Mất 30% doanh thu mỗi ngày vì đứt cáp quang, Lazada "bó tay" chào thua với hạ tầng công nghệ Việt Nam
Đó là những tiết lộ của ông Phạm Thông - Giám đốc tiếp thị Lazada - tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 diễn ra hôm 24/2
Tại diễn đàn Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017, ông Phạm Thông - Giám đốc tiếp thị Lazada - đã có nhiều chia sẻ về thương mại điện tử Việt Nam
Đợt cáp quang AAG bị đứt, doanh thu Lazada cứ mỗi ngày giảm 30%
Trong phần chia sẻ về những khó khăn mà thương mại điện tử Việt Nam đang phải đối mặt, vị Giám đốc tiếp thị của Lazada đã đề cập đến hạ tầng cơ sở công nghệ như một điểm đáng chú ý.
Tuy là một ông lớn có lợi thế công nghệ được tiếp thu từ nước ngoài, có cơ hội làm việc với các đối tác lớn nhưng đến khi về Việt Nam, Lazada nhiều khi cũng phải “bó tay" chào thua với những tình cảnh theo kiểu trên “trời rơi xuống”
Điển hình, theo ông Thông tiết lộ, là trong dịp cáp quang AAG bị đứt vào 2,3 tuần vừa qua, doanh thu của Lazada đã mất tới 30% doanh thu trung bình trong một ngày.
“Tuy thương mại điện tử tiềm năng nhưng sự mong manh là vẫn còn. Nếu có thể làm cho nền tảng chắc chắn hơn, ổn định hơn, người dùng dễ tiếp cận hơn thì chắc chắn rảo cản cho thương mại điện tử sẽ càng được thu hẹp” – Ông Thông nói.
Tuy nhiên, trong con mắt vị đại diện Lazada, thương mại điện tử Việt Nam vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác trong thời gian tới.
Theo ông Thông, người mua hàng giờ đây có nhu cầu mua hàng rất cao. Đối tượng này không chỉ nằm ở riêng Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh mà đã lan đến các tỉnh lẻ nhỏ.
Nhu cầu mua không còn chỉ giới hạn trong hàng điện tử mà giờ đã áp dụng cho cả hàng nhu yếu phẩm, thời trang, thậm chí là thực phẩm tươi sạch.
Ông Thông nhận định sự chậm trễ của thương mại truyền thống, cùng với sự tăng trưởng của số lượng người sử dụng mobile, số người có thu nhập trung lưu chính là yếu tố sẽ góp phần góp phần cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử thời gian tới.
Bài toán "người mua không tin vào mua bán online" đã dần được giải quyết
“Cách đây khoảng 3 năm, bài toán niềm tin vẫn là một rào cản lớn” – ông Thông nói.
Tuy nhiên, giờ đây theo nhìn nhận từ Lazada sau thời gian làm việc với rất nhiều tên tuổi lớn, thì “họ sẵn sàng mở một gian hàng chính thức, sẵn sàng để sản phẩm chính hãng và quảng bá hàng hóa thông qua những phương tiện truyền thông của họ”.
Đồng thời, những sự bảo chứng từ phía Nhà nước, như tổ chức ngày hội Online Friday, ban hành các thông từ, Nghị định… hỗ trợ thương mại điện tử đã làm cho người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hơn.
Giờ đây, hệ sinh thái thương mại điện tử đã ngày càng tạo ra nhiều giá trị cho người mua hàng.
Có thể kể đến ví dụ như việc gia tăng cả số lượng, cả chất lượng các dịch vụ tiện ích kèm theo như cho phép thanh toán tận nhà, cho phép hoàn trả nhanh trong vòng 14 ngày…
Thêm vào đó, hệ thống thanh toán – thứ khó nhất trong bài toán niềm tin – cũng được các doanh nghiệp tích cực giải quyết. Nói đến thanh toán điện tử thì giờ đây chúng ta có thể điểm mặt tới hàng chục cái tên đang hoặc sẽ tham gia mảng thị trường này như Napas, ví điện tử Momo, Timo, Zalopay, Alipay, Applepay…
Có thể thấy, bài toán về niềm tin về cơ bản đã được giải quyết một cách rất tích cực.
Niềm tin này sẽ mang tính cộng đồng: khi bạn thấy người hàng xóm của mình mua, thấy bạn bè xung quanh của mình mua thì mình cũng sẽ thử mua một món hàng nhỏ”.
[Video] Cả nước có 40 công ty TMĐT không phép hoạt động kiểu kinh doanh đa cấp