Made in Vietnam: Sẽ có tiêu chuẩn rõ ràng hơn!

24/08/2019 08:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Tiêu chí “made in Vietnam” cần hướng tới mục tiêu và lợi ích mà sản phẩm Việt Nam muốn đạt được tại thị trường xuất khẩu.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo thông tư quy định về một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. “Nếu dự thảo được áp dụng vào thực tế, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc gian lận xuất xứ, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm đội lốt hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng dự thảo thông tư còn một số bất cập.

Tỉ lệ nội địa hóa phải trên 50%?

Theo dự thảo, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xác định một sản phẩm hàng hóa là hàng Việt nếu đảm bảo được các yếu tố: 30% hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam và trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại nước ta.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, góp ý: Mỗi ngành sản xuất có một đặc thù riêng, vì vậy tiêu chí xuất xứ “made in Vietnam” cũng phải có những tiêu chí riêng cho từng sản phẩm của từng ngành hàng chứ không nên đưa ra một tiêu chí chung cho tất cả các loại hàng hóa.

Ông Quốc Anh lấy dẫn chứng ngành cao su phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu rất lớn. Vì vậy, nguyên vật liệu nhập khẩu phải dưới 50%; phần gia công, sản xuất tại Việt Nam phải trên 50% thì mới nên ghi “made in Vietnam”. Còn phần nguyên vật liệu nhập quá nhiều, trên 50% thì không được ghi “made in Vietnam” mà chỉ được ghi lắp ráp hoặc gia công tại Việt Nam.

Tuy vậy theo ông Anh, dù nội địa hay xuất khẩu cũng cần có một tiêu chuẩn chung về việc ghi nhãn “made in Vietnam”. Ví dụ, trong khối ASEAN, mặt hàng ô tô nhập khẩu để được miễn thuế phải đáp ứng trên 40% tỉ lệ nội khối.

Còn theo chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, ở các nước có nền công nghiệp phát triển đã tạo được thương hiệu “made in” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, hiện nay dùng nhiều khái niệm mở đối với xuất xứ sản phẩm chứ không bắt buộc chỉ ghi “made in”. Riêng một số nước có nền kinh tế đang hội nhập như Việt Nam thường dùng khái niệm “made by” (được tạo ra bởi) nhiều hơn là “made in”. Ví dụ như “made by Nokia”, “made by Samsung”…

“Made by” được hiểu rằng tại các nước đang phát triển một sản phẩm được tạo ra bởi nhiều công ty đến từ nhiều quốc gia, mặt khác cũng do sản phẩm được tạo ra bởi hãng nào thì hãng đó phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Còn khi “made in” trở thành bảo chứng cho chất lượng sản phẩm của một quốc gia thì một số nước đưa ra tiêu chí rất cao để tránh những mặt hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến thương hiệu chung của hàng hóa sản xuất từ nước đó. Đơn cử tại Đức, Nhật, Pháp, Mỹ… Nghĩa là họ ghi “made in” cho những sản phẩm có giá trị thương hiệu quốc gia, những sản phẩm có giá trị hàm lượng công nghệ cao.

“Với xu hướng toàn cầu hóa, sản phẩm tạo ra từ các nguyên, vật liệu, linh kiện được sản xuất khắp thế giới, khái niệm “made by” được các nước sử dụng nhiều hơn “made in”” - ông Chiến chia sẻ.Sẽ quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ nội địa hóa để xác định made in VietNam. Trong ảnh: Triển lãm ô tô Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Made in Vietnam: Sẽ có tiêu chuẩn rõ ràng hơn! - Ảnh 1.

Sẽ quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ nội địa hóa để xác định made in VietNam. Trong ảnh: Triển lãm ô tô Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: HTD


Linh hoạt theo tiêu chuẩn quốc tế

Là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, nhiều năm làm cho hãng xe danh tiếng tại Đức, ông Nguyễn Minh Đồng cho biết “made in Germany” hay “made in Japan”… đã là thương hiệu, tạo được uy tín trên toàn thế giới từ lâu vì những nước này có khoa học kỹ thuật phát triển ở trình độ cao. Thế nhưng xu thế hiện nay là chuỗi sản xuất toàn cầu, chiếc ô tô mang thương hiệu Đức nhưng nhiều bộ phận, giá trị tạo ra lại từ nhiều nước châu Âu, từ Nga hoặc từ các nước châu Á…

Vì thế, ở Đức tiêu chí ghi “made in” cũng thay đổi, có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Đối với những sản phẩm có giá trị nội địa sản xuất chiếm 80% thì mới được ghi “made in Germany”, còn ghi “made in Europe” thì giá trị tạo ra sản phẩm phải 80% đến từ châu Âu. Nếu tỉ lệ đó ở mức thấp hơn thì ghi “made in for Europe”, ghi lắp ráp tại Đức hoặc lắp ráp tại châu Âu.

Xoài Thái sẽ đổi thành xoài Việt?

Đại diện Bộ Công Thương cho biết dự thảo thông tư quy định: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Vì vậy, cây xoài mặc dù lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam.

“Bằng chứng mới đây, sắt thép Trung Quốc nhập sang Việt Nam mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đã bị Mỹ, EU phát hiện. Kết quả là các sản phẩm sắt thép Việt Nam bị đánh thuế nhập khẩu vào các thị trường trên rất cao. Vì vậy, đối với hàng xuất khẩu, cần có tiêu chí về tỉ lệ nội địa hóa tạo nên sản phẩm và giám sát chặt chẽ tỉ lệ đó mới được ghi “made in Vietnam”” - ông Đồng góp ý.Liên hệ với câu chuyện tiêu chí “made in” cho hàng hóa Việt Nam, theo ông Đồng, Bộ Công Thương muốn xây dựng tiêu chuẩn “made in Vietnam” cho sản phẩm Việt Nam thì cần dựa theo tiêu chuẩn của thế giới và phải hướng đến xuất khẩu. Vì khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới, tiêu chuẩn “made in” liên quan đến xác định áp dụng các loại thuế suất, đến gian lận thương mại. Nếu Việt Nam tự đưa ra tiêu chuẩn “made in” nhưng khi các nước nhập khẩu hàng Việt lại không công nhận thì tiêu chuẩn “made in” có cũng như không.

Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến cho rằng khi xây dựng tiêu chí “made in”, cơ quan chức năng ngoài việc xác định thị trường mục tiêu cho tiêu chuẩn đó còn phải xác định gắn “made in Việt Nam” vào sản phẩm là tạo sự bảo chứng về chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, tiêu chí đó phải cập nhật xu hướng hội nhập cũng như căn cứ vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới. “Bên cạnh “made in” dành cho sản phẩm xuất khẩu thì những sản phẩm bán tại thị trường nội địa nên ghi là “made by”, ông Chiến gợi ý.

Nên tham khảo cách Trung Quốc đã làm

Chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến nhận định Trung Quốc đã trải qua thời gian chuyên gia công, lắp ráp như Việt Nam bây giờ. Trong quá trình đó, Trung Quốc cũng đưa ra tiêu chí "made in China" và "made by…" để gắn lên sản phẩm có xuất xứ hoặc được sản xuất từ Trung Quốc.

"Made in China" được Trung Quốc sử dụng linh hoạt theo tiêu chí của từng thị trường mà sản phẩm hướng đến. Ví dụ, hàng hóa Trung Quốc khi xuất khẩu vào các nước ASEAN thì họ làm theo tiêu chí mà các nước ASEAN đưa ra đối với hàng nhập khẩu (tỉ lệ nội địa hóa phải đạt 40%) để gắn mác "made in China" cho sản phẩm đó; đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ… thì họ cũng căn cứ quy định của các thị trường trên để ghi "made in China". Còn đối với những sản phẩm của các công ty đa quốc gia, Trung Quốc thường dùng "made by"…

"Hiệu ứng của "made in China" và "made by…" từ quy định linh hoạt của Trung Quốc có thể là một phần nguyên nhân khiến hàng hóa từ Trung Quốc đến được nhiều nơi trên thế giới như hiện nay. Do đó việc xây dựng tiêu chí "made in Việt Nam" cho hàng hóa từ Việt Nam cũng nên tham khảo cách Trung Quốc đã làm" - ông Chiến gợi ý.

Theo Quang Huy

Cùng chuyên mục
XEM