Mặt hàng tiêu dùng nhanh giảm tăng trưởng trong quý 2
Sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong Q1’2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường đồ tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm trong trong ba tháng gần đây, đạt 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là thông tin mà Nielsen vừa cung cấp về thị trường FMCG. Theo Nielsen, FMCG vẫn cho thấy dấu hiệu bất ổn. Sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý 1 năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG đã giảm trong trong ba tháng gần đây, đạt 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số bán lẻ của Nielsen cũng cho thấy sự bất ổn trong tăng trưởng ở cả khu vực thành thị (+2,2%) và nông thôn (+8,5%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sự suy thoái ở khu vực nông thôn dự kiến sẽ chỉ là ngắn hạn. Các dữ liệu từ Nielsen chỉ ra rằng tất cả các khu vực nông thôn trên cả nước đều có những tăng trưởng tích cực cũng như có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào tổng doanh số thị trường FMCG.
Các mặt hàng như nước giải khát, thức ăn, sữa, đồ gia dụng, chăm sóc sức khỏe, thuốc lá đều mạnh so với quý trước.
Trong quý 1 năm nay, cũng theo Nielsen, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) tăng trưởng mạnh với mức tăng trưởng dương 7,3% so với năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua.
Sự tăng trưởng này chủ yếu là do mức tăng 6,0% từ tăng trưởng sản lượng, theo báo cáo hằng quý - Market Pulse, được phát hành bởi Nielsen Việt Nam.
Báo cáo của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Theo báo cáo, khi quan sát tổng quan ở 7 ngành hàng lớn (thức uống-bao gồm bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé) sự phục hồi tăng trưởng đang diễn ra ở hầu hết các ngành hàng ngoại trừ ngành hàng sản phẩm chăm sóc em bé.