Mệt nhoài vì áp lực, tôi quyết định bỏ việc, đạp xe đến Bhutan tìm lối thoát rồi nhận cái kết không thể ngờ: Hóa ra chẳng phải đích đến, hạnh phúc nằm ở chính cuộc hành trình!
Kiệt sức vì công việc, Christopher Boyce quyết định xách ba lô và đạp xe đến Bhutan để đi tìm hạnh phúc của chính mình.
Tiến sĩ Christopher Boyce là nhà nghiên cứu danh dự của Đại học Stirling (Anh). Anh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tâm lý học, nghiên cứu về sức khỏe tinh thần của con người. Dưới đây là bài chia sẻ của anh về cuộc hành trình đạp xe tới Bhutan đi tìm ý nghĩa hạnh phúc.
Tôi đã chịu đựng quá đủ rồi. Đó là một ngày tháng 10/2017. Tôi tự hỏi mình làm công việc hiện tại để làm gì? Có thể nó có ý nghĩa với ai đó ngoài kia, nhưng tôi đã chẳng còn hứng thú nữa.
Tôi chợt nghĩ: Tại sao mình không đạp xe đến Bhutan?
Tôi đã luôn muốn đến thăm nơi này từ cách đây nhiều năm. Tại Bhutan, hạnh phúc và sức khỏe của người dân được đặt trên cả sự phát triển kinh tế. Là một nhà nghiên cứu về hạnh phúc và sức khỏe con người, tôi coi chuyến đi này như một cuộc hành hương trở về với cội nguồn.
Trước khi bỏ việc, tôi đã cống hiến hơn 10 năm ở các trường đại học khác nhau. Mục tiêu của tôi là tìm ra được những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc. Thế nhưng, những gì tôi nhận được chỉ là một sự chán nản đến kiệt quệ.
Có thể nói, đây là một sự trớ trêu mà tạo hóa ban tặng cho tôi. Tôi nhận ra mình cần phải làm gì đó khác. Tôi muốn đi nhiều nơi, khám phá và thấu hiểu hạnh phúc mà không cần dùng đến lăng kính khoa học.
Nhưng tôi cũng muốn kết nối những nghiên cứu của mình với thực tại đang diễn ra hàng ngày.
Bhutan - đất nước đặt giá trị hạnh phúc con người lên hàng đầu.
Ai cũng đổ xô đi tìm mục đích và ý nghĩa của cuộc sống
Khi mới bắt đầu nghiên cứu, tôi rất hào hứng vì đây là một chủ đề cực kỳ quan trọng. Bởi ai cũng muốn sống hạnh phúc, nên tôi hy vọng nghiên cứu của mình sẽ giúp ích cho mọi người.
Là con người, ai cũng cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, viên mãn hơn nếu tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong những việc mình làm. Họ có thể tìm thấy chúng trong công việc, gia đình, hay thậm chí là sở thích, đam mê, niềm tin. Dù là gì đi nữa, chỉ cần có mục đích và ý nghĩa, con người sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách trong đời.
Bên cạnh đó, xuyên suốt quá trình nghiên cứu, tôi cũng nhận ra tiền bạc chỉ đóng góp rất ít vào hạnh phúc của con người. Vì thế, tôi cũng không đòi hỏi công việc lương cao hay cố tìm cách để được thăng chức. Tôi muốn sống một cuộc đời mà tôi có thể tự do làm những điều khiến mình cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn sống thật với bản thân mình.
Thế nhưng, càng nghiên cứu nhiều, tôi lại càng thêm hoang mang. Hạnh phúc chẳng có một công thức nào rõ ràng cả. Quá thất vọng và chán nản, tôi tự hỏi mình cứ nghiên cứu mãi làm gì?
Đó cũng chính là lúc tôi quyết định bỏ việc, đạp xe đến Bhutan trong một cuộc hành trình đi tìm lại ý nghĩa, mục đích cuộc sống và chính bản thân mình.
Không phải đích đến, hạnh phúc là một cuộc hành trình!
Tháng 10/2017, tôi bắt đầu khởi hành từ Anh. Chỉ với một ít đồ thiết yếu trong ba lô cùng một chiếc xe đạp, tôi đã có một cuộc hành trình phải nói là khá loanh quanh.
Trước tiên, tôi quyết định đạp xe xuyên qua khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ, bởi những ở đây có những khu vực khá giống Bhutan. Tôi muốn khám phá những lối sống mới ở nơi mà cuộc sống không bị chi phối quá nhiều bởi kinh tế, chẳng hạn như Costa Rica. Ở đây, người dân sống lâu và hạnh phúc hơn so với các nước giàu có, dù thu nhập của họ chẳng nhiều nhặn gì.
Tôi đã gặp vô số những dẫn chứng sống bước ra từ nghiên cứu của mình. Những trải nghiệm ấy cho tôi thấy, hạnh phúc có thể đến từ các mối quan hệ, sự khỏe mạnh và cả trong mối liên kết giữa con người và tự nhiên. Tôi cũng gặp những người tuy chẳng có gì trong tay nhưng lại hào phóng giúp đỡ khi tôi đạp xe ngang qua ngôi làng của họ.
Trong cuộc hành trình này, tôi có bay một vài lần qua đại dương. Còn đâu, tôi đều tự đạp xe hầu hết quãng đường để cảm nhận chuyến đi một cách chân thật nhất. Đạp xe không chỉ tốt cho sức khỏe, mà nó còn giúp giảm thiểu các tác động lên môi trường. Nhờ vậy, sức khỏe của mọi người xung quanh tôi cũng được đảm bảo theo. Thêm vào đó, đây cũng là một cách hay ho để gặp gỡ mọi người, bởi nó khơi dậy sự tò mò và tạo ra những mối liên kết bền chặt.
Tôi biết rằng những người mình gặp sẽ trở thành một phần quan trọng của chuyến đi. Vì vậy, tôi muốn tạo được mối quan hệ lâu dài với họ. Tôi chia sẻ với họ những nghiên cứu và trải nghiệm hạnh phúc của bản thân. Tôi cũng sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của những người mình gặp trên đường phố.
Vượt qua thách thức
Chuyến đi này là một trải nghiệm cá nhân cực kỳ tuyệt vời. Mỗi ngày, tôi lại học được một điều mới lạ, bất ngờ nhưng cũng không kém phần thách thức và đòi hỏi.
Có lúc, tôi ở nhà cùng một người lạ gặp ở trên đường, cùng gia đình họ ăn uống. Ngày tiếp theo, tôi lại ở một mình trong lều, ngồi ngắm bầu trời đêm đầy mơ mộng.
Nhiều khoảnh khắc đặc biệt trong chuyến đi đã giúp tôi cảm thấy hạnh phúc và hiểu hơn về bản thân mình. Chẳng hạn, tôi đã nhận ra mình không đơn thuần chỉ là một nhà nghiên cứu. Đôi lúc, cái chúng ta nhìn nhận về bản thân lại cản trở cái chúng ta có thể trở thành.
Cuộc hành trình này không hề dễ dàng chút nào, bởi nó không phải là một kỳ nghỉ. Chuyến đi này đòi hỏi tôi phải nỗ lực cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn.
Khoảng 2 tháng sau khi bắt đầu đi, tôi đã bị chó cắn tại một ngôi làng ở Peru. Ngay lập tức, tôi phải xử lý vết thương, đến bệnh viện và tiêm phòng. Toàn bộ trải nghiệm này đã ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần của tôi.
Tôi muốn về nhà. Tôi chật vật tìm lại ý chí để vượt qua mọi thứ. Tôi cảm thấy cô đơn. Nhưng rồi tôi bình tâm lại, cố gắng tìm sự hỗ trợ cần thiết và nhớ lại mục đích ban đầu đã đặt ra.
Tôi vui vì mình đã tiếp tục được cuộc hành trình. Tất cả những trải nghiệm tôi có sau đó, tất cả những người tôi tiếp xúc đã dạy tôi thêm nhiều điều, đem lại cho tôi một cảm giác trọn vẹn. Hóa ra, hạnh phúc có nghĩa là biết đối mặt với khó khăn, biết linh hoạt khi thách thức xuất hiện, bởi lẽ, chúng luôn luôn tồn tại trong cuộc sống.
Hiện giờ, tôi đang ở Canada. Tôi ngạc nhiên khi biết mình đã đi xa đến mức này. Tôi thường tự hỏi liệu mình có bao giờ bước chân nổi đến Bhutan? Có lẽ, những gì tôi làm được là quá đủ rồi. Tuy nhiên, dù tương lai có thế nào đi chăng nữa, tôi cũng có thể khẳng định một điều: Không phải đích đến, hạnh phúc nằm ở chính cuộc hành trình!