Mặt bằng cho thuê kinh doanh ở trung tâm Tp.HCM vẫn "ế khách", tình hình khó lường
Chủ mặt bằng cho thuê trên một tuyến phố sầm uất của Tp.HCM, cho biết mặc dù đã giảm giá cho thuê từ 10-25% nhưng vẫn ế khách.
Tình hình dịch bệnh phức tạp tại Tp.HCM khiến tình hình cho thuê mặt bằng nhà phố ở các khu trung tâm Tp.HCM rơi vào tình trạng khó lường, dù mới đây có rục rịch phục hồi trở lại sau 2 đợt dịch đã được kiểm soát.
Theo những người kinh doanh trong ngành, sẽ rất khó đoán được tương lai của phân khúc này vì tình hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, chủ của các mặt bằng cho thuê trên các tuyến phố sầm uất của Tp.HCM, mặc dù đã giảm giá cho thuê từ 10-25% nhưng vẫn ế khách. Hiện nay, dọc các tuyến phố lớn, vốn là nơi buôn bán sầm uất từ trước đến nay vẫn khá nhiều cửa hàng "cửa đóng then cài". Trong đó có những mặt bằng treo biển từ dịch đợt 1 đến nay vẫn chưa tìm được khách thuê.
Nhiều mặt bằng cho thuê tại khu trung tâm Tp.HCM vẫn "cửa đóng then cài". Ảnh: Hạ Vy
Trong đó, có những mặt bằng cho thuê đã dán giấy cho thuê từ khá lâu vẫn chưa tìm được khách. Ảnh: Hạ Vy
Vốn là tuyến phố kinh doanh sầm uất, đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhận vẫn nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm. Ảnh: Hạ Vy
Khá nhiều biển cho thuê được đặt lên. Ảnh: Hạ Vy
Mới đây, đại diện Savills nhận định, so với trung tâm thương mại, mặt bằng nhà phố cho thuê đối mặt với thách thức lớn trong 9 tháng đầu năm vừa qua. Số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy lại rất chậm. Hầu như các nhà phố căn gốc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng; trong khi đó kể cả các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại quận 1 khó cho thuê.
"Khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê; khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn", đại diện Savills cho hay.
Nhiều người lo lắng nếu dịch Covid-19 bùng phát lần 3 có thể mặt bằng cho thuê tại khu trung tâm Tp.HCM đã vốn ảm đạm càng trở nên thê thảm hơn. Trong đó, việc các chủ nhà dù có giảm giá sâu cũng khó tìm được khách thuê. Hiện nay nhiều chủ mặt bằng cho thuê vẫn tự tin đến thời điểm Tết nguyên đán khi hoạt động kinh doanh phục vụ cho nhu cầu Tết sẽ tăng trưởng trở lại thì nhu cầu thuê sẽ tăng, trong số đó chủ nhà vẫn cố giữ giá cho thuê. Tuy nhiên, với tình hình dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều chủ nhà tỏ ra khá lo lắng.
Trong khi đó, chuyên gia trong ngành cũng khó đoán định được tình hình nếu dịch tiếp tục bùng lên một lần nữa.
Theo Savills, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống, trong phân khúc bán lẻ, hầu hết các TTTM và cả siêu thị bán lẻ đều có chính sách hỗ trợ khách thuê với việc giảm giá mặt bằng thuê từ 30% đến 100% để giữ chân khách thuê.
Nếu Covid 19 kéo dài lâu hơn trên phạm vi toàn thế giới, giả sử là 3 tháng nữa thì khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng phá sản, dẫn tới việc bỏ mặt bằng kinh doanh, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể phải đối mặt với việc phá sản nếu khả năng tài chính của công ty không vững vàng. Trừ một số ngành có thể tận dụng phát triển ở đại dịch này như các ngành về Chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, Sản phẩm thiết yếu, dịch vụ giao hàng siêu thị, mặt hàng ăn uống bình dân, v.v, số còn lại đang vật lộn căng thẳng để tiếp tục tồn tại.
Những người trong cuộc cũng khó đoán định được tương lai của nhà mặt phố cho thuê nếu dịch Covid-19 tiếp tục tái bùng phát. Ảnh: Hạ Vy
Câu hỏi nên đặt ra là bao lâu và chiến lược của các công ty/tập đoàn/nhà bán lẻ như thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn này là gì, Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhận định, chiến lược kinh doanh là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các nhà phát triển trung tâm thương mại. Đó sẽ là những kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, định vị khách thuê, hay áp dụng các công cụ tiếp thị hỗn hợp (Marketing Mix), đa dạng hóa sản phẩm…Bên cạnh đó là việc kết hợp và tăng cường mua bán online để đảm bảo được doanh thu và chi phí hoạt động của các doanh nghiệp đó tại thị trường Việt Nam"
Theo Savills, nếu Covid 19 kéo dài lâu hơn trên phạm vi toàn thế giới, giả sử là 3 tháng nữa thì khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng phá sản,
Cũng theo đơn vị này, trong ba tháng cuối năm 2020, thị trường dự kiến có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần. Nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê của thị trường. Trong đó, khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.