May Sông Hồng: Từ sự bội ước đến bí mật để “thu lời khủng khiếp” từ sản phẩm Chăn Đệm
Gần 15 năm trước, sau khi bị một thương gia nước ngoài có tên tuổi bội ước, May Sông Hồng đã tự mở rộng lĩnh vực sang ngành chăn ga gối đệm. Hàng năm, lợi nhuận của công ty đều cao hơn vốn điều lệ
“Có lẽ nên nói lời cảm ơn với người ngoại quốc kia rằng nếu không có sự bội ước của ông thì không có Sông Hồng như ngày hôm nay. Từ làm bông, chúng tôi mới khám phá ra cái bí mật trong các chủng loại sản phẩm Chăn - Đệm mà bao năm tháng, những người nước ngoài không bao giờ hé lộ ra khỏi cái vỏ bọc của nó để thu lời khủng khiếp ở thị trường Việt Nam.”
Đó là những trải lòng của ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch HĐQT CTCP May Sông Hồng trong Lời tự sự năm 2011. Gần 15 năm trước, sau khi bị một thương gia nước ngoài có tên tuổi bội ước, hòng ép công ty với những “điều kiện vô cùng tồi tệ”, May Sông Hồng đã tự tìm lối đi, mở rộng lĩnh vực sang ngành chăn ga gối đệm và hiện tại đã trở thành một thương hiệu lớn của Việt Nam trên thị trường may mặc.
Một doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm cao hơn vốn điều lệ
Năm 2010, May Sông Hồng có vốn điều lệ là 36 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn, đến cuối năm 2015, công ty đã phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 227 tỷ đồng, nguồn từ thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển.
Vốn chủ sở hữu thấp và sử dụng vay nợ nhiều là đặc tính của May Sông Hồng. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng tài sản của công ty luôn ở mức xấp xỉ 70%, tuy nhiên cũng nhờ đó mà công ty này duy trì được tỷ lệ doanh thu/tổng tài sản cũng như tỷ suất sinh lời trên vốn rất cao.
Hàng năm, lợi nhuận sau thuế của May Sông Hồng luôn cao hơn vốn điều lệ (ngoại trừ năm 2015 do mới tăng vốn) và tỷ lệ ROE trên dưới 30%. Năm 2014, EPS của May Sông Hồng đạt 24.963 đồng.
Lại nhắc lại lời tự sự của ông Bùi Đức Thịnh về “bí mật để thu lời khủng khiếp” từ các mặt hàng chăn ga gối đệm tại Việt Nam, có thể thấy, đây cũng là mảng có lợi nhuận gộp lớn nhất của May Sông Hồng với mức lợi nhuận gộp biên năm 2011 là 16%.
Con số 11% không lớn nếu so với một công ty khác trong mảng này là CTCP Kymdan – một công ty từng gây ấn tượng bởi mức lợi nhuận gộp biên rất cao: trên 70% mà mức cao nhất đạt được là vào năm 2014 với 75,2%.
Dù sao doanh nghiệp Chăn đệm này vẫn luôn có doanh thu và lợi nhuận duy trì tăng trưởng qua các năm. Tỷ lệ cổ tức cũng khá hấp dẫn. Năm 2010, công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50% để tăng vốn điều lệ. Mức cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2011 đến nay đều từ 25 – 35%.
Mảng chăn ga gối đệm có tỷ suất sinh lợi cao nhất, nhưng may mặc mới là mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho May sông Hồng. Trong mảng này, sản phẩm của May Sông Hồng gồm hàng gia công và hàng xuất khẩu (FOB) các loại quần áo.
Và quyền lực tập trung
Giống như CTCP Kymdan với cơ cấu cổ đông cô đặc gồm những người trong gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đan, tại May Sông Hồng, cổ đông lớn của công ty (theo báo cáo HĐQT 6 tháng đầu năm 2015) hầu hết là những người trong gia đình Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh.
Theo bản cáo bạch phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2012, nhà đầu tư riêng lẻ dự kiến tham gia mua trái phiếu chuyển đổi của công ty là ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), đồng thời là thành viên HĐQT của CTCP Thủy sản Hùng Vương (mã: HVG). NĐT riêng lẻ này được mua 270.000 trái phiếu chuyển đổi, tương đương số cổ phần sở hữu sau khi chuyển đổi là 2,7 triệu cổ phiếu, tức 25% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, dữ liệu tại báo cáo thường niên năm 2014 cũng như 6 tháng đầu năm 2015 của May sông Hồng đều không xuất hiện tên của ông Lô Bằng Giang trong danh sách cổ đông lớn. Tại báo cáo này, gia đình ông Bùi Đức Thịnh nắm 57% vốn điều lệ, FPTS nắm 14%.
Còn tại báo cáo quản trị tháng 1/2016, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Đức Thịnh chiếm gần 44%.
Các thành viên HĐQT, ban điều hành cũng đều nắm giữ một lượng cổ phần của công ty. Ngày 22/09/2015, ông Phạm Văn Dương - thành viên HĐQT đã qua đời và không còn là thành viên HĐQT nhưng số cổ phần sở hữu thuộc ông Dương vẫn là 2,6 triệu cổ phiếu tương đương 11,4%.