Microsoft sống sót kỳ diệu ở Trung Quốc: Thiết lập quan hệ đối tác với hàng chục nghìn công ty, Bill Gates có công lớn
Google và Yahoo! đã chấp nhận ngừng vận hành công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc. Microsoft may mắn hơn!
Các công ty Internet Mỹ từ lâu đã phải chật vật hoạt động ở Trung Quốc. Sau khi thỏa hiệp các vấn đề kiểm duyệt để duy trì khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ, Google và Yahoo! vẫn đành chấp nhận ngừng vận hành công cụ tìm kiếm của mình. Facebook, Snapchat và X (trước đây là Twitter) cũng không khả dụng.
Trong khi đó, Microsoft, tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ của Bắc Kinh, vẫn thuận lợi duy trì phiên bản địa phương của Bing kể từ năm 2009. Người đồng sáng lập Bill Gates từ lâu đã ủng hộ việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc nhằm khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực y tế và khoa học, đồng thời bác bỏ những lo ngại xoay quanh vấn đề kiểm duyệt. Gates rời khỏi hội đồng quản trị Microsoft vào năm 2020 song vẫn tiếp tục ghé thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 6 năm 2023. Trong cuộc gặp, ông Gates còn được gọi với cái tên ‘Người bạn cũ’.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft trong thập kỷ qua đã lặp lại quan điểm của Gates về lợi ích của việc cung cấp dịch vụ Internet ngay tại những thị trường ‘khó tính’ nhất. Được biết trong năm 2020, Trung Quốc chỉ chiếm 1,8% doanh số toàn cầu của Microsoft.
Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh thu Microsoft, Bing vẫn đang từng ngày tiến bộ. Theo công cụ theo dõi dữ liệu StatCounter, Bing đã vượt qua Baidu, công ty dẫn đầu thị trường nói chung, để trở thành công cụ tìm kiếm trên máy tính để bàn hàng đầu trong khoảng thời gian 5 tháng vào năm 2023. Thành tích một lần nữa được lặp lại vào tháng 1 năm nay.
Theo Bloomberg, Microsoft đã thiết lập quan hệ đối tác với hàng chục nghìn công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực bán lẻ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, ô tô và năng lượng. Các hoạt động tại địa phương chính là một trong những cách giúp gã khổng lồ này tuyển dụng nhân tài cũng như đạt được một số mục đích nhất định.
Vào tháng 9 năm 2022, người đứng đầu Microsoft tại Trung Quốc, Yang Hou , đã công bố kế hoạch mở rộng tổng số nhân viên của công ty tại nước này lên hơn 10.000. Ông nói: “Microsoft sẽ tiếp tục củng cố niềm tin và quyết tâm phát triển ở Trung Quốc”.
Liu Pengyu, phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC, cho biết trong một tuyên bố rằng Internet Trung Quốc là “tự do, cởi mở và có trật tự”. Nước này hoan nghênh các công ty nước ngoài hoạt động tại đây.
“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc nên tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, tôn trọng lợi ích, văn hóa và truyền thống và đảm bảo trách nhiệm xã hội”, ông nói.
Theo đại diện Microsoft, “Bing là công cụ tìm kiếm ít bị kiểm duyệt nhất ở Trung Quốc”, song hệ thống kiểm duyệt vẫn vô cùng phức tạp. Danh sách đen bao gồm hàng nghìn trang web, từ và cụm từ ngày càng bị mở rộng.
Tại Trung Quốc, Bing thanh lọc các trang web tin tức phương Tây và Wikipedia. Một số các tìm kiếm nhạy cảm đều không cho kết quả chi tiết.
Bing ra mắt tại Trung Quốc vào ngày 1 tháng 6 năm 2009 dù trước đó, chính phủ Trung Quốc đột ngột chặn quyền truy cập vào công cụ tìm kiếm. Không rõ liệu Microsoft đã đưa ra những nhượng bộ cụ thể nào.
Ngay khi Microsoft dần quen với các điều kiện, Google chấp nhận từ bỏ. Tập đoàn này đã vận hành công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc từ năm 2006, song vào tháng 1 năm 2010, sau một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng, Google thông báo ngừng hoạt động.
Chiến lược kinh doanh của Microsoft với Bing là mang lại kết quả tìm kiếm tốt hơn, ít quảng cáo hơn so với các đối thủ cạnh tranh địa phương. Được biết, Baidu thời gian gần đây liên tục phải đối mặt với chỉ trích do xuất hiện quá nhiều quảng cáo.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 4 năm 2023, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Đại học Toronto đã phân tích khoảng 500.000 từ khóa và tên bị kiểm duyệt trên các công cụ tìm kiếm. Họ phát hiện ra rằng Bing ít bị kiểm duyệt hơn so với Baidu về tổng thể.
Khi một người dùng Bing ở Trung Quốc nhập truy vấn tìm kiếm ngày hôm nay, yêu cầu sẽ được chuyển qua các máy chủ đặt tại Trung Quốc để áp dụng bộ lọc đảm bảo loại bỏ thông tin nhạy cảm. Quy trình tương tự cách mà Microsoft và Google áp dụng để tuân thủ luật pháp ở nhiều quốc gia khác nhau.
Theo các nhân viên, công nghệ kiểm duyệt này dựa vào hệ thống máy học phân tích văn bản, hình ảnh và siêu dữ liệu, quét các trang web để xác định xem chúng có vi phạm luật pháp hay quy định địa phương hay không. Microsoft cho biết họ không sử dụng tính năng tự động hóa để xác định nội dung mới cần chặn.
Trước đó, Microsoft cũng mở phòng một thí nghiệm tiên tiến về AI ở Bắc Kinh vào năm 1998. Bill Gates khi đó gọi đây là cơ hội khai thác “nguồn tài năng trí tuệ sâu sắc” của Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, lãnh đạo hàng đầu của Microsoft, trong đó có CEO Satya Nadella và Chủ tịch Brad Smith, mới đây đã cùng nhau thảo luận về bước đi tiếp theo với phòng thí nghiệm. Các rào chắn hạn chế chính trị nhạy cảm đã được thiết lập.
“Chúng tôi thực hiện nhiều cam kết với phòng thí nghiệm đẳng cấp thế giới. Không hề có cuộc thảo luận nào về việc đóng cửa Microsoft Research Asia. Chúng tôi mong muốn tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình”, Peter Lee, người đứng đầu Microsoft Research, mạng lưới gồm 8 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, cho biết.
Cuộc thảo luận thu hút được nhiều sự chú ý vì Microsoft là một trong số ít các công ty công nghệ lớn của Mỹ – cùng với Apple và Tesla – giữ được chỗ đứng ở Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc nuôi dưỡng ngành công nghệ trong nước, những tập đoàn đến từ Mỹ đã giảm bớt sự hiện diện.
Theo: Bloomberg, The New York Times