Lương Xuân Trường kể chuyện hậu trường startup: Quyết định khởi nghiệp ở tuổi 25, trả lương 300 triệu đồng/tháng cho huấn luyện viên người nước ngoài dù từng bị “huỷ kèo” phút cuối
Cầu thủ Lương Xuân Trường vừa có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 25 của bản thân.
Lương Xuân Trường, hiện không chỉ được biết đến với vai trò cầu thủ mang áo số 6 của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, mà anh hiện đang là Founder và chủ của hai chi nhánh thuộc Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC).
Chia sẻ trên kênh TikTok cá nhân, Lương Xuân Trường cho biết bản thân quyết định khởi nghiệp vào năm 2020, thời điểm nam cầu thủ mới 25 tuổi và đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp bóng đá.
“Thời điểm nào cũng có thể khởi nghiệp và không ai cấm điều đó cả, chỉ cần bạn có vốn và ý tưởng thì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bất cứ lúc nào bạn muốn” , Lương Xuân Trường cho biết và kể rằng bản thân không phải là người đam mê kinh doanh, anh bắt đầu khởi nghiệp chỉ với lý tưởng muốn tạo một mô hình phục hồi chức năng thể thao chuẩn quốc tế tại Việt Nam vì trước đó đã phải sang tận Hàn Quốc để điều trị chấn thương.
Tuy nhiên, chính Xuân Trường cũng cho hay quyết định này mang nhiều phần mạo hiểm và bản thân phải bỏ ra rất nhiều tiền khi mới bắt đầu. Vì hầu hết, các cầu thủ bóng đá phải từ 33 đến 35 tuổi mới bắt đầu chuyển sang một lĩnh vực khác khi đã từ giã sự nghiệp.
Bên cạnh câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 25, chia sẻ của Lương Xuân Trường về việc trả lương 300 triệu đồng/tháng cho huấn luyện viên người nước ngoài tại trung tâm IRC cũng nhận được sự chú ý lớn.
“300 triệu đồng một tháng chỉ là chi phí dành riêng cho chuyên gia, chưa kể những chi phí khác mà hàng tháng IRC phải gánh” , nam cầu thủ cho hay chi phí này không thể cắt giảm dù đây là một khoản chi phí lớn với một startup.
Tuy nhiên, Xuân Trường cũng đã lý giải về quyết định này. Anh cho biết, các chuyên gia với chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thể thao, các chuyên gia có thể xử lý mọi trường hợp từ chấn thương nhẹ đến các ca phức tạp, giúp người bệnh không chỉ lành lặn mà còn có thể chơi thể thao như chưa từng bị chấn thương.
Bên cạnh đó, không chỉ am hiểu về giải phẫu học, sinh lý học cơ xương khớp mà còn phải hiểu rõ về cơ chế vận động trong thể thao, các áp lực sinh cơ học khi vận động với cường độ cao, thậm chí cả tâm lý của vận động viên trong quá trình phục hồi. Theo đó, nếu chỉ dựa trên kiến thức cơ bản về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cơ xương khớp rất khó để giúp người bệnh quay trở lại thể thao.
Cũng liên quan đến câu chuyện mời các chuyên gia nước ngoài, Lương Xuân Trường cho một nhóm chuyên gia đã từng nhận lời tham gia với IRC nhưng không sang Việt Nam nữa.
“Đó như một gáo nước lạnh tạt vào mình giữa mùa đông lạnh giá. Bởi vì tất cả mặt bằng, trang thiết bị được mua dựa trên ý tưởng và chuyên môn của chuyên gia. Trong lĩnh vực này, mỗi một chuyên gia sẽ có những phương pháp điều trị và danh sách trang thiết bị, dụng cụ sử dụng cho việc điều trị và phục hồi chấn thương cho người bệnh một cách khác nhau.
Do đó, nếu tìm một chuyên gia khác để thay thế, mình hoàn toàn sẽ phải mua lại toàn bộ và setup theo ý tưởng của chuyên gia mới. Chưa kể, trang thiết bị y tế và máy móc trị liệu thường rất đắt, có những máy lên đến 300-400 triệu đồng. Mình đã đầu tư toàn bộ cho chuyên gia nước ngoài đầu tiên nhưng cuối cùng họ không sang Việt Nam nữa” , Xuân Trường bộc bạch.
Anh cũng cho biết thêm, thời điểm đó bản thân cảm thấy như rơi vào đáy của tuyệt vọng. Vì bên cạnh chi phí cho chuyên gia thì tiền lương, tiền mặt bằng vẫn phải chi trả. Đến 2 năm sau ngày khai trương, IRC mới chính thức tìm được đội ngũ chuyên gia phù hợp.
“Lúc này cảm giác như mình khởi nghiệp lại từ đầu. Ai cũng bảo mình quá liều khi kinh doanh trong một lĩnh vực mình không hề có chuyên môn, tất cả phụ thuộc vào con người, phụ thuộc vào chuyên gia. Nếu mình có một đội ngũ nhân sự tốt thì doanh nghiệp sẽ vận hành đi lên. Nhưng nếu họ rời đi, mình không biết điều trị như thế nào cho khách hàng.
Vì thế, bài học rút ra ở đây là, nếu kinh doanh một lĩnh vực dựa nhiều vào con người, nên có cách nào đó để những người đó có sự cam kết để đi đường dài với mình còn không thì tốt nhất không nên khởi nghiệp trong lĩnh vực mình không có chuyên môn” , cầu thủ Lương Xuân Trường nói.