MC ăn khách nhất Trung Quốc: Muốn con thành công, hãy nuôi con như một “tên cướp”!
Triết lý giáo dục mà Uông Hàm luôn tâm đắc khi dạy con trai chính là: “Nuôi con như một tên cướp, thân thể cường tráng, nội tâm mạnh mẽ”.
Được công chúng biết đến với hình tượng “đại trí nhược ngu” (người thông minh tỏ ra ngốc nghếch), MC Uông Hàm đã để lại nhiều phát ngôn kinh điển trong sự nghiệp dẫn chương trình bởi cách dẫn dắt câu chuyện khéo léo và hài hước. Nam MC được báo chí Trung Quốc ưu ái gọi là "người dẫn chương trình truyền hình ăn khách nhất Trung Quốc".
Ông thậm chí còn được Guinness công nhận là nghệ sĩ nam có nhiều lượt theo dõi nhất WeiBo vào ngày 12/7/2017 với 84 triệu lượt theo dõi.
MC truyền hình ăn khách nhất Trung Quốc – Uông Hàm đã để lại nhiều phát ngôn kinh điển trong sự nghiệp dẫn chương trình. Ảnh: TrueID
Các bậc cha mẹ hiện đại đều xây dựng phương pháp giáo dục riêng cho con mình. Đối với MC nổi tiếng Uông Hàm cũng như vậy. Ông đã có những phát ngôn về quan điểm giáo dục con khác thường so với những ngôi sao màn ảnh Trung Quốc khác.
Triết lý giáo dục mà Uông Hàm luôn tâm đắc khi dạy con trai chính là: “Nuôi con như một tên cướp, thân thể cường tráng, nội tâm mạnh mẽ”.
Triết lý giáo dục con của Uông Hàm cũng trùng hợp với Jack Ma – Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Có lần, trong bài phát biểu về vấn đề giáo dục trẻ vị thành niên, Jack Ma cho rằng: “So với trí tuệ và thể lực, thanh thiếu niên hiện đại cần chú ý xây dựng trí lực”. Triết lý giáo dục này được nhiều bậc cha mẹ khen ngợi và học hỏi.
Tỷ phú Jack Ma trong một lần diễn thuyết. Ảnh: QQ
Thế nào là "Nuôi con như một tên cướp, thân thể cường tráng, nội tâm mạnh mẽ"?
Trong quan điểm dạy con của MC Uông Hàm và tỷ phú Jack Ma, “nội tâm” chính là từ ngữ được nhấn mạnh nhiều lần. Theo đó, “nuôi con như một tên cướp” mang hàm ý cha mẹ nên hình thành cho con những tính cách mạnh mẽ theo nghĩa tích cực.
Chúng ta thường thấy ở những tên đạo tặc hay trộm cướp đều có bản lĩnh gan dạ, liều lĩnh.
Theo nghiên cứu tâm lý học tội phạm của chuyên gia nghiên cứu tâm lý pháp y Claire Nee thuộc Đại học Portsmouth - Anh, những tên trộm tự rèn luyện mình để có thể phản ứng một cách vô thức với các kích thích thường thấy từ môi trường bên ngoài trong quá trình ăn trộm, tạo ra phản ứng vô thức và bản năng, giúp chúng hoàn thành vụ trộm một cách hoàn hảo.
Nói cách khác, những tên trộm đã tự rèn luyện cho mình sự mạnh mẽ và liều lĩnh. Sau thời gian dài rèn luyện sẽ giúp những tên trộm chuyên nghiệp không gặp nhiều rào cản tâm lý, cũng như nỗi lo sợ bị bắt.
Uông Hàm bên cạnh vợ và con trai. Ảnh: QQ
Từ việc giải mã này, Uông Hàm đã ứng dụng hiệu ứng tâm lý trên theo hướng tích cực vào các phương pháp giáo dục con cái: khả năng thích ứng khi đối mặt với khó khăn, thất bại, áp lực hay năng lực vượt qua nghịch cảnh (AQ - chỉ số vượt khó) vô cùng quan trọng đối với trẻ em.
Uông Hàm và Jack Ma cũng đưa ra lời khuyên để định hướng cho sự phát triển toàn diện của con cái. Theo đó, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng cho con hai điều sau để giúp con lớn lên thành công.
Cha mẹ nên có nhận thức đúng đắn về "thất bại"
Một đứa trẻ có thể lực tốt, IQ cao sẽ nổi bật so với các bạn cùng trang lứa. Điều này hỗ trợ con bước nhanh và thuận lợi hơn trên đường đời. Tuy nhiên, chỉ thân thể cường tráng và thông minh thôi vẫn chưa đủ.
Uông Hàm và Jack Ma, người đã “lăn lộn” trong xã hội nhiều năm, chứng kiến nhiều người và nhiều việc. Cuối cùng họ ưu tiên việc tu dưỡng "nội tâm" cho con cái là quan trọng hàng đầu.
Những đứa trẻ sợ thất bại, né tránh sự cạnh tranh, không dám thử thách bản thân sẽ khó trưởng thành. Trong học tập, gặp chút khó khăn đã muốn bỏ cuộc, trong cuộc sống gặp thất bại thì gục ngã. Thái độ này về lâu dài khiến trẻ mất đi dũng khí và niềm tin vào bản thân, cuối cùng trở nên yếu đuối, khó làm nên việc lớn.
Ảnh minh hoạ
Thậm chí nỗi sợ này còn gây nguy hiểm hơn khi nó dẫn đến hàng loạt vụ tự tử của học sinh, nguyên nhân đều do áp lực điểm số.
Cha mẹ đôi lúc chỉ nghĩ: “Tự tử chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt”. Đây là suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải, bởi nguyên nhân sâu xa chính là cuộc sống quá êm đềm đã khiến các em trở nên nhút nhát. Nhiều trẻ đã quen với thành tích tốt, nên khi bị điểm thấp chúng thường không chấp nhận.
Nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng, con còn nhỏ thì khả năng chịu đựng còn kém, nên ra sức “xây tường” để bảo vệ chúng, không dám để con đối mặt với thất bại. Trên thực tế, nhiều người muốn vẽ ra cho con một cuộc sống màu hồng như trong chuyện cổ tích, để con lớn lên với những mộng mơ ảo tưởng mà thiếu đi óc thực tế. Chính những hành động đó của cha mẹ đã vô tình đánh mất cơ hội rèn luyện “nội tâm mạnh mẽ” ở con mình.
Là cha mẹ, trước tiên nên hình thành một ý thức đúng đắn đối với hai từ “thất bại”, xem những lần vấp ngã là cơ hội tốt để rèn luyện ý chí và cải thiện khả năng thích ứng với thử thách của con. Con phải thất bại thì mới tìm mọi cách để đứng dậy.
Triết lý giáo dục của hai người nổi tiếng đều cho rằng “nghịch cảnh trau dồi trí thông minh”. Vấp ngã cũng giống như một loại “đề kháng”, nếu không có nó, con trẻ khó vượt qua được “căn bệnh khó khăn”.
Cha mẹ hãy giúp trẻ học cách đối mặt với thất bại
Cha mẹ hình thành quan niệm đúng đắn về thất bại chỉ là bước đầu tiên. Chúng ta thường cho rằng, khi trẻ gặp phải thất bại thì hãy để chúng tự cố gắng. Nhưng thực tế điều này vẫn chưa đủ, và con có thể sẽ lặp lại sai lầm đó nếu không có sự hướng dẫn từ cha mẹ.
Ảnh minh hoạ
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên dẫn đường cho con, vì vậy, để tránh không phạm phải lỗi đó lần nữa, hãy dạy con biết thế nào là thất bại.
Từ đó, cha mẹ hãy phân tích nguyên nhân dẫn đến sai lầm cho con nghe dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình, giúp trẻ không né tránh và mạnh dạn đối mặt với nó. Cuối cùng, hãy khai sáng cho con những gì mà chúng cần làm tiếp theo, động viên con tự đứng lên vượt qua khó khăn này.
Là cha mẹ thông thái, nuôi con cần kết hợp cả ba yếu tố: Trí tuệ, thể lực và trí lực. Trong đó, trí tuệ và thể lực cho con bước đi thuận lợi hơn trên con đường thành công, và trí lực sẽ quyết định hai yếu tố còn lại có tiếp tục tồn tại và tiến xa hơn nữa hay không. Vì vậy, ngay từ khi con con nhỏ, cha mẹ nên chú trọng rèn luyện cho con năng lực vượt qua nghịch cảnh để con có thể phát triển toàn diện.
(Theo Sohu)