Mạng xã hội – Một sân khấu biểu diễn hay tấm gương phản chiếu con người thật của chúng ta?

20/03/2017 20:31 PM | Sống

Có một định kiến về mạng xã hội, đó là chúng khiến bạn cư xử tệ hơn ngoài “đời thực”. Nhưng sự thật có phải như vậy hay chúng chính là nơi thể hiện con người bên trong của bạn?

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu chia sẻ ngày càng tăng cao của con người, hầu hết thế hệ trẻ bây giờ, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta, đều sử dụng một hoặc nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau như Facebook, Twitter, Instagram, hay Snapchat… Không thể phủ nhận một điều rằng phần lớn chúng ta cư xử trên các trang mạng xã hội này khác so với ngoài đời thực.

Tuy nhiên, Internet và mạng xã hội không tạo ra những tính cách mới. Chúng cho phép người sử dụng bộc lộ những khía cạnh của bản thân mà những chuẩn mực xã hội ngoài đời thực không cho phép. Một số người muốn bóng gió chỉ trích trong văn phòng nhưng sợ sẽ bị sếp đánh giá không tốt về hành vi của họ. Tuy nhiên, ví dụ như trên Snapchat, người sử dụng có thể làm những hành động kỳ cục, dại dột nhưng không gây ảnh hưởng đến ai cả và sau 24h thì tất cả sẽ rơi vào dĩ vãng sau khi những đoạn video hay ảnh biến mất, hay chúng ta có xu hướng phô bày những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống lên các mạng xã hội khác như Facebook và Instagram.

Bằng cách nào Internet có thể bộc lộ những mặt khác trong tính cách của chúng ta? Và tại sao các phương tiện truyền thông xã hội có thể tiết lộ một số khía cạnh của nhân loại mà việc tán gẫu kéo dài hàng nhiều thế kỷ trước không thể phát hiện ra?

Có 2 yếu tố chính khiến chúng ta cư xử “không phải là chính mình” khi sử dụng mạng xã hội: quy mô ‘khán giả’ và thời gian.

Quy mô ‘khán giả’

Mỗi một kênh xã hội sở hữu một nét văn hóa và ngôn ngữ riêng, nhưng nói chung, Internet là vương quốc của sự vị kỷ.

Một nghiên cứu của Harvard năm 2012 đã chỉ ra rằng, trong các cuộc hội thoại, chúng ta thường dành 1/3 thời gian để nói về bản thân mình. Nhưng trên mạng, con số này nhảy vọt lên 80%. Phần lớn là vì trên các trang mạng như Facebook hay Twitter, chúng ta cho rằng mình đang nói chuyện với một lượng khán giả lớn. Theo chiều ngược lại, chúng ta cũng tìm kiếm sự đồng cảm và thông cảm từ chính những người chúng ta ‘theo dõi’.

Trò chuyện trực tuyến với khoảng vài trăm thậm chí vài nghìn người, chúng ta không thể biết hết được những người theo dõi bạn đang nghĩ gì. Điều tất yếu là chúng ta chỉ còn chú ý đến suy nghĩ của bản thân.

Một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện bởi Alixandra Barasch, lúc đó là nghiên cứu của một nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, và Jonah Berger, phó giáo sư tại đại học Pennsylvania đã chỉ ra rằng kích thước khán giả có thể định hình nội dung thông điệp của chúng ta. Họ thử nghiệm ảnh hưởng của yếu tố này bằng cách cho các đối tượng nghiên cứu thực hiện một nhiệm vụ đơn giản: miêu tả một ngày của bạn (một ngày tưởng tượng do 2 nhà nghiên cứu thiết kế, bao gồm cả những điều thú vị và những chi tiết gây thất vọng) cho một người bạn và một nhóm người.

Kết quả cho thấy, khi viết cho một người bạn, những người tham gia nghiên cứu có xu hướng thẳng thắn và phàn nàn về những điều khiến họ không hài lòng. Tuy nhiên, khi ‘khán giả’ là một nhóm người, họ loại bỏ những sự thất vọng và chỉ đề cập đến những sự kiện thú vị.

Có lẽ, nó tương tự với việc chúng ta thường gửi những bức ảnh selfie ‘xấu xí’ cho bạn thân, nhưng lại chỉ đăng những bức ảnh đẹp nhất lên Facebook, Instagram nơi lượng người theo dõi lớn hơn. Tiếp xúc với một lượng khán giả lớn hơn khiến chúng ta luôn muốn phô diễn những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống của mình.

Trên Facebook và Twitter, lượng khán giả lớn và đa dạng, từ những đứa bạn chí cốt đến những người xa lạ, những người chúng ta có thể không hay biết nhưng luôn lo lắng rằng họ sẽ đánh giá mình. Khi biết rằng mình bị ‘theo dõi’, chúng ta thường để ý những gì mình nói và hành xử hơn.

Thời gian

Yếu tố thứ hai khiến Internet nới rộng khoảng cách giao tiếp là thời gian. Thời gian trong trường hợp này nghĩa là gì?

Trong một cuộc trò chuyện trực tiếp, con người thường chỉ dừng một khoảng thời gian rất ngắn trước khi tiếp lời người đối diện. Nhưng trong giao tiếp thông qua mạng xã hội tức là thông qua văn bản, người sử dụng có thời gian để ‘đánh bóng’ và chỉnh sửa các thông điệp của họ. Một cuộc nói chuyện trở thành một bài thuyết trình. Mong muốn được người khác thông cảm (bằng cách giải thích cảm giác, suy nghĩ của bản thân mình rõ ràng hơn) bị che khuất bởi ‘khao khát’ được nhiều likes, retweets, hay bất kỳ các định lượng khác thể hiện sự nổi tiếng.

Hai yếu tố trên chính là cách mà các phương tiện truyền thông xã hội tiết lộ những khía cạnh tính cách khác của chúng ta. Việc được ‘theo dõi’ khiến chúng ta để ý đến sự tồn tại của những khán giả của mình. Việc phải ‘diễn’ thông qua màn hình máy tính/điện thoại cho những khán giả này lại khiến chúng ta thường phóng đại mọi việc lên, và thời gian xem lại những thông điệp của mình cho phép chúng ta tự chỉnh sửa trước khi gửi chúng đi. Chính nhu cầu ‘sống ảo’ thông qua Facebook và các trang xã hội khác để được mọi người ngưỡng mộ nhiều khi biến chúng ta trở thành ‘một con người khác’.

Mạng xã hội có thực sự luôn xấu?

Các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp bộc lộ những yếu tố tiềm tàng trong bản chất của con người. Không phải lúc nào những yếu tố mới được khai phá này cũng xấu.

Ví dụ, thông qua mạng xã hội, những người sống nội tâm, hay những người sợ giao tiếp xã hội, hoàn toàn có thể tỏa sáng với trí thông minh hoặc sự hài hước của họ, điều không thể xảy ra nếu Internet không tồn tại. Có một chút thời gian và được ở một mình để sắp xếp suy nghĩ giúp họ giao tiếp hiệu quả hơn.

Mạng xã hội đã biến loài người từ quen với những cử chỉ thân mật và sự riêng tư thành những người trình diễn. Tuy nhiên, những màn trình diễn này không nhất thiết là tiêu cực. Tính cách là cách hành xử của chúng ta khi ở trước mặt người khác.

Internet là nơi phơi bày tính cách đa dạng của chúng ta cho một lượng khán giả lớn hơn và thuộc nhiều kiểu người khác nhau. Nó bộc lộ những giới hạn khác nhau trong khả năng của chúng ta, từ những mặt tích cực như sự đồng cảm, tự tin cho đến những mặt tối hơn như sự tàn nhẫn hay lo lắng.

Kết lại, mạng xã hội là một sân khấu biểu diễn hay tấm gương phản chiếu con người thật của chúng ta? Tùy thuộc vào từng cá nhân mà câu trả lời sẽ khác nhau. Chính chúng ta, những người sử dụng Facebook, Instagram…là những người biết rõ nhất đáp án nào phù hợp với bản thân mình.

K.Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM