thấy thực sự giật mình vì giá của những chiếc điều khiển thực sự rất đa dạng.
Cùng một kiểu model nhưng có những chiếc được rao bán với giá chỉ hơn 38K, có shop thì đề "hàng chính hãng" với giá 94K, hay cao bất ngờ là 420K.
Giữa ma trận giá như vậy thì tôi đã đặt mua thử loại bèo nhất với giá đến tay 33K (giá gốc 38K) để thử xem có ra cái gì không.
Ngoại quan
Chiếc điều khiển gốc ở bên tay trái, còn điều khiển hàng chợ ở bên phải. Nhìn bên ngoài thì có thể thấy ngay một vài điểm khác biệt:
Mặt trước
+ Chính giữa, trên cùng của điều khiển gốc có logo Daikin, còn ở điều khiển hàng chợ là dòng chữ "FOR DAIKIN A/C" ;
+ Màu xanh trên viền màn hình LCD của điều khiển gốc và hàng chợ khác nhau.
+ Font hiển thị trên màn hình LCD của điều khiển gốc đậm, sắc nét hơn.
+ Font chữ trên điều khiển gốc được in đậm, sắc nét và bóng hơn điều khiển hàng chợ.
+ Cảm giác bấm các nút của điều khiển gốc rất chán, thậm chí còn bị kẹt và tôi phải dùng tay gẩy gẩy để nó nẩy trở lại.
Điểm đặc biệt là trên điều khiển gốc có một lỗ nhỏ để reset (cài đặt lại), còn trên điều khiển hàng chợ thì không có lỗ này. Từ đó dẫn đến việc vị trí nút chỉnh giờ cũng khác nhau.
Mặt sau
+ Ở mặt dưới điều khiển gốc có in mã hiệu của chiếc điều khiển cùng các khuyến nghị sử dụng của nhà sản xuất bằng tiếng Anh, trong khi mặt sau của điều khiển hàng chợ thì không ghi bất cứ thông tin gì.
+ Điều khiển gốc sử dụng 3 con ốc màu đen, còn ốc của điều khiển 33K màu thép trắng.
Mổ bụng
Sau khi tháo 3 con ốc ở mặt sau của cả 2 chiếc điều khiển và nạy các lẫy nhựa thì chúng ta tiếp cận được bên trong với bảng mạch. Bảng mạch này cũng được cố định với mặt trước của điều khiển bằng 3 con ốc (ốc đen – điều khiển gốc, ốc trắng – điều khiển hàng chợ).
Dễ nhận thấy ngay đó là trên mặt sau của bảng mạch điều khiển gốc có 1 con tụ hóa 4V/100 uF và 1 thạch anh 4 Mhz màu xanh, còn trên điều khiển hàng chợ thì có in sẵn vị trí và lỗ chờ cho 1 chiếc tụ nhưng không có gì. Ở chỗ đèn LED hồng ngoại của điều khiển hàng chợ có in ký hiệu diode, còn trên điều khiển gốc lại không có bất cứ ký hiệu gì tại các vị trí có linh kiện.
Xoay mặt trước ra nhìn cái nào!
+ Thật ngạc nhiên vì trên bảng mạch của điều khiển gốc có 1 cái thạch anh và nhiều linh kiện dán (tụ điện, điện trở, transistor) còn bên điều khiển 33K lại chẳng thấy linh kiện gì – ngoại trừ chiếc vi xử lý thì hoàn toàn trống trơn.
+ Trên lưng chiếc vi xử lý của điều khiển gốc có ghi mã hiệu SBL3124S, còn chiếc vi xử lý của điều khiển hàng chợ thì không có bất cứ thông tin gì.
+ Số chân tiếp xúc với màn hình LCD của điều khiển gốc cũng nhiều hơn hẳn so với ở điều khiển hàng chợ.
+ Tấm phản quang màn hình LCD của hai chiếc điều khiển cũng có sự khác biệt về màu sắc: ngả xanh (hàng chợ) và xám (gốc). Ở mặt sau màn hình LCD của điều khiển gốc có in số hiệu, còn của điều khiển hàng chợ thì không ghi gì.
Bên cạnh sự khác biệt rõ ràng nhất về màn hình thì phím bấm của hai chiếc điều khiển này cũng bộc lộ những sự chênh lệch về "đẳng cấp". Cụ thể, ngay từ khi chưa tháo ra tôi đã thấy cảm giác bấm nút của điều khiển hàng chợ rất chán, còn khi cầm 2 tấm nút bấm trên tay thì độ rẻ tiền của điều khiển hàng chợ càng thể hiện rõ.
+ Tấm nút bấm của điều khiển gốc (bên trái) có 2 nút không sử dụng đến được làm chìm nhưng mặt sau vẫn có tiếp điểm; các nút bấm được đổ màu khá cẩn thận;
+ Ở tấm nút bấm của điều khiển hàng chợ (bên phải) thì 2 nút này không được đổ cao su luôn nên thành ra 2 cái lỗ rách xấu xí; các nút bấm bị loang lổ chứng tỏ khâu đổ màu vô cùng cẩu thả.
Mổ bụng so sánh điều khiển điều hòa chính hãng và hàng chợ giá 33K
Tổng kết
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau mổ bụng và so sánh 2 chiếc điều khiển điều hòa với giá chênh nhau hơn 10 lần (420K và 38K). Tôi cho rằng sự khác biệt về giá này đến từ chất lượng hoàn thiện, số lượng linh kiện sử dụng và quan trọng nhất là "chất xám" phải bỏ ra khi một bên là nghiên cứu và chế tạo, còn một bên chỉ "sao chép". Nhưng để sản xuất ra được một sản phẩm có thể hoạt động được như điều khiển gốc (chưa nói đến độ bền) với cái giá chỉ chưa đến 40 ngàn đồng thì quả thật cũng đáng nể!