Mất tới 2 tiếng lái xe mới mua được mì tôm, đồ ăn vặt và chai xì dầu chuẩn vị, du học sinh Mỹ gốc Á nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD

21/10/2019 10:35 AM | Kinh doanh

Alex Zhou, nhà sáng lập Yamibuy đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp khi phải vật lộn với việc tìm mua đồ Trung Quốc tại Mỹ.

Khi Alex Zhou, CEO của trang thương mại điện tử Yamibuy, lần đầu tiên chuyển từ thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc đến học tại một trường đại học ở bang miền Trung Tây Kansas, anh đã không ngờ trước được rằng để mua các mặt hàng như xì dầu và mì ăn liền Trung Quốc, anh sẽ phải mất hai giờ lái xe trên đường cao tốc.

Ở đó hầu như không có siêu thị hay nhà hàng châu Á nào phục vụ các món ăn chính thống của Trung Quốc. Tìm mua trên mạng cũng là một khó khăn. Anh thấy thực phẩm châu Á được bán trên Amazon rất hạn chế và chúng chủ yếu là để phục vụ khẩu vị của người dân địa phương chứ không hợp với người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung.

Zhou cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Phải mất hai giờ lái xe để tới được siêu thị dành cho người châu Á gần nhất và chẳng có cách nào khác. Tôi có những người bạn sẽ lái xe hàng giờ vào mỗi cuối tuần chỉ để tìm một số sản phẩm châu Á hoặc là để ăn dim sum đúng kiểu tại một nhà hàng Trung Quốc. Việc họ sẵn sàng làm điều này có vẻ điên rồ với tôi".

Mất tới 2 tiếng lái xe mới mua được mì tôm, đồ ăn vặt và chai xì dầu chuẩn vị, du học sinh Mỹ gốc Á nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD   - Ảnh 1.

Chân dung chàng du học sinh mỹ Alex Zhou.

Giải pháp cho một thị trường mới

Khó khăn gặp phải khi mua thực phẩm châu Á đã khiến Zhou nghĩ đến việc bắt đầu một trang web bán các mặt hàng cho những người gặp vấn đề tương tự, gồm sinh viên, chuyên gia và người nhập cư gốc Á sống tại Mỹ, nhưng lại nhớ hương vị quê nhà.

Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Kansas năm 2013, Zhou chuyển đến Los Angeles và vay mượn được 50.000 USD để thành lập Yamibuy nhằm thực hiện kế hoạch tích trữ các sản phẩm châu Á khó kiếm được ở Mỹ.

Khi đó, các công ty Trung Quốc như Alibaba và JD.com đã vô cùng thành công ở Trung Quốc dựa trên nền tảng của một thị trường thương mại điện tử và tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển. Nhưng hai công ty này chưa cung cấp được dịch vụ vận chuyển quốc tế cho thị trường nước ngoài. Điều đó có nghĩa là sinh viên Trung Quốc không thể mua đồ ăn yêu thích của họ từ Trung Quốc đại lục sang Mỹ. Và Zhou đã nắm bắt cơ hội này để phát triển Yamibuy.

Zhou cho biết: "Ở đây có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm châu Á nhưng lại chẳng có ai đáp ứng được". Theo dữ liệu từ Bộ An ninh Nội địa, sinh viên Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong khoảng 1,2 triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ.


Vươn tới 100 triệu USD từ con số 0

Không có kinh nghiệm trong việc thành lập công ty và lại càng không có kinh nghiệm kinh doanh thương mại điện tử, Zhou đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp. Để tìm nhà cung cấp thực phẩm phù hợp, anh đến các siêu thị lớn của châu Á để ghi lại tên của các nhà cung cấp được dán trên xe tải giao hàng khi chúng đỗ ở cửa sau siêu thị. Sau đó, Zhou gọi điện cho họ với hy vọng được hợp tác kinh doanh.

Anh chia sẻ: "Khởi đầu thật sự khó khăn khi người ta không tin rằng bạn sẽ thành công". Các nhà cung cấp cũng ngần ngại bán sản phẩm cho anh vì đơn đặt hàng quá ít, chỉ bằng một phần nhỏ của các siêu thị châu Á lớn hơn. Để được đồng ý mở tài khoản kinh doanh, anh đã phải nói chuyện với một nhà cung cấp tới bảy lần.

Phiên bản ban đầu của Yamibuy là một trang web đơn giản. Zhou đã trả 5.000 nhân dân tệ cho một công ty phát triển web Trung Quốc để xây dựng nó và thuê một nhà kho nhỏ rộng khoảng 185 mét vuông để dự trữ 200 sản phẩm khác nhau (chủ yếu là đồ ăn nhẹ từ Nhật Bản và Hàn Quốc, rất phổ biến với người châu Á nhưng khó tìm thấy ở các siêu thị bán đồ Á).

Mất tới 2 tiếng lái xe mới mua được mì tôm, đồ ăn vặt và chai xì dầu chuẩn vị, du học sinh Mỹ gốc Á nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD   - Ảnh 2.

Giao diện của Yamibuy.

Hàng hóa trong kho ban đầu của Zhou nhanh chóng "bay hơi". Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đều đặn và anh đã nâng cấp lên một nhà kho lớn hơn gấp ba lần chỉ trong vòng ba tháng. Chưa đầy năm năm, Yamibuy có kho chứa rộng 42.000 mét vuông với hơn 20.000 sản phẩm khác nhau, bao gồm cả mỹ phẩm và đồ điện tử nhà bếp.

Hiện Yamibuy có hơn 800.000 người dùng và phát triển rất nhanh mỗi năm. Tuy công ty mới chỉ huy động được một vòng tài trợ trị giá 10 triệu USD từ GGV Capital vào tháng 7/2017 nhưng chỉ riêng trong năm đó, họ đã xử lý khối lượng giao dịch trị giá 100 triệu USD.


Tạo dựng cộng đồng

Đến nay, thành công của Yamibuy dựa vào một yếu tố vô cùng quan trọng đó chính là khả năng xây dựng một cộng đồng vững mạnh gồm những người dùng sẵn sàng quay lại mua hàng.

Zhou đã kết hợp các chức năng trong Yamibuy cho phép người tiêu dùng chia sẻ những gì họ đã mua với bạn bè trên các kênh truyền thông xã hội. Anh cũng bao gồm các tính năng mạng xã hội như một mục blog nơi người dùng có thể chia sẻ ảnh và viết đánh giá về các mặt hàng họ đã mua.

Đối với Cathy Yeung, cô gái Quảng Đông 26 tuổi học tại California, Yamibuy đã trở thành nguồn cung cấp hàng hóa châu Á chính của cô. Yeung đặt hàng trên trang web ba đến bốn lần mỗi tháng, chi tiêu từ 60 USD đến 70 USD mỗi lần để tích trữ các món ăn nhẹ như nước dừa, cháo, mì ăn liền...

Yeung cho biết: "Yamibuy có nhiều sản phẩm cực kỳ khó tìm ở Mỹ, ngay cả trong các siêu thị châu Á. Ngoài đồ ăn nhẹ, họ còn có các mặt hàng như đồ trang điểm của Hàn Quốc và Nhật Bản và thậm chí cả các nhãn hiệu khăn vệ sinh của Nhật".


Đa dạng hóa dịch vụ

Ngoài những khó khăn trong việc mua hàng hóa châu Á ở Mỹ, Zhou còn nhận thấy một vấn đề khác mà nhiều khách hàng của anh cũng gặp phải là việc tìm nhà hàng phục vụ ẩm thực Trung Hoa "chính hiệu".

Mặc dù các dịch vụ đánh giá nhà hàng như Yelp rất phổ biến ở Mỹ, Zhou nhận ra rằng rất khó để tìm thấy các nhà hàng châu Á tốt, vì phần lớn những người đánh giá trên Yelp có thể có khẩu vị khác nhau khi nói đến thực phẩm châu Á.

Yamibuy đã giới thiệu một tính năng giống như Yelp trong ứng dụng di động của mình để giải quyết vấn đề này. Anh nói: "Chúng tôi đã hợp tác với các nhà hàng để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng và chúng tôi hy vọng sẽ kết nối cả những người trực tuyến lẫn ngoại tuyến với nhau".

Yamibuy có thể trở nên thành công và thu hút sự chú ý của những gã khổng lồ như Alibaba và JD.com. Zhou cho rằng khả năng một trong hai công ty đó cũng sẽ tham gia vào tạo cạnh tranh trong lĩnh vực này là rất cao. Mặc dù vậy, anh tỏ ra không quá lo lắng.


Để mắt đến thị trường mới cả trong và ngoài nước

Hiện tại, 90% khách hàng của Zhou là những người nhập cư như Yeung hoặc người Mỹ gốc Á. Anh nhận thấy 10% còn lại bao gồm những người không phải gốc Á nhưng lại quan tâm đến việc dùng thử các sản phẩm châu Á và anh hy vọng xu hướng này sẽ phát triển.

"Nhiều người Mỹ đang bắt đầu quan tâm đến nội dung giải trí châu Á, như phim truyền hình Hàn Quốc, phim hoạt hình... Đây là khởi đầu của một xu hướng và các sản phẩm châu Á sẽ trở nên rất phổ biến tại Hoa Kỳ", Zhou cho biết và nói thêm rằng công ty đang có kế hoạch mở rộng cơ sở cho khách hàng không phải người châu Á.

Mất tới 2 tiếng lái xe mới mua được mì tôm, đồ ăn vặt và chai xì dầu chuẩn vị, du học sinh Mỹ gốc Á nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD   - Ảnh 3.

Khách hàng châu Âu khá quan tâm tới những sản phẩm của người châu Á.

Kristin Morris, một sinh viên đại học 22 tuổi sống ở Nam Texas, là một fan hâm mộ của phim hoạt hình Nhật Bản và đã xem một vài bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Cô đã tìm tới Yamibuy để thử mì ramen và mì Nhật sau khi không thể tìm mua tại các cửa hàng gần mình. Yamibuy hiện vẫn đang thực hiện kế hoạch mở rộng dịch vụ sang Canada, Úc và châu Âu.

Huy Võ

Cùng chuyên mục
XEM