'Chú dê thế tội' cho câu chuyện lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm

16/04/2022 09:04 AM | Xã hội

Lạm phát tại Mỹ đã tăng liên tiếp 6 tháng, tức là từ trước khi xung đột Ukraine diễn ra và việc đổ lỗi không giải quyết được vấn đề.

Theo tờ NBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden khó lòng đổ lỗi mãi cho người đồng cấp, Tổng thống Nga Vladimir Putin về câu chuyện lạm phát khi người dân dần mất kiên nhẫn.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh 8,5% trong tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982. Giá điện ở Mỹ tăng 32% trong năm qua, còn giá lương thực tăng khoảng 8,8% và cũng là mức tăng mạnh nhất từ tháng 5/1981.

Xin được nhắc là Tổng thống Biden đã làm nghị sĩ được 36 năm cùng 8 năm Phó Tổng thống nên chắc chắn ông hiểu hơn ai hết về quá khứ lạm phát thảm hoạ cách đây 40 năm.

Chú dê thế tội cho câu chuyện lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm - Ảnh 1.

Chú dê thế tội

Thông tin này chẳng mấy tích cực gì cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, thế nhưng Nhà Trắng lại có một "chú dê tế thế tội" cực kỳ hiệu quả là Nga. Mọi câu chuyện giờ đây trở thành đều là do Nga, lạm phát là vì Nga, tăng giá là vì xung đột Ukraine.

Thế nhưng theo NBC, việc đổ lỗi cho Nga sẽ chẳng tồn tại được lâu. Mặc dù những động thái cứng rắn của Mỹ với kinh tế Nga sẽ tăng cường hình ảnh, vị thế và thậm chí là đem về cả phiếu bầu cho Tổng thống Biden nhưng chúng sẽ không giải quyết được lạm phát.

Hiện nay Nga không phải đối tác thương mại quá chủ chốt với Mỹ nhưng ảnh hưởng gián tiếp của họ lên nền kinh tế thế giới là rất lớn.

Dầu Nga xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu của nền kinh tế và 2% nguồn cung cho thị trường này. Thế nhưng với vị thế là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu năm 2021, Nga đã khiến giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt, qua đó đẩy lạm phát phi mã.

Giá xăng tại Mỹ trong tháng 2/2022 đã tăng 6,6% so với tháng trước và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần cuối cùng người dân Mỹ phải chứng kiến giá xăng cao ngất như thế này là vào năm 2008 nhưng tình hình khi đó hoàn toàn khác bởi các cử tri hiểu được giá dầu đi lên là do chi phí khai thác.

Trong lần này, việc lạm phát tăng lại chẳng liên quan gì đến sản xuất mà do một cuộc xung đột ở bên ngoài nước Mỹ. Liệu bao nhiêu người dân Mỹ sẽ chấp nhận lạm phát tiếp tục tăng cao, để gia đình nhịn ăn mặc cho một quốc gia khác chẳng liên quan đến mình?

Xin được nhắc là lạm phát tại Mỹ đã tăng liên tiếp 6 tháng, tức là từ trước khi xung đột Ukraine diễn ra và rất nhiều nghị sĩ của Đảng Cộng hoà đang nhắc nhở đến trách nhiệm của các nhà lãnh đạo với nền kinh tế thay vì đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài.

Chú dê thế tội cho câu chuyện lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm - Ảnh 2.

"Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất 40 năm. Lạy chúa! Đầu tiên họ nói đó là nhất thời thôi, sau đó thì đổ lỗi do đứt gãy chuỗi cung ứng, rồi nói rằng lạm phát đi lên là ‘tín hiệu tốt’ cho nền kinh tế. Giờ đây thì họ đổ lỗi cho Nga. Đến bao giờ thì Nhà Trắng mới chịu thừa nhận trách nhiệm của mình?", Nghị sĩ Vern Buchanan của Đảng Cộng hoà bang Florida đăng trên Twitter.

Bài học lạm phát

Vào giữa thập niên 1970, Tổng thống Biden khi đó mới trở thành nghị sĩ và ông đã chứng kiến cuộc tranh cãi gay gắt giữa các đời Tổng thống Gerald Ford, Jimmy Carter và Ronald Reagan về lạm phát. Người dân Mỹ lúc đó đã quá ngán ngẩm với đà tăng giá và bất kỳ nhà lãnh đạo nào thất bại trong cuộc chiến với lạm phát đều bị mất ghế.

Lấy ví dụ Cựu Tổng thống Carter, lạm phát tại Mỹ đã đạt 14,6% trong tháng 3/1980 và hệ quả là ông thua đối thủ Ronald Reagan trong cuộc đua bầu cử sau đó.

Đã 40 năm trôi qua và người dân Mỹ giờ đây dần quên về ký ức lạm phát khi xưa, hệ quả là họ ít nhạy cảm hơn với vấn đề tăng giá trong khi đây là yếu tố sống còn của các chính trị gia thập niên 1980 nếu muốn có phiếu bầu. Hầu hết những người dưới 45 tuổi ngày nay đều khá mơ hồ về cái họi là "bão tăng giá", nhưng với đà phát triển như hiện nay thì sớm muộn gì người dân cũng không thể chịu nổi cảnh lương tăng không kịp lạm phát và phải nhịn ăn mặc chỉ vì cuộc xung đột ở đâu đó.

Mới đây, Bộ trưởng tài chính Janet Yellen đã cảnh báo người dân Mỹ có thể trải qua một năm lạm phát cao nữa nếu tình hình không thay đổi. Những nhận định tương tự cũng được Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng (WHCEA) đưa ra trong bản báo cáo gần đây.

Chú dê thế tội cho câu chuyện lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm - Ảnh 3.

Người Mỹ đang dần mấy kiên nhẫn với lạm phát

Theo khảo sát, khoảng 55% số người được hỏi cho biết lạm phát là vấn đề chính ảnh hưởng đến quyết định bầu cử giữa nhiệm kỳ của họ và chính bản thân Tổng thống Biden cũng nhận thấy được vấn đề.

"Lạm phát hiện nay khiến túi tiền của người dân bị hao mòn do giá cả đi lên, nhiều gia đình bắt đầu cảm thấy áp lực vì hàng hoá đắt hơn", Tổng thống Biden nhận xét sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,9% tháng 2/2022.

Cuối tháng 3 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đã xuống mức thấp kỷ lục và yếu tố chính là do lạm phát.

Tờ NBC cho biết Cựu Tổng thống Ford từng thua Carter vì lạm phát, thế rồi chính ông Carter lại thua Reagan cũng vì giá cả hàng hoá đắt đỏ. Liệu lần này Tổng thống Joe Biden có giải quyết được lạm phát để tránh lịch sử lặp lại?

*Nguồn: NBC

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM