Mất cân đối điện giữa các miền

07/01/2019 10:04 AM | Xã hội

Các chuyên gia năng lượng cảnh báo tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể kéo dài đến năm 2025. Nguyên nhân lớn nhất là do các dự án chậm tiến độ

Đây là vấn đề thấy rõ trong những năm qua, thậm chí lãnh đạo Chính phủ đã cảnh cáo khi dẫn chứng các con số rất cụ thể. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết khu vực miền Nam đang thiếu điện , trong khi nguồn cung ở 2 miền Trung và Bắc đang thừa so nhu cầu tiêu thụ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2018, miền Nam tiêu thụ 90 tỉ KWh điện (chiếm 47% tổng điện năng tiêu thụ) nhưng nguồn cung trong khu vực chỉ đạt dưới 35%. Trong khi khu vực miền Trung và Bắc tiêu thụ 53% nhưng nguồn cung chiếm hơn 60% điện năng cả nước. Xu hướng thiếu điện ở phía Nam sẽ gia tăng trong những năm tới do công tác đầu tư nguồn điện tại khu vực này đang gặp khó khăn bởi các dự án chậm tiến độ.

Kịch bản này cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo sau năm 2021 sẽ xảy ra thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt khoảng 1,2-1,6 tỉ KWh/năm. EVN nhận định mức thiếu hụt có thể còn cao hơn trong trường hợp các dự án nhiệt điện than không đáp ứng tiến độ hoàn thành như dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2, chuỗi dự án khí Lô B… Trường hợp các dự án nguồn điện tiếp tục chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến cung cấp điện quốc gia. Đặc biệt, cứ mỗi dự án nhiệt điện than (1.200 MW) tại miền Nam bị chậm tiến độ thì mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm 7,2-7,5 tỉ KWh/năm.

Vừa được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc EVN, ông Trần Đình Nhân cũng nhìn nhận phải tiếp tục giải quyết bài toán mất cân bằng giữa nguồn và tải của 3 miền. Ông Nhân cho rằng nguồn năng lượng tái tạo hiện đang có tập trung quá mức ở một số địa phương, trong khi điều kiện giải phóng mặt bằng cho các công trình gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia năng lượng cũng cảnh báo tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể kéo dài đến năm 2025 trong các kịch bản gồm phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là do các dự án chậm tiến độ so kế hoạch.

Trước tình thế này, việc bảo đảm hệ thống truyền tải giữa các vùng, miền để đáp ứng điện là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra công tác này còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải chính, các tuyến nhánh còn chậm, chưa tương thích với tiến độ các dự án phát triển nguồn.

EVN cho biết trong thời gian tới, khu vực miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu điện nội vùng mà cần hỗ trợ nguồn điện từ các khu vực khác. Do đó, đơn vị vừa khởi công dự án đường dây 500 KV Quảng Trạch - Vũng Áng, Dốc Sỏi đi Pleiku 2 (Gia Lai) để tăng cường năng lực truyền tải, góp phần điều hòa, bảo đảm đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân các vùng miền, đặc biệt là khu vực phía Nam. Đồng thời, góp phần tối ưu hóa sản xuất và truyền tải điện trong vận hành mạng lưới điện quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng.

Theo Minh Chiến

Cùng chuyên mục
XEM