Miền quê Nhật Bản bận rộn với hoạt động đào tiền mã hóa

08/07/2018 13:32 PM | Công nghệ

Đầu tháng 6, bầu không khí hăng hái tràn ngập nhà máy ren cũ ở Fukui, một thành phố ven bờ biển Nhật Bản với khoảng 25.000 người.

Một kỹ thuật viên đang bảo trì hệ thống đào tiền mã hóa tại Alt Design

Khoảng 500 máy chủ lấp đầy không gian với kích thước của 3 sân tennis, tỏa nhiệt lượng xuyên qua tòa nhà trong khi quạt làm mát hoạt động hết công suất. Nhân viên đổ mồ hôi liên tục.

Tòa nhà này là trụ sở của start-up khai thác tiền mã hóa được sáng lập bởi một cựu nhân viên của một siêu ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán lớn của Nhật Bản. Tại Fukui, giá điện và phí thiết lập thấp là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp mạo hiểm muốn cắt giảm chi phí. Người dân lẫn chính quyền trong khu vực kỳ vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp như thế tìm đến.

Công ty Alt Design, có trụ sở tại Tokyo, đã tiến hành hoạt động khai thác tiền mã hóa 24h/ngày kể từ tháng 9 năm ngoái, tập trung vào các loại tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum. Thợ đào sử dụng những máy tính có cấu hình cực mạnh để giải mã và ghi lại giao dịch trên một cơ sở dữ liệu phân cấp gọi là Blockchain. Họ "nghiền" dữ liệu để đổi lấy tiền ảo.

Công ty có khoảng 10 công nhân lắp đặt và quản lý trang thiết bị. Về lý thuyết, các máy chủ sẽ kiếm được khoảng 200 đồng Ethereum mỗi tháng (tương đương 86.000 USD).

Shuhei Fujise, nguyên là một chủ ngân hàng và là nhà phân tích chính của Alt Design cho biết: "Điện sử dụng công nghiệp ở Fukui rẻ hơn Tokyo và chúng tôi có thể dễ dàng thuê một không gian rộng lớn để lắp đặt tất cả các thiết bị của mình". Các máy móc có thể sử dụng đến 2.200Kw điện, tương đương với khoảng 2.600 hộ gia đình.

 Thành phố Fukui cũng có một chương trình trợ cấp trả một nữa tiền thuê nhà cho các công ty chuyển vào làm việc tại các nhà máy không sử dụng. Thành phố hoan nghênh các công ty công nghệ thông tin để hỗ trợ cho sự phát triển của chính mình - một cơ quan xúc tiến công nghiệp cho biết.

Cho đến gần đây, phần lớn các công ty đào tiền mã hóa lớn đều hoạt động tại khu vực miền núi Trung Quốc và Scandinavia, nơi có nguồn năng lượng thủy điện giá rẻ. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ tiền vào việc kinh doanh khai thác ở nước ngoài này.

Fujise tin rằng Alt Design có thể tồn tại ở thành phố Fukui. Ông cho biết: "Giá điện  ở đây vẫn cao hơn một chút so với ở nước ngoài, nhưng những công ty linh hoạt như chúng tôi vẫn có nhu cầu, và cũng để thật sự có thể giám sát những người đang thực hiện công việc này".

Alt Design chủ yếu khai thác bằng các thiết bị từ các khách hàng của họ, lấy một phần tiền mã hóa kiếm được như một khoản hoa hồng và phần còn lại sẽ gửi lại khách hàng. Họ có khoảng 10 doanh nghiệp liên doanh và đang liên tục thải loại số liên doanh khác.

Các công ty Nhật Bản bắt đầu hoạt động kinh doanh với ước muốn tăng trưởng trong tương lai. DMM.com đã thiết lập một công ty đào tiền mã hóa lớn nhất Nhật Bản tại trung tâm thành phố Kanazawa, trong khi GMO Internet cũng có một công ty tại Scandinavia.

Alt Design là một công ty trẻ với nhân viên trung bình khoảng 30 tuổi. Nhiều người đã rời bỏ các công ty tài chính để chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền ảo. Có nhiều rủi ro như sự cạnh tranh từ các công ty lớn nước ngoài đang gia tăng và bối cảnh khung pháp lý đang thay đổi trên toàn thế giới.

Nhưng giống như những người thợ mỏ liều lĩnh trong cuộc truy lùng vàng nhiều thế kỷ trước, những thợ mỏ đào tiền mã hóa ngày nay luôn sẵn sàng chấp nhận các hiểm nguy với hy vọng làm giàu nhanh chóng.

Tham khảo: Nikkei

Tấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM