Masan bắt tay Alibaba, người tiêu dùng có thể đi chợ VinMart online, mua nước mắm Chinsu, mỳ Omachi… trên Lazada
Lazada là sàn thương mại điện tử (TMĐT) duy nhất tại Việt Nam có sự hiện diện của Masan Consumer tính đến thời điểm hiện tại.
Sáng ngày 18/5, Masan công bố thông tin Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) sẽ rót vốn vào mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
Được biết, The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất giữa Masan Consumer Holdings (công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan) và VinCommerce (công ty sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+ và VinEco).
Trong khuôn khổ giao dịch lần này, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online ("O2O") tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác, VinCommerce sẽ thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó:
- VCM sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.
- Hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử.
- Phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của VCM.
- Phát huy sức mạnh hiệp lực từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Như vậy, sau thỏa thuận hợp tác này, người tiêu dùng có thể sẽ thấy sản phẩm của VinMart xuất hiện trên ứng dụng Lazada, cũng như có thể nhận hàng bán online trên Lazada ngay tại các siêu thị VinMart.
Hiện tại gian hàng chính hàng của Masan Consumer cũng đã xuất hiện trên nền tảng Lazada. Tuy nhiên gian hàng này mới ở bước đầu thành lập và chỉ bán 2 sản phẩm là: Hộp quà Chin-su 7 món ngon và Thùng 24 hộp mì Omachi. Masan Consumer chưa hề có gian hàng chính thức ở các sàn TMĐT khác, mà chủ yếu được bán thông qua các nhà bán nhỏ lẻ...
Gian hàng Masan Consumer trên Lazada.
Được biết thời còn thuộc sở hữu của Vingroup, các mặt hàng nhu yếu phẩm tại chuỗi VinMart hay VinMart+ từng được đưa lên kênh TMĐT là Adayroi. Tuy nhiên, sau này Adayroi đóng cửa, VinMart và VinMart+ về tay Masan. Dù ông lớn ngành hàng tiêu dùng tỏ ra quyết liệt trong chiến lược đưa hàng thiết yếu lên online nhưng Masan lại không chọn hướng đi giống Vingroup là tự xây kênh TMĐT của riêng mình.
Thay vào đó, với việc The CrownX bắt tay hợp tác với Alibaba, thông qua Lazada (sàn TMĐT tại Đông Nam Á của tập đoàn này), Masan có thể tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng nền tảng, tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng có sẵn trên Lazada để đẩy mạnh bán lẻ online, từ đó phát huy thế mạnh của mô hình tích hợp xu hướng Online-Offline (O2O) tại Việt Nam.
Thực tế trên thế giới, mô hình bán lẻ tích hợp online và offline không còn quá mới mẻ và được đẩy mạnh trong những năm gần đây bởi những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Amazon (Mỹ) hay Alibaba (Trung Quốc).
Nếu Walmart đi từ nhà bán lẻ offline lên online thông qua việc mở Walmart Market Place hay mua cổ phần chi phối tại nền tảng TMĐT Flipkart của Ấn Độ; thì ngược lại, Alibaba và Amazon từ những nền tảng online đã tích cực gia tăng sự hiện diện bằng cách tự mình mở cửa hàng offline hoặc đầu tư vào các hệ thống siêu thị có sẵn. Dù hai hướng chuyển động khá trái ngược nhưng mục đích cuối cùng vẫn là gia tăng kênh bán hàng, tăng khả năng tiếp cận tới người tiêu dùng.
Riêng ở thị trường Việt Nam, hiện tại, nhu yếu phẩm chiếm 50% quy mô thị trường bán lẻ, 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt và là mặt hàng mà người dân có nhu cầu sử dụng hàng ngày. Vì vậy, có thể nói, dư địa phát triển của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm online là rất lớn.
Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của Công ty trong thời gian tới.