Mải mê kiếm tiền, chạy theo các mối quan hệ và "đánh rơi" gia đình: Thật buồn, buổi họp mặt gia đình gần nhất là trên giường bệnh!
Một câu trả lời chung cho tất cả những lời "thỉnh cầu" của ba mẹ bạn khi họ mong chờ bạn về nhà đó là: "Con không có thời gian". Nhưng tại sao họ lại không có thời gian? Đó là vì thế hệ trẻ ngày nay quá quan tâm và tập trung đến bản thân của họ. Họ ưu tiên cho sở thích của mình, ưu tiên cho đam mê của mình, ưu tiên cho những giây phút thư giãn riêng của mình mà không còn để mà không còn dành nhiều sự quan tâm và chú ý của mình cho gia đình mình nữa.
Đã bao lâu rồi bạn và gia đình không ngồi lại với nhau và ăn cơm cùng nhau – một tuần, một tháng hay có thể là phải tính bằng năm? Lần cuối cùng bạn và ba mẹ bạn có thể thoải mái chia sẻ với nhau những tâm sự của riêng mình là khi nào? Đó có phải là hồi những năm đầu đại học, hay là những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời học sinh? Nếu như bây giờ được hỏi rằng, bạn có biết ba mẹ bạn đang "ổn" hay là không, bạn nghĩ bạn sẽ dễ dàng có được đáp án chứ?
Các bậc phụ huynh thuộc thế hệ Baby Boomers và những năm đầu của thế hệ X có lẽ vẫn chưa thể chấp nhận được chuyện con cái đang ngày càng xa rời họ. Đây là điều đi ngược lại hoàn toàn so với kỳ vọng của các ông bố, bà mẹ. Không chỉ ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới, đại đa số những người làm bố, làm mẹ đều kì vọng ở đứa con mình một điều rằng là: "Sau này khi họ già đi, con (hoặc những đứa con) của họ sẽ chăm sóc họ".
Nhưng sự thật là gì? #MeOnly Society – chúng ta đang sống trong một xã hội mà từng cá nhân chỉ đang sống cho riêng mình. Xã hội ngày càng phát triển, điều này cũng đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ càng không có nhiều cơ hội để gắn bó với gia đình. Vì tính chất công việc, những người lao động trẻ ngày nay bắt buộc phải di chuyển nhiều – từ tỉnh lẻ lên nội thành, từ vùng quê lên thành phố, từ đất nước này sang đất nước khác và cũng có thể là từ châu lục này sang châu lục khác. Dù có muốn được gắn bó hay không thì người trẻ ngày nay sẵn sàng tạm thời gác lại hoặc từ bỏ sự gắn bó của mình với gia đình để tập trung đầu tư vào công việc.
Dĩ nhiên, nguyên nhân dẫn đến quyết định này phần lớn cũng xuất phát từ những giá trị vật chất hấp dẫn. Mục tiêu của những công dân thế kỷ XXI đề ra cho bản thân mình trong xã hội này có chăng cũng đều có một gạch đầu dòng chung cho yếu tố "tài sản và vật chất". Một cuộc sống xa hoa, lộng lẫy cùng những món đồ hàng hiệu đắt tiền luôn có sức hấp dẫn đến khó cưỡng.
"Con còn bận việc ABC, XYZ", "Con sẽ sắp xếp và báo lại với ba mẹ sau", "Cầm đỡ khoản tiền này để xoay sở cơm nước trong nhà, tháng sau con về thăm nhé",…đã có bao nhiêu bạn trẻ, và có bao nhiêu lần bạn thốt ra câu nói này với ba mẹ rồi? Xác nhận lại một lần nữa, có phải là bạn hoàn toàn tập trung khoảng thời gian mà bạn chưa thể về với gia đình chỉ để tập trung vào công việc không? Hay thật ra, bạn lại còn cà phê, bar club tụ tập, nhậu nhẹt và karaoke cùng đám bạn hay với những mối quan hệ khác ngoài xã hội?
Một câu trả lời chung cho tất cả những lời "thỉnh cầu" của ba mẹ bạn khi họ mong chờ bạn về nhà đó là: "Con không có thời gian". Nhưng tại sao họ lại không có thời gian? Đó là vì thế hệ trẻ ngày nay quá quan tâm và tập trung đến bản thân của họ. Họ ưu tiên cho sở thích của mình, ưu tiên cho đam mê của mình, ưu tiên cho những giây phút thư giãn riêng của mình mà không còn để mà không còn dành nhiều sự quan tâm và chú ý của mình cho gia đình mình nữa.
Nguyên tắc 4 bếp lò – bạn đã bao giờ nghe về nó chưa? Tưởng tượng cuộc đời bạn gắn liền với 4 bếp lò, và mỗi lò là tượng trưng cho những giá trị quan trọng trong cuộc sống của bạn:
Lò lửa thứ nhất đại diện cho gia đình.
Lò lửa thứ hai đại diện cho bạn bè.
Lò lửa thứ ba đại diện cho sức khỏe.
Lò lửa thứ tư đại diện cho công việc.
Nếu bạn muốn có thể gặt hái được những thành công, bạn buộc phải loại bỏ 1 trong những lò lửa trên. Và để có thể thực sự thành công thì bạn phải loại bỏ 2 lò lửa.
Giữ cho bếp lò thứ tư (công việc) luôn cháy chắc chắn sẽ là ưu tiên của đại đa số những người trẻ. Thế nhưng, để chọn thêm 1, hoặc 2 lò lửa nữa sẽ luôn là điều khó khăn với mỗi cá nhân. Nhiều người đam mê những cuộc hò hẹn, tụ tập và luôn muốn xây dựng các mối quan hệ xã hội bên ngoài, hẳn họ sẽ chọ bếp lò thứ hai.
Lại có nhiều người chọn cho mình bếp lò thứ ba, vì họ tin rằng có được sức khỏe tốt thì mới có nhiều năng lượng để gặt hái những kết quả tốt trong công việc. Nhưng có được mấy người chọn lò thứ nhất – đại diện cho gia đình?
Chúng ta khó có thể cho rằng việc không chọn bếp lò gia đình thì là đúng hay sai. Chúng ta cũng không thể kết luận được rằng việc mải mê quan tâm đến bản thân mình là có đáng trách hay là không. "Hơn cả một điểm cực đại, đó là một điểm cân bằng" – hơn cả việc gặt hái được những thành tựu, việc cân bằng những mối quan hệ trong cuộc sống này lại còn khó khăn gấp trăm, gấp ngàn lần.
Ngày nay, yếu tố gia đình không còn nằm trong sự ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống nữa, dù thực chất, chúng ta phải khẳng định rằng gia đình với từng cá nhân luôn luôn đóng vai trò đặc biệt của mỗi con người chúng ta.
"Gia đình" tự bao giờ đã trở thành "một sự chọn lựa"?
Bạn đã chọn lựa yếu tố này hay chưa? Có thể giây phút này bạn chưa nhận ra được sự quan trọng của họ, nhưng một vài khoảnh khắc nào đó, bạn sẽ hiểu. Đó có thể là khi bỗng dưng bạn nhớ về những lần ba bạn đèo trên con xe Cúp, chở bạn đi học dưới cơn mưa và cứ luôn miệng nói rằng: "Nép vào, kẻo ướt nha con".
Cũng có thể là lúc bạn thèm những bữa cơm nhà mẹ nấu, dù chỉ là bữa cơm giản dị – canh chua cá lóc, kho quẹt tôm khô nhưng bạn lại thèm thuồng đến lạ.
Là khi bạn thèm làm sao tiếng rầy la của mẹ, trận đòn roi của ba nhưng lại không thể có được nữa rồi. Là lúc bạn đánh mất tất cả tiền tài, địa vị, của cải, vật chất suốt năm, bảy, mười năm tích góp, bạn bè lừa gạt và tất cả mọi người đều quay lưng với bạn khi bạn rơi vào nơi tận cùng ở dưới đáy xã hội. Hoặc cũng có thể là khi bạn và gia đình rất lâu sau đó mới có buổi họp mặt đầy đủ các thành viên, nhưng lại là trên giường bệnh.
Không ai có thể biết được chính xác đến khi nào thì bạn mới nhận ra được những giá trị đích thực mà gia đình đem lại cho bạn. Hơn hết, hãy tập làm sao để kiểm soát tốt "cái tôi" của bản thân mình. Vì chính "cái tôi" đó là nguyên nhân chính dẫn đến biết bao nhiêu hậu quả khó lường đáng tiếc. Không ai muốn sống một cuộc sống mà nửa quãng đời về sau chỉ còn đọng lại những nỗi niềm tiếc nuối. Đừng để mọi chuyện quá muộn, rồi cứ tự trách bản thân rằng: "Giá như…".
(Barcodermagazine, Pascalcampion)