Lý do Hà Nội gấp rút xây 1000 nhà vệ sinh công cộng: Dân số 7 triệu, gần 3 triệu người thường xuyên ra vào nhưng có chưa tới 700 công trình
Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng theo phương thức xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay mới đây do VTV thực hiện, nhiều câu hỏi về chủ trương xây dựng 1.000 nhà vệ sinh của Hà Nội được đặt ra.
Hà Nội thiếu hụt nghiệm trọng nhà vệ sinh công cộng
Một vấn đề khó nói đã có lời giải, ở các đô thị lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, nếu bạn muốn đi vệ sinh thì việc tìm được một nhà vệ sinh công cộng gần nhất quả là một vấn đề, bởi nhà vệ sinh quá thiếu. Tuy nhiên khi Hà Nội có chủ trương xây dựng 1000 nhà vệ sinh theo phương thức xã hội hóa, trong vòng 10 năm, thì nhu cầu tối thiểu của người dân thủ đô sẽ được đáp ứng.
Theo ông Nguyễn Văn Dục, Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội, suốt từ năm 1990 đến nay là 37 năm, số lượng nhà vệ sinh công cộng xây được mới chỉ đạt 371 công trình, cùng 300 nhà vệ sinh di động dự phòng cho sự kiện, chỉ dùng trong 3-7 ngày.
Tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội vào chiều 7/3, giám đốc Sở Xây dựng cho hay: “Riêng trong năm 2017, Hà Nội sẽ có thêm 259 nhà vệ sinh công cộng trên cơ sở ưu tiên trước các quận nội thành, và các điểm du lịch vui chơi giải trí”.
Chủ trương xây dựng nhà vệ sinh công cộng được dư luận đánh giá cao, bởi thành phố với mật độ dân cư hơn 7 triệu người, chưa kể khách du lịch và khoảng 3 triệu người thường xuyên ra vào Hà Nội mỗi ngày, thì số lượng nhà vệ sinh công cộng lại quá thiếu.
Tình trạng tiểu bậy tràn lan còn có nguyên nhân từ thiếu nhà vệ sinh công cộng. Căng thẳng đến mức trong nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu tháng 2 vừa qua, thì hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt lên tới 3 triệu đồng, cao gấp 10 lần quy định trước đó.
Tuy nhiên tiến độ của chương trình xây dựng nhà vệ sinh xã hội hóa đang bị chậm lại do chính sự phản đối của người dân, một số cơ quan, tổ chức. Lý giải về vấn đề này, TS,KTS Lê Thị Bích Thuận, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng xây dựng là đúng đắn, cần hết sức ủng hộ, tuy nhiên tiến độ xây dựng hiện đang bị chậm vì nhiều lý do:
Thứ nhất,các địa phương chưa phối hợp tốt trong bàn giao mặt bằng, địa điểm xây nhà vệ sinh không được địa phương đồng thuận. Thứ hai,sự phối hợp giữa nhà quản lý và nhà đầu tư chưa tốt như quản lý điện nước, quản lý cảnh quan đô thị…. Thứ ba, người dân phản đối do chưa hiểu được khi xây dựng thì ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường, vị trí xây dựng có lãng phí hay không, chưa có quy hoạch cụ thể…
Nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất thiếu, trong khi tại Singapore có 30000 nhà vệ sinh công cộng. Dự án vừa đưa ra cuối năm ngoái đã được nhiều người kỳ vọng rằng người dân khỏi lâm vào thế bí khi di chuyển trong thành phố, còn doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà vệ sinh thì được khai thác quảng cáo trên tất cả các cầu vượt của Hà Nội trong 10 năm.
Nhà vệ sinh công cộng: Vẫn là bài toán khó
Theo dự kiến, trước Tết nguyên đán, Hà Nội đưa vào hoạt động gần 200 nhà vệ sinh. Nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có vài nhà vệ sinh được sử dụng.
Thực tế một cái hố đào sẵn để làm bể phốt chuẩn bị xây nhà vệ sinh thì gặp phải sự quyết liệt phản đối của người dân địa phương. Lý do mà người dân đưa ra là: Làng Yên Phụ là một bán đảo nhô ra ở Hồ Tây, hầu như rất ít người lạ đi lại nơi đây, vậy xây nhà vệ sinh cho ai? Trong khi ngay cạnh đó là con đường Yên Hoa tấp nập khách du lịch thì lại không xây nhà vệ sinh nào.
Còn tại vườn hoa Yecxanh có hai nhà vệ sinh công cộng, bà con nơi đây mới vui mừng vì được sử dụng công trình công cộng mới được vài ngày, thì sau đó những nhà vệ sinh này lại đóng cửa im ỉm. Bà Nguyễn Thị Cậy, mội người dân quân Hai Bà Trưng hay đến đây tập thể dục phản ánh: “Chỉ được đúng có 3 buổi sáng, sau đó đến 12h là đóng cửa, và từ hôm ấy đến nay không thấy mở cửa lại nữa”.
Lại một trường hợp khác, ga Long Biên Hà Nội, không khó để bắt gặp những hình ảnh các tài xế đi vệ sinh ngay bên cạnh xe đỗ trên đường. Các tài xế ở đây cho biết, rất khó để không đi tiểu bậy như thế. Anh Nguyễn Tiến Bôn, lái xe bus tuyến 10A Hà Nội cho biết: “Để tìm kiếm và đến điểm vệ sinh công cộng rất là xa, ví dụ để vào điểm vệ sinh của công viên Thống Nhất đặt ở giữa công viên thì phải đi sâu vào trong, nên anh em về là đi mỗi người một cái xô…”
Qua thực tế trên có thể thấy nhiều người dân còn phàn nàn vì không có chỗ đi vệ sinh hoặc nhà vệ sinh thì quá tệ. Nhận định về thực trạng này, Bà Lê Thị Bích Thuận đưa ra 2 vấn đề, một từ phía quản lý, một từ phía người dân.
Về quản lý, chúng ta chưa có sự quy hoạch chung nên chỗ thì tập trung nhiều quá chỗ thì không có nhà vệ sinh nào. Còn về phía người dân, nên có ý thức cố gắng giữ gìn vệ sinh chung nhiều nơi đã có nhà vệ sinh nhưng người dân vẫn đi vệ sinh sai nơi quy định, do thói quen hoặc do nhà vệ sinh phải trả phí.
Chủ trương xây dựng đúng nhưng chất lượng và tiến độ, cách thức triển khai còn nhiều việc đáng bàn. Hiện nay nhà đầu tư là đơn vị thi công, lắp đặt, nhưng để vận hành thì họ vẫn chưa đủ năng lực thực hiện, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý nhà vệ sinh ấy. Chất lượng tiến độ do nhiều bên tham gia nên cần phối hợp đồng bộ, tính đến cả tiêu chí địa điểm: xác định số lượng người sử dụng, có ảnh hưởng môi trường mỹ quan và tiêu chí chất lượng: đảm bảo đường điện, cấp thoát nước.
Việc người dân và du khách được đi vệ sinh công cộng không chỉ là đáp ứng nhu cầu cá nhân mà còn góp phần khiến bộ mặt của thành phố sạch đẹp văn minh. Dự án được đặt nhiều kỳ vọng sẽ xóa dần hình ảnh phản cảm xưa nay không hiếm gặp ở Thủ đô. Thế nhưng chủ trương tốt cần người dân tích cực tham gia ủng hộ và chính quyền địa phương bỏ qua lợi ích cục bộ.
Về vấn đề này, chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Trung đã đề nghị báo cáo Chủ tịch Thành ủy để xứ lý những cán bộ do lợi ích của chính quyền mà gây khó dễ với nhà đầu tư. Đây là một vấn đề mà thành phố Hà Nội đang gấp rút thực hiện để hoàn thiện dự án xây dựng nhà vệ sinh công cộng theo hướng xã hội hóa một cách hiệu quả và đúng tiến độ.