Máy giặt Samsung, LG "made in Vietnam" bị điều tra bán phá giá tại Mỹ

19/07/2017 09:35 AM | Xã hội

Mới đây, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đã khởi xướng một cuộc điều tra đối với sản phẩm máy giặt của Samsung và LG nhằm xem xét liệu những mặt hàng này có gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất địa phương tại Mỹ hay không.

Theo giới truyền thông, USITC đã bắt đầu một cuộc điều tra kéo dài 120 ngày kể từ ngày 5/6 sau khi hãng Whirlpool Corp tố cáo các nhà sản xuất máy giặt Hàn Quốc đã đặt các nhà máy ở những nước không chịu hàng rào thuế quan nhằm tránh các rào cản thương mại và gây hại cho ngành công nghiệp Mỹ.

Cơ quan USITC thực hiện cơ chế tự vệ toàn cầu dựa theo những quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nếu kết quả điều tra cho thấy các máy giặt của Samsung, LG gây thiệt hại đúng như tố cáo thì Mỹ có thể áp dụng các biện pháp như hạn chế nhập khẩu, tăng thuế.

Công ty sản xuất máy giặt Whirlpool của Mỹ đã đánh mất vị trí số 1 trên thị trường nội địa vào đối thủ Samsung Electronics. Năm 2016, thị phần máy giặt của Whirlpool tại Mỹ chỉ đạt 18,5%, thấp hơn mức 18,7% của Samsung và đang bị truy đuổi gắt gao bởi LG khi hãng xếp thứ 3 này có mức thị phần 16,5%.

Nếu kết quả điều tra của USITC có lợi cho Whirlpool, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ có động thái nhằm hạn chế nhập khẩu hoặc áp thuế cao hơn đối với những sản phẩm máy giặt của các hãng Samsung hay LG.

Hiện nay, mức thuế nhập khẩu máy giặt vào Mỹ là 1% và các phụ kiện đi kèm thiết bị này là 2,6%.

Trước đó vào năm 2013, chính phủ Mỹ đã điều tra việc các hãng máy giặt Hàn Quốc như Samsung hay LG tránh các rào cản thuế quan và bán phá giá, gây thiệt hại cho thị trường Mỹ. Để đối phó, 2 công ty trên đã dịch chuyển các nhà máy từ Hàn Quốc và Mexico sang Trung Quốc.

Đầu năm 2015, Whirlpool tiếp tục cáo buộc các hãng máy giặt Samsung trốn hàng rào thuế quan và gây thiệt hại cho nhà sản xuất địa phương. Báo cáo của USITC cho thấy hơn 6 triệu máy giặt Trung Quốc với tổng trị giá 1,1 tỷ USD đã được nhập khẩu vào Mỹ năm 2015, tăng 3,8 triệu chiếc so với năm 2014 và 1,8 triệu chiếc so với năm 2013.

Tháng 12/2016, Mỹ chính thức áp mức thuế nhập khẩu 52,51% với máy giặt Samsung sản xuất tại Trung Quốc, 32,12% với LG và 44,28% với các loại máy giặt khác được xuất xưởng từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước khi chính phủ chính thức có quyết định, Samsung và LG đã trữ lượng lớn hàng tại Mỹ để bán và dịch chuyển các nhà máy sang những nước khác như Việt Nam hay Thái Lan. Theo Whirlpool, động thái này khiến hãng thiệt hại nhiều triệu USD lợi nhuận.

Máy giặt Samsung, LG made in Vietnam bị điều tra bán phá giá tại Mỹ - Ảnh 1.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng USITC sẽ không hành động thiên vị Whirlpool bởi thị trường máy giặt tại Mỹ có khá ít lựa chọn về mẫu mã lẫn giá cả và việc gia tăng các rào cản thương mại sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Vấn đề về máy giặt được nêu ra trong thời điểm khá nhạy cảm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp tại Hàn Quốc Moon Jae-in trong 2 tuần nữa. Một trong những vấn đề nổi cộm sẽ được đề cập trong cuộc gặp này là hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước Mỹ-Hàn.

Vào cuối tháng 9/2017, USITC sẽ bắt đầu biểu quyết xem liệu các biện pháp nâng rào cản thương mại máy giặt có ảnh hưởng đến thị trường trong nước hay không. Cuối tháng 10/2017, USITC sẽ thống nhất ý kiến và nếu họ đồng ý nâng rào cản thương mại với máy giặt Samsung và LG, cơ quan này sẽ đệ trình lên Tổng thống Trump.

Đến cuối năm 2017, nếu Tổng thống Trump đồng ý với các kiến nghị của USITC, những động thái chống lại sản phẩm máy giặt thương hiệu Hàn Quốc có thể được đưa ra.

BT

Cùng chuyên mục
XEM