Miễn dịch cộng đồng không cần vaccine: Điều đáng lo ngại từ nghiên cứu ở khu ổ chuột Ấn Độ
"Nếu người dân ở Mumbai muốn có một nơi an toàn nhằm tránh lây nhiễm, có thể họ nên tới đó", chuyên gia Ấn Độ tuyên bố sau
Miễn dịch cộng đồng hay dương tính giả?
Tháng trước, các nhà nghiên cứu ở Mumbai, một trong những thành phố lớn nhất Ấn Độ, đã có một phát hiện bất ngờ. Trong số gần 7.000 mẫu máu thu được từ người dân sinh sống trong khu ổ chuột của Mumbai, 57% cho kết quả dương tính với kháng thể COVID-19.
Mặc dù một số người thấy lo ngại trước kết quả của nghiên cứu, do chính quyền Mumbai và Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata thực hiện, số khác lại thấy lạc quan.
Khu ổ chuột của Mumbai, nơi giãn cách xã hội là điều không thể, có thể đã đạt mức miễn dịch cao nhất thế giới. Xét nghiệm kháng thể ở Delhi từ mẫu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Ấn Độ chỉ cho kết quả dương tính 23,5%. Và con số này ở New York là 14% (nghiên cứu do Sở Y tế New York tài trợ).
Các nhà khoa học cho rằng, một người có thể có miễn dịch ở mức nào đó sau khi khỏi COVID-19, tuy nhiên vẫn chưa rõ miễn dịch mạnh tới mức nào và có thể kéo dài bao lâu.
Miễn dịch cộng đồng (Herd immunity) là khái niệm về khả năng một căn bệnh ngừng lây lan khi đạt đủ mức độ miễn dịch cần thiết trong dân chúng. Và khái niệm này khá hấp dẫn bởi về mặt lý thuyết, nó có thể phần nào bảo vệ cho những người chưa nhiễm bệnh.
Nếu quá nửa số người ở khu ổ chuột của Mumbai đã nhiễm virus corona chủng mới, phải chăng họ có thể đạt miễn dịch cộng đồng - mà không cần tới vaccine?
Ông Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học thuộc Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ, cho là như vậy.
"Các khu ổ chuột của Mumbai có thể đã đạt miễn dịch cộng đồng", Bloomberg dẫn lời ông Muliyil cho hay, "Nếu người dân ở Mumbai muốn có một nơi an toàn nhằm tránh lây nhiễm, có thể họ nên tới đó".
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác tỏ ý thận trọng hơn.
David Dowdy, phó giáo sư về dịch tễ học tại Viện Y tế Cộng đồng Bloomberg Johns Hopkins, cho rằng, có thể xét nghiệm được dùng ở khu ổ chuột Mumbai đã cho kết quả dương tính giả.
Om Shrivastav, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mumbai, thì cho rằng, SARS-CoV-2 xuất hiện chưa đầy 8 tháng nên giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ "tuyên bố mang tính kết luận" nào.
Kể cả trong trường hợp các khu ổ chuột của Mumbai tiệm cận miễn dịch cộng đồng thì cái giá phải trả cũng quá lớn. Trong số hơn 2 triệu ca nhiễm bệnh của Ấn Độ, khoảng 5% được ghi nhận ở Mumbai, thủ phủ thương mại của nước này. Tính đến đầu tuần, hơn 6.940 người đã tử vong do COVID-19, theo quan chức y tế Mumbai.
Nguy cơ tử vong cao chính xác là lý do vì sao quan chức Ấn Độ khẳng định, nước này không đặt miễn dịch cộng đồng làm mục đích.
Miễn dịch cộng đồng là như sau:
Giả định mỗi người nhiễm bệnh lây cho 3 người khác. Nếu 2 trong số 3 người này có miễn dịch thì virus chỉ có thể làm một người bị ốm. Điều này có nghĩa là sẽ có ít người bị nhiễm bệnh hơn - và qua thời gian, kể cả những người không có miễn dịch cũng được bảo vệ bởi họ ít có khả năng tiếp xúc với virus hơn.
Mức độ miễn dịch cần có trong mỗi cộng đồng tùy thuộc vào căn bệnh. Các nhà khoa học chưa biết phải cần tới bao nhiêu phần trăm người dân có miễn dịch thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19.
Adam Kleckowski, giáo sư toán học thống kê tại Đại học Strathclyde, Glasgow ước tính rằng, ngưỡng cần có ở vào khoảng 50-70%, dựa trên những gì các nhà khoa học biết về SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, theo WHO, các nhà khoa học tin rằng, mỗi người mang virus có thể truyền bệnh cho 2-2.5 người. Tuy nhiên con số này có thể thay đổi tùy theo những yếu tố khác - chẳng hạn như phong tỏa có thể làm giảm số người bị nhiễm.
Cái giá đắt đỏ
Nâng cao mức độ miễn dịch trong cộng đồng có thể được thực hiện bằng hai cách: Tiêm vaccine hoặc tự phát triển kháng thể tự nhiên khi bị nhiễm bệnh.
Mọi chuyện bắt đầu gây tranh cãi từ đây.
Ban đầu, nước Anh tuyên bố cho phép lây lan COVID-19 trong nước để xây dựng miễn dịch cộng đồng. Hướng đi này đã vấp phải làn sóng phản đối. Một số chuyên gia cảnh báo rằng quyết định này kèm theo một cái giá rất đắt: Hệ thống y tế quá tải và tỷ lệ tử vong cao. Nước Anh sau đó đã từ bỏ chiến lược nói trên và hiện là một trong những nước có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Phần lớn các nước khác - gồm cả Ấn Độ - chọn một hướng đi khác. Như Dowdy nói: "Chúng ta có thể phát triển miễn dịch cộng đồng với COVID-19 rất nhanh bằng cách cho tất cả người dân nhiễm bệnh... Chỉ là sẽ có hàng triệu, hàng triệu người tử vong trong quá trình đó".
"Miễn dịch cộng đồng ở một đất nước với số dân như Ấn Độ không thể là một lựa chọn chiến lược", quan chức y tế Ấn Độ nói.
Thậm chí nếu một số khu vực nhất định đạt miễn dịch cộng đồng thì trạng thái này có thể không kéo dài. Virus có thể biến chủng, nghĩa là những người có miễn dịch trước đó không còn miễn nhiễm với chủng mới của virus, hoặc khả năng miễn dịch không kéo dài - Kleczkowski nhận định.
Thời gian duy trì miễn dịch cộng đồng còn tùy thuộc vào mức độ di chuyển, ra-vào trong cộng đồng ấy. Nếu người không có miễn dịch vào cộng đồng thì sẽ làm giảm mức miễn dịch tổng thể. Nếu số người ấy đủ nhiều thì virus lại có thể lây lan.
Tại một nơi như khu ổ chuột của Mumbai - người ta có thể nhanh đến, nhanh đi và điều này có thể ảnh hưởng tới thời gian duy trì miễn dịch cộng đồng - trong trường hợp nó có tồn tại ở đó.
Trong vòng 10 năm, Kleczkowski cho rằng, một số nơi trên thế giới vẫn còn SARS-CoV-2. Kể cả có miễn dịch cộng đồng ở một số nơi thì vẫn có khả năng virus tái xuất hiện, đặc biệt nếu người dân từ chối tiêm vaccine.
Ông Kleczkowski chỉ ra rằng, mặc dù nhân loại đã có nhiều loại vaccine được 200 năm, chúng ta mới chỉ loại trừ thành công duy nhất 1 căn bệnh ảnh hưởng tới con người - đậu mùa - nhờ chương trình tiêm chủng toàn cầu do WHO dẫn đầu.
Tuy nhiên, đó là một việc tốn nhiều thời gian. Vaccine được tìm ra vào cuối thế kỷ 18 nhưng mãi tới năm 1979, đậu mùa mới chính thức bị xóa sổ.