"Mất mặt": Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước "sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ"

07/01/2021 09:07 AM | Xã hội

Hàng loạt quan chức cấp cao và đồng minh của Mỹ trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về nền dân chủ Mỹ và kêu gọi người dân tôn trọng kết quả bầu cử.

Phản ứng từ các lãnh đạo thế giới

Hình ảnh các đám đông ủng hộ ông Trump tràn vào điện Capitol vào ngày 6/1 (giờ Mỹ ) đã gây chấn động khắp thế giới. Mọi người vẫn quen với những cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình ở Mỹ, chứ không phải nỗ lực bạo loạn nhằm lật đổ kết quả bầu cử như hiện tại.

Các đồng minh của Mỹ cũng choáng váng vì sự kiện này. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi cảnh tượng ở Washington là "mất mặt".

"Nước Mỹ đại diện cho dân chủ ở khắp thế giới và hiện tại nó cần một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và có trật tự," ông Johnson - một đồng minh của tổng thống Trump - viết trên Twitter.

Hàng loạt quan chức cấp cao khác trên thế giới cũng bày tỏ quan ngại về nền dân chủ Mỹ và kêu gọi người dân tôn trọng kết quả bầu cử.

 Mất mặt: Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh: Roberto Schmidt/Agence France-Presse — Getty Images

Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg đã gọi đây là "cảnh tượng sốc".

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho rằng nền dân chủ của Mỹ dường như đang "bị vây hãm".

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte gọi những việc đang xảy ra là "thực sự nghiêm trọng" và nói rằng đây là "một vết sẹo thực sự đối với nền dân chủ, một cuộc tấn công vào sự tự do của người dân Mỹ."

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo trên Twitter rằng "những kẻ thù của nền dân chủ sẽ vui mừng về những hình ảnh choáng ngợp này", nói thêm: "Ông Trump và những người ủng hộ ông cuối cùng nên chấp nhận quyết định của cử tri Mỹ và ngừng chà đạp nền dân chủ".

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz viết trên tweet rằng vụ việc ngày hôm nay là một "cuộc tấn công không thể chấp nhận được đối với nền dân chủ", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz chia sẻ: "Những bức ảnh từ Washington làm tổn thương trái tim của tất cả những người tin vào nền dân chủ."

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã lên án bạo lực tại Điện Capitol, khẳng định: "Ngày hôm nay chúng ta phải đối mặt với một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Điện Capitol, Hiến pháp của chúng ta và đất nước của chúng ta."

"Cuộc tấn công đã được ấp ủ trong hơn 4 năm bằng những thông tin sai lệch có chủ ý, gây mất lòng tin vào hệ thống pháp luật và khiến người Mỹ chống lại nhau. Cuộc bạo loạn đã được xúi giục bởi ông Donald Trump và những người thân cận, bao gồm nhiều người ở Quốc hội, nhằm lật đổ kết quả bầu cử mà ông Trump đã thua cuộc".

 Mất mặt: Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: J. SCOTT APPLEWHITE / AP

Ông Clinton tiếp tục tuyên bố rằng việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình phải được thực hiện.

"Cuộc bầu cử diễn ra tự do, việc kiểm phiếu diễn ra công bằng, đó là kết quả cuối cùng. Chúng ta phải hoàn thành việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo như Hiến pháp.

Tôi luôn tin rằng nước Mỹ được tạo nên bởi những con người tốt bụng, tử tế. Tôi vẫn tin là như vậy. Nếu đó là con người thực sự của chúng ta, chúng ta cần xóa bỏ những bạo lực ngày hôm nay, sang trang mới và cùng nhau tiến bước - tôn vinh Hiến pháp, cam kết tuân theo chính phủ của người dân, do dân và vì dân".

 Mất mặt: Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ - Ảnh 3.

Cuộc hỗn loạn bắt đầu sau khi ông Trump nói với một đám đông trước Nhà Trắng rằng ông sẽ không bao giờ nhượng bộ Tổng thống đắc cử Joe Biden và khẳng định một cách vô căn cứ rằng kết quả bầu cử là gian lận.

Ảnh hưởng hình ảnh Mỹ

Trước đó vào 5/1, ông Trump cũng kêu gọi những người ủng hộ của mình tuần hành đến Điện Capitol, và thậm chí còn gợi ý rằng ông Trump có thể tham gia cùng họ.

Sau khi đám đông tràn vào Điện Capitol, ông Trump một lần nữa tuyên bố rằng ông đã giành chiến thắng "long trời lở đất" trong cuộc bầu cử trước khi khuyên những người ủng hộ "Về nhà ngay lập tức."

Peter Trubowitz, giám đốc Trung tâm Mỹ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận định rằng những hình ảnh ngày hôm nay - cảnh người biểu tình vượt qua hàng rào, buộc Quốc hội phải sơ tán và tạm dừng sự kiện xác nhận ông Biden thắng cử - sẽ gây tổn hại nặng nề đến vị thế của Mỹ trên toàn thế giới.

 Mất mặt: Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ - Ảnh 4.

Ảnh: JOSE LUIS MAGANA / AP

"Cho đến thời điểm này, không gì có thể so sánh được với sự kiện mới xảy ra, ít nhất chắc chắn là trong lịch sử hiện đại của Mỹ," Trubowitz nói. “Những hình ảnh ở đây thật khủng khiếp đối với vị thế và uy tín của nước Mỹ."

"Mọi người nhìn vào Mỹ không phải với hình ảnh như hiện tại. Chính quyền ông Biden sẽ phải làm rất nhiều để bắt đầu lại từ đầu. Uy tín rất khó kiếm nhưng lại dễ mất".

Các quốc gia thường bị chỉ trích vì "thiếu dân chủ và pháp quyền" cũng đã phản ứng với cuộc bạo loạn ở Washington.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nền dân chủ Mỹ không chỉ quan trọng đối với người Mỹ. Ông viết: "Điều này quan trọng không chỉ đối với Mỹ, mà đối với Ukraine và toàn bộ thế giới dân chủ".

 Mất mặt: Hàng loạt lãnh đạo và nguyên thủ thế giới thất vọng trước sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ - Ảnh 5.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cho biết họ rất quan ngại và "đang theo dõi những diễn biến nội bộ đang xảy ra ở Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống."

"Chúng tôi kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ tránh các khu vực đông dân và những vùng có biểu tình".

Chính phủ Venezuela - vốn đã phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và bị Washington chỉ trích vì "thiếu dân chủ" - đã lên án "sự phân cực chính trị và vòng xoáy bạo lực" đang xảy ra tại Mỹ.

"Mỹ đang phải gánh chịu những gì họ đang tạo ra ở nước khác bằng các chính sách hung hăng của mình. Venezuela hi vọng những hành động bạo lực sẽ sớm kết thúc và người dân Mỹ có thể tiến tới công bằng xã hội, ổn định".

Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM