Mẹ mải lướt điện thoại, 2 con bị sóng cuốn trôi: Cứ dán mắt vào smartphone, cuộc đời sẽ dần bế tắc, tiếc nuối không thốt được một lời!
Bạn cứ dành thời gian để theo đuổi những thứ thật nhạt nhòa và ảo ảnh nhưng những điều xung quanh bạn, chân thật nhất đối với bạn thì đã mãi mãi mất đi.
01
"Thời gian dành cho bạn không nhiều, thế nhưng bạn lại vô tư lãng phí nó".
Đây là một câu nói được viết trên trang bán hàng của Mc Donald tại Mexico, kèm theo những bức ảnh bên dưới. Bức ảnh được chụp tại Mc Donald với hình ảnh người ông và đứa cháu đến ăn Hamburger, đứa cháu ăn rất vui vẻ, còn người ông hiền hậu nhìn cháu, kiên nhẫn đợi cháu ăn xong mới bắt đầu trò chuyện.
Thế nhưng hầu như đều là người ông nói, đứa cháu chỉ thỉnh thoảng mới ngẩng đầu "vâng" một tiếng rồi tiếp tục nhìn vào màn hình điện thoại. Sau vài câu nói qua lại, cậu bé liền rút tai nghe ra và đeo vào tiếp tục chơi game, còn người ông trầm lặng buồn bã nhìn cháu rồi lại nhìn ra khoảng không vô định.
Bạn có thể sử dụng điện thoại bất cứ khi nào bạn muốn, thế nhưng những người ngay bên cạnh bạn thì không thể đợi bạn mãi mãi. Sẽ có một ngày bạn muốn tìm người ấy để nói chuyện, nhưng phát hiện ra họ xa bạn mãi mãi.
Không biết là vào một ngày nào đó, cậu bé ấy sẽ có những giây phút hối hận không?
Nhưng xét cho cùng chúng ta liệu có tư cách gì để phán xét cậu bé ấy khi mà hầu như trong thời đại Internet hiện nay, ai cũng có thể là cậu bé ấy!
02
Tôi có một người bạn hiện đang là giáo viên tiểu học, có một lần cô giao bài tập làm văn, đề bài là: "Hãy viết về bố mẹ em", những bài văn nộp lên thì thường cũng na ná giống nhau bởi một phần cũng là bố mẹ giúp con làm bài, một phần vì giờ các cuốn văn mẫu nhan nhản khắp nơi, thế nhưng có một bài văn khác hẳn những bài còn lại.
Trong bài văn cô bé học trò viết: "Bố em là một người rất bận rộn, mỗi ngày thường rất muộn bố mới về nhà. Về đến nhà bố lại nằm trên sô pha xem điện thoại. Bố luôn bảo bố đi làm kiếm tiền về đến nhà rất mệt rồi, không có thời gian chơi với em, rồi bảo em đi tìm mẹ... thế nhưng dường như mẹ cũng thích điện thoại hơn em.
Mẹ thích chụp ảnh em sau đó đăng lên facebook, sau đó cứ chơi với em một lúc mẹ lại xem điện thoại, rồi lại cười một cách ngốc nghếch. Nhưng em lại chẳng thích chụp ảnh tẹo nào, em muốn mẹ cười với em chứ không phải chiếc điện thoại ấy...."
Đọc xong bài viết ấy, tôi tự nhiên thấy lòng trùng hẳn xuống. Có biết bao nhiều ông bố, bà mẹ thể hiện tình yêu to lớn với con cái họ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram? Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ dành hơn nửa hay gần như là toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của mình cho điện thoại? Thời gian mà họ có thực sự toàn tâm toàn ý, quan tâm chăm sóc con, chơi với con là bao nhiêu vậy?
Hay là tất cả bạn bè trên Facebook đều biết họ yêu con đến mức nào, duy chỉ có con của họ lại chẳng hề biết gì?
03
Vào lễ tết, hầu như nhà nhà người người đi làm ăn xa hay ở trên thành phố về ăn Tết với bố mẹ, bố mẹ cả năm cũng chỉ mong được đến những ngày như vậy để được đoàn tụ với con cái, làm cả bàn thức ăn đều là những món các con thích ăn. Vậy mà người đã về đây, nhưng dường như lòng vẫn còn ở đâu đó...
Trẻ con thì mải chơi điện tử, người lớn thì bận gửi tin nhắn chúc mừng, ti vi phát chương trình Gặp nhau cuối năm nhưng cũng chẳng ai để mắt đến....
Mọi người nhìn có vẻ thật vui vẻ, nhưng ở một góc nào đó, ông bà lại chỉ ngồi một góc, lại cũng như mọi ngày hai ông bà lủi thủi xem ti vi một mình, các con đã về đây mà khuôn mặt ông bà dường như còn buồn hơn ngày thường. Họ không hiểu điện thoại có gì thú vị đến vậy? Tại sao những năm nay không khí gia đình đã không còn như những năm trước?
Giờ đây ra ngoài gặp gỡ bạn bè cũng vậy, nói chưa được vài câu chúng ta lại cúi đầu vào điện thoại lướt lướt, là nói chuyện quá vô vị, là sự ngập ngừng ngại ngùng lâu ngày không gặp mặt nên lấy cớ nhìn vào điện thoại hay điện thoại quá có sức hút đến nỗi chẳng muốn nói chuyện?
Dù là bất cứ là lý do gì, dần dần, mọi người cũng làm biếng nói chuyện với nhau, ngại tiếp xúc, và mối quan hệ bạn bè thực sự có lẽ trong tương lai sẽ dựa vào lượng tương tác nhiều hay ít trên các trang mạng xã hội.
Người bạn yêu thương, thân thiết nhất ở đây, những cảnh sắc tuyệt vời ấy ngay trước mắt bạn, thế nhưng bạn còn đang mải "like" ảnh đẹp của bạn bè, đếm số "like" bức ảnh vừa mới đăng.
Điện thoại như một bước chân vô hình, len lỏi vào cuộc sống của mỗi con người chúng ta, trở thành công cụ giao tiếp mới của loài người, năng lực giao tiếp của ta yếu đi, và bước chân vô hình ấy không chừa một ai, không chừa lứa tuổi nào, tất cả đều đang có một con người vô hình khác trong ta, ngăn cản sự giao tiếp thông thường, sự yêu thương thông thường như trước đây ta đã từng, giữa con người với con người với nhau.
Họ trở nên lạnh nhạt, thờ ơ hơn, nét mặt vô hồn, cứ làm như chỉ có điện thoại mới cho họ biết thế nào là hỷ, nộ, ái, ố.
Hơn nữa, thời gian của chúng ta không bao giờ là đủ. Tôi có một cô bạn đồng nghiệp, cô tối ngày kêu bận bịu, cô nói cô muốn học thêm tiếng anh, học thêm kĩ năng này kĩ năng kia nhưng rồi lại viện cớ bận quá chẳng làm được việc gì, nhưng ai cũng để ý thấy ngày ngày cô chỉ nhìn vào điện thoại, làm việc thì không tập trung, cứ chốc chốc có tiếng điện thoại thông báo là cô lại cầm điện thoại lên ngay tức khắc.
Trước đây, nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại di động cũng giống như một loại virus nguy hiểm dễ lây lan, nó đang lan rộng khắp loài người. Những ai không dùng sản phẩm điện tử sẽ bị cho là "khác người", điện thoại cũng trở thành vật bất li thân của mỗi người.
Nó giống như một loại bệnh mãn tính, nó chẳng làm gì ta ngay, nhưng nó cứ đeo bám ta hết cuộc đời, và lấy đi "sức khỏe"của ta từng chút một. Vào ngày thường bạn sẽ chẳng thấy căn bệnh ấy chẳng có bất cứ vấn đề gì, nhưng vào một thời điểm nào đó, căn bệnh ấy mới làm ta nhận thức rằng chúng đang tồn tại, ta mới nhận ra rằng: Con đã lớn đến thế này rồi, bố mẹ đã già rồi, sự thân thiết của anh em bạn bè những người yêu quý giờ đã nhạt và xa cách quá rồi...
Khi bạn đang mải nhìn vào màn hình điện thoại lướt lướt, bạn đã bỏ lỡ bao nhiêu thứ đẹp đẽ xung quanh bạn, bạn đã bỏ lỡ bao nhiêu ánh mắt, cử chỉ yêu thương dành cho bạn, bạn đã bỏ lỡ bao cảnh đẹp, lãng mạn của cuộc sống này, bạn sẽ mãi mãi không tìm được nữa những khoảnh khắc tương tự. Bạn cứ dành thời gian để theo đuổi những thứ thật nhạt nhòa và ảo ảnh nhưng những điều xung quanh bạn, chân thật nhất đối với bạn thì đã mãi mãi mất đi.
04
Điện thoại di động chỉ lấy đi cuộc sống xã hội của chúng ta ư? Không chúng còn lấy đi của chúng ta cả sinh mệnh nữa đấy!
Thời gian gần đây, chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện hết sức thương tâm, như câu chuyện người mẹ dẫn hai đứa con đến bãi biển chơi, người mẹ thì mải lướt facebook, trả lời comment, đến khi nhìn lên đã 3 tiếng trôi qua, và cô đã mất hai đứa con của mình mãi mãi khi chúng bị sóng cuốn đi.
Thế nhưng thật đáng buồn khi đây lại chẳng phải là trường hợp đầu tiên hay hiếm hoi, trong những năm gần đây không biết đã có bao nhiều vụ tai nạn, sự cố liên quan đến việc mải sử dụng điện thoại đã xảy ra.
Thực sự là có những lúc bạn nhìn điện thoại cảm giác mới chỉ vài giây, thế nhưng thực tế đã qua vài tiếng đồng hồ, khi bạn đang mải mê nhìn vào màn hình điện thoại, thì biết đâu thần chết cũng đang lặng lẽ tiếp cận bạn cũng như người thân của bạn.
Thật ra thời gian dành cho bạn và gia đình bạn thật ra cũng chẳng có bao nhiêu nên hãy trân trọng từng giây từng phút có mặt trên cuộc đời này của bạn, trân trọng từng khoảnh khắc với những người yêu thương, trân trọng từng nhịp thở với thiên nhiên đất trời để biết rằng cuộc sống này đáng sống như thế nào.
05
Điều gì sẽ xảy ra nếu một năm bạn không dùng điện thoại, hoặc là không có mạng?
Có người đã từng trả lời rằng: "Nếu thế thì làm sao mà tôi sống tiếp được".
Chúng ta thường dùng điện thoại để cảm thấy cuộc sống thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho cuộc sống của chúng ta hơn, thế nhưng trong khi chúng ta nghĩ rằng điện thoại là một phương tiện của chúng ta thì thực chất chúng ta đang bị chính điện thoại kiểm soát và đang dần trở thành nô lệ cho chúng.
Người chủ lúc này không phải là con người nữa mà chính là chiếc điện thoại, vì thế mới nảy sinh ra tư tưởng "không có nó thì làm sao tôi sống được" đúng không nào?
Như một cái vòng luẩn quẩn. Điện thoại như một cái lồng nhỏ nhốt chúng ta lại bên trong nó. Nó có thể cho chúng ta thấy mọi thứ đa dạng và phong phú, làm ta thấy vui, thấy nó thật thú vị để quên đi sự giam cầm.
Nhưng rồi bạn nếu bạn để ý bạn sẽ thấy điện thoại làm ta thoái hóa, tay phát triển nhiều hơn, nhưng bạn lại dần mất đi nguyện vọng bày tỏ, nguyện vọng được giao tiếp với xã hội... Điều quan trọng nhất là bạn dần mất đi cảm giác của con người.
Vậy chúng ta còn dùng điện thoại không? Dĩ nhiên là có chứ.
Điện thoại cung cấp sự tiện ích cho cuộc sống của chúng ta, giúp cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn tại sao lại không chứ?
Đặc biệt trong thời đại thông tin như hiện nay, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn điện thoại ra khỏi cuộc sống của chúng ta được. Nếu đã như vậy thì ta phải học cách kiểm soát nó. Khi bạn rời khỏi màn hình điện thoại và nhìn ra thế giới bên ngoài, bạn mới phát hiện ra rằng thực ra thế giới cũng đâu có nhàm chán, nó đem lại cho ta cảm giác vui vẻ chân thật.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, tràn đầy sức sống, tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian hơn trên cuộc sống này để dành cho những người bên cạnh chúng ta, những người thật sự có ý nghĩa với chúng ta chứ không phải một vật, một cảm xúc ảo?
Người thân, bạn bè, người yêu, chồng vợ... hay cuộc sống tươi đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày, vậy tại sao bạn không dành ra thời gian để thưởng thức, để hưởng thụ thế giới này, có như thế bạn mới thấy bạn của chính thời khắc ấy mới là một con người, mới đang thực sự sống!
Ảnh minh họa: Jean Jullien