Microsoft, Asus, LG đồng loạt thất bại tại Việt Nam, cớ sao riêng nhãn điện thoại này vẫn duy trì thành công

13/01/2017 13:40 PM | Kinh doanh

Ra đời từ năm 2009 và nhắm tới dòng điện thoại phổ thông (feature phone - điện thoại cục gạch), Mobiistar đã liên tục thay đổi để thích nghi với thị trường và giờ đây trở thành hãng điện thoại có thị phần thứ 4 tại Việt Nam.

Mobiistar là thương hiệu điện thoại di động cuả Mobile Star Corp và được ra mắt người dùng từ tháng 6/2009.

Là một thương hiệu điện thoại nhỏ bé, không được nhiều người biết đến, trong bối cảnh thị trường tràn ngập các sản phẩm của Samsung, Apple hay Oppo, Mobiistar vẫn tồn tại suốt thời gian dài vừa qua và thậm chí vừa có một bước tiến dài trong năm 2016.

Thống kê của GFK cho biết, thị phần của Mobiistar 9 tháng đầu năm 2015 chỉ là 3,7% nhưng sang năm 2016 đã tăng vọt lên 5,2%.

Con số này đưa Mobiistar chỉ sau 7 năm phát triển đã trở thành thương hiệu điện thoại đứng thứ 4 trên thị trường, sau 3 ông lớn là Samsung, Oppo và Apple.

Trên thị trường di động hiện nay, tổng thị phần của Samsung, Oppo và Apple là 67,5%. Điều này có nghĩa, 3 ông lớn đã chiếm tới 2/3 thị trường và 1/3 còn lại chia cho hàng chục thương hiệu khác.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các đối thủ của Mobiistar đều đã gục ngã. Microsoft trở lại Việt Nam từ cuối năm 2015 với bộ đôi Lumia 950 và Lumia 950 XL và đến quý 1/2016 tiếp tục tung Lumia 650 ra thị trường với định vị ở phân khúc trung cấp. Tuy nhiên, Microsoft đã thất bại hoàn toàn khi thị phần rơi tự do và hiện nay gần như biến mất khỏi thị trường.

Thị phần của Asus cũng giảm mạnh thời gian qua, từ mức 5,5% năm ngoái đến nay đã mất hơn 1 nửa, chỉ còn 2,5%. Sản phảm Zenfone 2 tuy được quảng cáo rầm rộ nhưng cũng không thể đem lại thành công khi chuyển từ mức giá rẻ lên mức giá tầm trung.

Không giảm mạnh như Nokia hay Asus, nhưng thị phần của Sony năm qua từ 5,2% cũng xuống chỉ còn 4,1% dù cho Xperia X Series nhận được nhiều đánh giá tốt từ thị trường.

Trong bối cảnh các đối thủ trong "1/3 thị phần còn lại" đều gây thất vọng, Mobiistar lại vươn lên đầy bất ngờ. Không có quy mô toàn cầu như Samsung hay Apple, cũng không có đại diện hình ảnh nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, Mobiistar vẫn có cách tồn tại riêng nhờ biết mình, biết người, đánh đúng vào phân khúc mình có thế mạnh và đã gặt hái được thành công, trở thành thương hiệu Việt mạnh nhất trên thị trường.

Chiến lược của Mobiistar khi bắt đầu tham gia thị trường là tập trung vào phân khúc giá rẻ, tránh đương đầu trực tiếp với các sản phẩm điện thoại công nghệ cao lúc bấy giờ. Sản phẩm lúc này của Mobiistar chỉ trong khoảng 2 triệu đồng trở xuống.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, các ông lớn điện thoại như Nokia, Samsung, LG bắt đầu chú ý tới phân khúc giá rẻ và chuyển hướng, dàn trải sản phẩm trong các phân khúc tầm trung.

Điều này khiến một doanh nghiệp nhỏ như Mobiistar khó cạnh tranh và buộc phải thay đổi. Năm 2012, Mobiistar từ phân khúc điện thoại phổ thông (feature phone) đã chuyển sang phân khúc tiền smartphone, giá khoảng 3 triệu đồng trở lại.

Sau đó, đến năm 2014, Mobiistar tung ra các sản phẩm smartphone giá rẻ, mức giá không quá 4 triệu đồng và có tham vọng "phổ cập smartphone" cho thị trường.

Liên tục thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, Mobiistar không chỉ đứng vững mà còn âm thầm vươn lên chiếm vị trí thứ 4 về thị phần điện thoại tại Việt Nam vào năm 2016.

Hiện 60% doanh số bán hàng của Công ty đến từ các chuỗi bán lẻ như Thế giới Di động, Viễn thông A, Viettel, VinPro… Đối với các tỉnh, Công ty hợp tác với các nhà phân phối lớn ở địa phương để phủ rộng kênh bán hàng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM