Màn trở lại ngoạn mục nhất ngành công nghệ Trung Quốc: Chủ tịch Weibo đi vay nợ để cứu công ty

12/06/2017 17:12 PM | Kinh doanh

Khi nhà đầu tư và thị trường dự báo sự sụp đổ của Weibo, mạng xã hội được mệnh danh là Twitter của Trung Quốc, chủ tịch công ty này là Charles Chao tự vay mượn một khoản tiền khổng lồ để đánh cược vào việc kinh doanh của mình.

Weibo là một trong những mạng xã hội trò chuyện nổi tiếng nhất Trung Quốc và thường được biết đến với cái tên “Twitter Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong khi bản chính đang chật vật để tồn tại với sự cạnh tranh của Facebook, bản sao lại đang phát triển mạnh mẽ và là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc. Thành công này có được là nhờ Charles Chao, vị chủ tịch 51 tuổi từng tự đặt cược hết những gì mình có vào “đứa con tinh thần” khi tất cả đều quay lưng lại với Weibo.


Weibo được biết đến như là bản sao của Twitter tại Trung Quốc

Weibo được biết đến như là bản sao của Twitter tại Trung Quốc

Lên và xuống

Thành lập năm 1998, Sina là một công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, điều hành 4 mảng kinh doanh chính: Sina Weibo, Sina Mobile, Sina Online và Sinanet. Thời đó, Sina giống như Yahoo, một cổng thông tin internet để người dùng tìm kiếm hyperlink, các trang web thú vị và tin tức. Trong thời kỳ Trung Quốc còn dùng máy tính bàn, Sina là một cái tên cực kỳ phổ biến.

Ông Chao gia nhập Sina năm 1999 với vai trò là một nhân viên kế toán. Sina trở thành công ty đại chúng vào năm 2000 và 6 năm sau đó, ông Chao lên đảm nhiệm vị trí CEO. Với tuổi đời non trẻ, Sina từng gặp phải khá nhiều trở ngại. Năm 2004, Sina từng thử ra mắt một dịch vụ đấu giá trực tuyến với Yahoo nhưng không đấu lại được nhà bán lẻ trực tuyến Alibaba đang phát triển quá nhanh chóng. Tiếp đến, nỗ lực dấn thân vào mảng công cụ tìm kiếm của Sina lại bị Baidu (trang web tìm kiếm độc quyền của Trung Quốc) dập tắt.


Chủ tịch Charles Chao

Chủ tịch Charles Chao

Năm 2009, Sina giới thiệu Weibo chỉ 2 năm sau khi Twitter ra mắt. Cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc chặn Twitter vì mạng xã hội này không tuân thủ hướng dẫn kiểm duyệt. Nhờ đó, Weibo không có đối thủ và phát triển rất nhanh. Chỉ 14 tháng sau khi tung ra, Weibo đã có 15 triệu người đăng ký trong khi Twitter phải mất 3 năm mới đạt được cột mốc đó. Mùa thu năm 2011, Weibo có 227 triệu người dùng và con số này trở thành 424 triệu chỉ một năm sau đó.

Tuy nhiên, đến năm 2014 công ty bắt đầu phải đối mặt với nhiều trở ngại. Với sự kiện “mùa xuân Ả-rập”, nhà cầm quyền Trung Quốc thấy cần thiết phải ngăn chặn những tin đồn độc hại và nạn phỉ báng trên Internet nhằm duy trì trật tự xã hội ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước này cũng đang gặp khó khăn khi GDP của Trung Quốc bắt đầu giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ những năm 1990 và nhà đầu tư tranh nhau bán cổ phiếu công nghệ, đến nỗi cả cổ phiếu của ông lớn Alibaba cũng sụt giảm. Trong 15 tháng tiếp theo, cổ phiếu của Sina giảm 62% xuống còn 30 USD/cổ phiếu và công ty này mất hơn một nửa giá trị.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất chính là Wechat, một ứng dụng trò chuyện trên điện thoại di động. Wechat bắt đầu như là Whatsapp của Trung Quốc nhưng nhanh chóng lớn mạnh vì cung cấp nhiều dịch vụ ngoài nhắn tin. Wechat lại ra đời đúng thời điểm điện thoại di động phủ sóng ở Trung Quốc, trong khi thiết kế của Weibo chỉ phù hợp cho máy tính để bàn. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của Weibo bắt đầu chậm lại mà đây lại là nguồn thu chính của Sina. Đến cuối năm 2014, Sina dường như không thể sinh lời và các nhà phân tích quyết định hạ bậc xếp hạng của công ty. Thậm chí, thị trường bắt đầu lan truyền tin đồn rằng một đối thủ lớn hơn như Alibaba cuối cùng sẽ mua lại công ty của Chao.

Vụ đặt cược sống còn

Đó là thời điểm xấu nhất đối với Chao. “Trong thị trường internet, một khi mất đà, bạn rất khó để quay trở lại”, vị chủ tịch chia sẻ.

Tuy nhiên, Chao tin rằng nền tảng mạng xã hội của mình có nhiều tiềm năng và thị trường đang đánh giá thấp Weibo. Bất chấp cổ phiếu Sina đang tụt dốc trong thị trường chứng khoán và nhà đầu tư quay lưng lại, ông quyết định đánh cược tất cả vào việc kinh doanh của mình.

Ông đến công ty tài chính Credit Suisse để yêu cầu một khoản vay khổng lồ - 230 triệu USD và tự bỏ ra 226 triệu USD. Tháng 6/2015, Sina thông báo rằng Chao đã bỏ 456 triệu USD để mua 18% cổ phần của Sina ngay khi giá cổ phiếu của công ty đang ở dưới đáy. Bước đi này biến ông từ một vị “chủ tịch danh nghĩa” thành cổ đông lớn nhất của công ty.

Tin tức này ngay lập tức khiến giới tài chính và những người theo dõi công ty choáng váng. "Ông ấy quá thất vọng vì thị trường không công nhận giá trị của công ty", Brandon Ahern, giám đốc đầu tư tại công ty cố vấn quỹ Krane ở New York nhận xét. Với “vụ cá cược” này, Chao đã khiến nhà đầu tư phải chú ý đến mình. 15 tháng sau đó, cổ phiếu của Sina tăng 81% lên mức 75,12 USD/cổ phiếu vào tháng 9/2016.


Cổ phiếu Sina tăng trưởng mạnh từ sau vụ đánh cược sống còn của Chao

Cổ phiếu Sina tăng trưởng mạnh từ sau vụ đánh cược sống còn của Chao

Chiến lược thông minh

Đối với người ngoài, đây có thể coi là một vụ cá cược nhưng với Chao thì không, vì ông hiểu rất rõ giá trị của công ty và biết mình đang làm gì. Trở thành cổ đông lớn nhất giúp ông có thêm tiếng nói trong những quyết định dài hạn của công ty. Ông nhận ra rằng các nền tảng mạng xã hội lúc đó chỉ tập trung vào những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh. Vì vậy vị chủ tịch đưa ra một chiến lược mới: tấn công vào những vùng nông thôn, tỉnh lẻ và các khu công nghiệp.

Bước đi thông minh nhất của Weibo là cài đặt sẵn ứng dụng của mình trên điện thoại thông minh giá rẻ. Khi hàng triệu người dùng mua điện thoại, họ sẽ nhìn thấy ngay và khả năng đăng ký sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, Chao nhận ra rằng trong khi người dùng tại thành phố lớn thích tự đăng bài để bày tỏ cảm xúc suy nghĩ của mình, người dùng ở các vùng nông thông lại thích xem hơn. Vì vậy, Weibo nhắm đến những đài truyền hình địa phương. Trong nửa đầu năm 2013, Weibo hợp tác với hàng trăm chương trình TV khác nhau và 86 bộ phim điện ảnh. Mạng xã hội này làm việc trực tiếp với các chương trình như The Voice của Trung Quốc để tăng cường tương tác. Ngay cả cảnh sát cũng đăng ký để theo dõi những nội dung liên quan.

Chao cũng nhận ra rằng một số người dùng không biết cách dùng ứng dụng nên đã đưa ra một dịch vụ cung cấp tin tức và các tweet (bài viết) dựa trên sự quan tâm của họ. Từ thời điểm ứng dụng được tải xuống, người dùng sẽ được theo dõi và Weibo sẽ cung cấp những tin tức và tính năng dựa trên thông tin cá nhân thu thập được (sở thích, giới tính, phong cách thời trang…). Trong khi đó, khi tốc độ Internet của Trung Quốc được cải thiện Weibo tích hợp thêm hình ảnh và video vào feeds của mình.

Chiến lược quay lại của Chao đã có tác dụng. Số người dùng hoạt động hàng tháng tăng ít nhất 30% từng quý. Weibo dần thu hút được nhiều nhà quảng cáo, tăng trưởng doanh thu sớm phục hồi. Trong khi đó, chi phí vận hành ở các khu vực bên ngoài các thành phố chính lại thấp hơn nên công ty cũng nhanh chóng thu được lợi nhuận.

Tăng trưởng doanh thu của Weibo là 67% trong quý 1 năm 2017. Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức 74,91 USD/cổ phiếu trên NASDAQ và giá trị vốn hóa thị trường là 16,34 tỷ USD, cao hơn hẳn Twitter (12,35 tỷ USD). Bước đi tưởng chừng nguy hiểm của Chao giờ lại sắp giúp ông trở thành vị tỷ phú mới của Trung Quốc.

Theo Trang Hồ

Cùng chuyên mục
XEM