Mẹ ung thư máu “đánh cược” mạng sống để sinh con: Khi biết con đến với mình, cái chết đối với tôi vô nghĩa

08/07/2016 10:59 AM | Sống

Mỗi ngày còn sống với tôi đều là một đặc ân, vì thế, các bạn ạ, những ai đang buồn chán và hờn dỗi cuộc đời, hãy tin rằng, buồn chán của bạn chẳng là gì kinh khủng đâu, vì ngoài kia còn nhiều người như tôi - những người mà chỉ cần được sống bên gia đình thêm một ngày là đã đủ hạnh phúc rồi!

Tôi là Lê Thanh Huyền, mới 25 tuổi thôi, và tôi, đang là một bệnh nhân ung thư máu . Vâng, tôi cũng sốc y như các bạn vậy, khi nghe thông tin này lần đầu tiên. Và giờ thì tôi đã “chung sống” với nó gần 1 năm rồi.

Cũng giống như nhiều bệnh nhân ung thư khác, tôi không nghĩ, bệnh của mình là một điều “đáng chú ý” hay có gì đó “thú vị” để kể. Ngoài người thân trong gia đình và bạn bè tôi, tôi không muốn nhiều người biết về tình trạng sức khỏe của mình. Thế nhưng, tôi quyết định chia sẻ câu chuyện nhỏ của tôi với các bạn, những phụ nữ khác, đặc biệt là những người suốt ngày lên mạng than thở chuyện gia đình lục đục, chuyện con lười ăn, còi cọc, chuyện tự dưng thấy chán đời… để nói với các bạn một điều: các bạn còn đang hạnh phúc lắm đấy, và cuộc sống, chẳng bao giờ đáng chán cả, ngay cả với một người đang đứng ở bờ vực sinh tử như tôi.

Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường sống ở Bình Dương, không xinh đẹp, không có sự nghiệp gì đáng kể, và đang chống chọi với bệnh ung thư máu, nhưng điều hạnh phúc nhất của tôi, gia tài của tôi, là một bé gái hơn 1 tháng tuổi. Phải, con tôi mới hơn 1 tháng tuổi thôi, và tôi đang thai bé trong suốt thời gian mang bệnh ung thư.

Kết hôn được 1 năm, con vẫn chưa về với tôi, sau bao nhiêu ngày mong mỏi. Lo lắng, tôi đi kiểm tra ở bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ bảo, cứ yên tâm về nhà chờ đợi.

Sau 1 năm kết hôn, tôi mong mỏi từng ngày để có con, nhưng tin vui chưa đến, tin dữ đã đến trước...

Nhưng khi con chưa đến, thứ khác đã đến trước. Một ngày, đột nhiên tôi sốt hoài không dứt, tôi đi khám và được chuyển lên Bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Bác sĩ chỉ định nhập viện và chọc tủy xét nghiệm, vì lượng bạch cầu trong máu tôi quá cao (gấp mấy chục nghìn lần so với người bình thường). Sau 3 ngày nằm viện, tôi được về nhà với kết quả chẩn đoán: ung thư máu mãn tính. Người nhà giấu không cho tôi biết sự thật, và vài ngày sau, tôi mới biết được tin dữ.

Ban đầu, tôi hoang mang khủng khiếp, khóc mãi không thôi, và đau đớn nhất là khi bác sĩ kết luận: tôi không thể sinh con. Khi cơn khủng hoảng qua đi, tôi lại tự trấn an, dù sao cũng phải tiếp tục sống chứ nhỉ, đầy người bị ung thư giai đoạn cuối vẫn sống được đó thôi. 2 tuần sau đó, tôi quay lại bệnh viện và bắt đầu điều trị bệnh bằng thuốc trị ung thư.

1 tháng sau khi hay tin mình là bệnh nhân ung thư máu, tôi đột ngột nhận tin, mà chẳng biết nên vui hay buồn, niềm khao khát của tôi suốt hơn 1 năm đã được đáp đền: tôi mang thai. Khi thông báo tin này với bác sĩ, ông cau mày nói tôi:

- Bác đã nói, cháu không thể sinh con mà? Cháu cũng biết cháu bị bệnh gì rồi, mà giờ cháu có thai? Cháu có thể tử vong bất cứ lúc nào, cháu hiểu chứ? Chưa kể con của cháu ra đời, chưa biết bé sẽ thế nào, vì thuốc cháu uống là thuốc trị ung thư. Cháu về nhà và suy nghĩ kỹ rồi quay lại đây.

Bác sĩ vừa dứt lời, tôi trả lời ngay:

- Cháu suy nghĩ kỹ rồi, có chết cháu cũng sẽ giữ con.

Bác sĩ nhìn tôi với ánh mắt chẳng biết nói gì và bảo tôi gọi chồng lên cho bác nói chuyện.

2 tuần sau, tôi cùng chồng quay trở lại bệnh viện. Bác sĩ nói chuyện rất lâu với chồng tôi, yêu cầu anh và gia đình khuyên tôi nên bỏ thai để giữ tính mạng an toàn. Chồng tôi chỉ nhẹ nhàng trả lời:

- Bác cứ để vợ cháu toại nguyện. Gia đình đã khuyên nhủ hết lời, nhưng cô ấy không thay đổi quyết định.

Cũng như lần trước, bác sĩ nhìn hai vợ chồng tôi với ánh mắt kinh ngạc. Sau đó, ông yêu cầu chúng tôi viết một giấy cam kết, rằng bác sĩ đã giải thích nguy cơ, và nếu có chuyện gì xảy ra, gia đình chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyết định của tôi.

Tôi đã cãi lời bác sĩ, chống chọi lại bệnh ung thư máu để giữ lại "thiên thần hộ mệnh" của đời mình.

Giữ thai, đồng nghĩa với việc tôi dừng việc điều trị bằng thuốc, và chấp nhận chuyện sau khi sinh con, bệnh ung thư máu của tôi có thể chuyển nhanh sang giai đoạn cuối. Và có thể có cả rủi ro cho em bé. Các bạn, có lẽ giống gia đình tôi, nghĩ rằng, tôi quá liều lĩnh, và hơi… điên, phải không? Còn tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản, tôi khao khát được làm mẹ, và con đã đến với tôi, như một phép màu, khi cuộc đời tôi tưởng như không còn nhiều hy vọng. Thuốc điều trị ung thư rất nóng và mạnh, mỗi lần uống vào, cơ thể tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đau nhức thấu xương. Vậy mà tôi lại có bầu. Con đã đến trong hoàn cảnh đặc biệt đó, hẳn phải có một ý nghĩa nào đó, và hẳn là, bé thực sự đặc biệt và xứng đáng có mặt trên đời. Vậy nên, tôi đã chấp nhận “cuộc chiến” một mất một còn ấy.

9 tháng mang thai là 9 tháng tôi đếm từng ngày, hồi hộp, mong mỏi từng ngày để được nhìn thấy con. Cứ 2 tuần/lần, tôi lại đến cả hai bệnh viện, Huyết học – Truyền máu và Từ Dũ để khám bệnh. Điều tôi lo nhất là con mình sinh ra sẽ không bình thường như trẻ khác, vì như bác sĩ đã nói với tôi, thuốc ung thư có dược tính rất mạnh, e là thai nhi sẽ không ổn. Có lần, bác sĩ ở Từ Dũ nói với tôi, siêu âm thấy em bé có nang đám rối mạng mạch (một nang bất thường xuất hiện trong não thai nhi), nếu sau 2 tuần, nang không tự tiêu thì sẽ phải chọc ối xét nghiệm, và có thể sẽ đình chỉ thai nghén. Nhưng thật diệu kỳ, sau 2 tuần tôi đến tái khám, đã không còn dấu vết nào của nó nữa.

Đây là thuốc điều trị bệnh của tôi. Dù mới dùng hơn 1 tháng trước khi biết tin có thai, tôi vẫn sợ nó ảnh hưởng xấu đến con. Nhưng thật may, em bé dường như đã chống lại tất cả để sống sót.

Từ khi phát bệnh, tôi đã phải dẹp tiệm làm tóc của mình, chỉ quanh quẩn làm việc nhà, và đi học Thiền dưỡng sinh. Khi có thai, ngoài thời gian chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi và đi khám định kỳ, tôi vẫn duy trì tập Thiền và năng đi chùa. Có một điều rất lạ, đó là ngoài việc bạch cầu tăng cao (do tôi bỏ thuốc điều trị ung thư), sức khỏe của tôi trong suốt thai kỳ rất ổn, thậm chí, tôi còn cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh hơn trước.

Chỉ đến khi em bé trong bụng ở tuần 37, tôi phải nhập viện cấp cứu vì bạch cầu lên cao quá mức: 150.000 đơn vị. Bác sĩ chỉ định, tôi sẽ được mổ lấy thai. Trước khi phẫu thuật 1 ngày, bác sĩ ở viện Huyết học gặp vợ chồng tôi nói chuyện. Ông thẳng thắn bảo, chưa chắc tôi và con có thể sống sót qua ngày mai, vì với mức bạch cầu quá cao, có thể xảy ra tai biến bất cứ lúc nào, và nếu mẹ tử vong thì cơ hội cứu con cũng gần như bằng 0. Nghe vậy, nhưng quả thực tôi không mảy may sợ hãi gì, vì tất cả những gì tôi có thể làm khi đó là chờ xem mình có may mắn hay không, thế thôi. Nếu tôi và con qua được, tôi sẽ tiếp tục điều trị, còn bệnh sẽ tới đâu thì thời gian sẽ trả lời. Nếu không qua, coi như tôi đã thua trong cuộc đấu với số phận.

Khi chồng đưa tôi sang gặp bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ cũng cảnh báo, ca mổ của tôi rất khó, trong quá trình mổ, tỉ lê băng huyết rất cao và có nguy cơ tử vong. Cũng không có thông tin gì mới hơn, phải không?

Gia đình tôi ký biên bản, rồi bác sĩ hai viện họp bàn, lên phương án và tính toán việc phẫu thuật. Tôi bắt đầu được truyền nước, 2 tay dắt 2 cây kim truyền, chuẩn bị sẵn sàng để đón con trong sự bình thản đến kỳ lạ. Chồng tôi đùa, đúng là “điếc nên không sợ súng”, các cô y tá ở bệnh viện còn bảo, họ rất lo lắng cho tôi, cho em bé trong bụng. Tôi thì chỉ nghĩ, lúc cãi lời bác sĩ, quyết định giữ con, tôi đã chấp nhận và chuẩn bị tâm lý cho việc xấu nhất rồi, vậy tại sao, đến giờ khắc cuối, chỉ còn cách việc gặp con một ít giờ nữa, tôi lại phải sợ hãi?

Được ôm con trong tay sau bao ngày mong ngóng, tôi đã chiến thắng hiệp 1 cuộc chiến cam go này 1 - 0 rồi, phải không?

Đêm hôm đó, tôi ngủ ngon, và 10 giờ, tôi được đưa vào phòng mổ. 10 giờ 10 phút, con gái tôi chào đời, khỏe mạnh và đáng yêu như một thiên thần. Sau 2 ngày nằm hồi sức và cách ly con, tôi được đưa về phòng và gặp con trong vô vàn hạnh phúc. Lúc ấy, quả thực tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ cảm thấy một sự bình an, mãn nguyện, và dặn lòng, phải cố gắng nhiều hơn vì bây giờ, mình đã thực sự được làm mẹ.

Bây giờ, em bé của tôi đã được hơn 1 tháng tuổi rồi. Làm mẹ , các bạn biết rồi đấy, có nhiều bỡ ngỡ và mệt mỏi. Cũng may, em bé khá ngoan, cứ 2 giờ dậy ăn một lần rồi lại ngủ. Cũng có đêm, bé bắt bế liên tục cả vài tiếng. Thời gian đầu, tôi cũng căng thẳng, mệt mỏi vì những vất vả ấy, nhưng giờ thì quen rồi. Ngay sau khi sinh con, tôi tiếp tục điều trị ung thư, và các bác sĩ chỉ định không cho con bú mẹ. Đó là một thiệt thòi của cả tôi và em bé. Bé ăn sữa công thức kết hợp với sữa mẹ do tôi xin của các mẹ khác, nên tôi cũng được an ủi phần nào.

Những người bạn không quen biết ở Ngân hàng sữa mẹ đã tặng em bé của tôi những túi sữa mẹ quý giá này.

Hiện tại, phần vì con nhỏ, phần phải điều trị bệnh, tôi phải nghỉ làm, mọi chi phí gia đình, từ thuê nhà, chữa bệnh, bỉm sữa cho con, ăn uống của hai vợ chồng… dồn cả lên đầu ông xã. Tôi không biết chắc mình còn có thể sống bên cạnh chồng con bao lâu nữa, chẳng biết ngày mai sẽ thế nào, chỉ biết, vợ chồng tôi đã có gia tài quý giá nhất của đời mình: con gái nhỏ.

Mỗi ngày còn sống với tôi đều là một đặc ân, vì thế, các bạn ạ, những ai đang buồn chán và hờn dỗi cuộc đời, hãy tin rằng, buồn chán của bạn chẳng là gì kinh khủng đâu, vì ngoài kia còn nhiều người như tôi - người mà chỉ cần được sống bên gia đình thêm một ngày đã đủ hạnh phúc rồi!

Tôi vẫn đang tiếp tục hiệp 2 cuộc chiến của mình, và không hề chán nản, vì biết, một ngày còn sống bên gia đình là một ngày hạnh phúc.

Theo Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM