Lương tối thiểu tăng nhanh nhất khu vực, người lao động Việt Nam có thực sự hưởng lợi?

20/07/2017 13:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng lương tối thiểu cao nhất trong khu vực, gần 14%. Tuy nhiên, cuộc sống của người lao động dường như không có nhiều cải thiện.

Số liệu của World Bank cho thấy lương tối thiểu của Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam có mức tăng gần 14%, Trung Quốc tăng 10%, còn Indonesia chỉ tăng 7%.

Dù vậy, trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Trong đó, năm 2016, mức lương này chỉ đáp ứng được 80%, năm 2017 đáp ứng được từ 93 – 94% cho người lao động.

Nhu cầu sống tối thiểu của công nhân = lương thực thực phẩm + phi lương thực thực phẩm + nuôi con.

Trong đó: Nhu cầu lương thực thực phẩm tính theo rổ hàng hoá 45 mặt hàng thiết yếu, đảm bảo được 2.300 kcal. Nhu cầu phi lương thực là các vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục, giải trí. Nhu cầu nuôi con tức bằng 70% những nhu cầu trên của người lớn

Trong năm 2018, phía Tổng Liên đoàn đang đề xuất mức tăng là 13,3% mà như ông Quảng nhấn mạnh nếu được thông qua sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ông cũng cho biết thêm, nếu chỉ tăng khoảng 5% như đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì chỉ có thể bù đắp được trượt giá, còn người lao động chẳng được gì.

Khác với quan điểm của phía Tổng Liên đoàn, một số chuyên gia kinh tế, chính sách lại cho rằng dù có tăng lương tối thiểu cũng không thực sự đảm bảo đời sống cho người lao động. "Nó chỉ đang thể hiện phần ngọn, chưa nói đến gốc rễ" như bình luận của ông Nguyễn Quang Đồng – chuyên gia chính sách công độc lập.

Ông Đồng cho rằng các tranh cãi đang xoáy vào việc buộc doanh nghiệp phải đẩy mức lương cao hơn, nghĩa là doanh nghiệp phải chịu trực tiếp toàn bộ các chi phí liên quan đến người lao động.

Ông cho biết, phúc lợi của một người được tính theo công thức: Thu nhập – Chi tiêu cơ bản (nhà cửa, ăn uống, giáo dục, y tế, giải trí).

Bên bảo vệ công nhân nói rằng mức sống tối thiểu không đảm bảo nhưng phần chi phí bị đội lên do người lao động không tiếp cận được các dịch vụ công cộng lại thuộc về phần chính sách của nhà nước, doanh nghiệp không đảm trách được.

Đưa ra ví dụ về chi phí y tế, giáo dục, ông Đồng nói: “Người lao động chủ yếu là người di cư, họ không có hộ khẩu ở địa bàn họ làm việc. Điều này dẫn đến việc con cái họ không được học tập ở các trường công mà phải học ở trường tư. Điều này tương tự đối với việc khám chữa bệnh. Họ phải chi trả cao hơn người bản địa”.

TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu Market Intello cũng đồng tình với quan điểm này. Qua khảo sát, ông Minh cho biết đối với người lao động, lương tối thiểu không phải vấn đề vì thực tế đại đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu.

“Hộ khẩu, thủ tục hành chính mới là vấn đề khi họ không được tiếp cận các dịch vụ công cộng. Phải có cơ chế bình đẳng cho những người lao động này”, ông nói.

Bởi lẽ, dù hàng năm lương có tăng nhưng chi phí tăng theo thì về cơ bản người lao động không thực sự được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Minh khẳng định, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, chỉ tác động đến chi phí của doanh nghiệp.

Cụ thể, hiện phần đóng trung bình 24% mà doanh nghiệp phải đóng cho các quyền lợi của người lao động (trong đó: 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu. Do đó, tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp "dâng" lên một khoản đáng kể.

“Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản khác của công nhân. Nếu quá trình co kéo đó diễn ra mạnh mẽ quá, công nhân cũng mất đi tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tựu chung lại, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi cả, chỉ có quỹ bảo hiểm được lợi thôi”, ông Minh nhận định.

Ông Phillip Hazeltin, chuyên gia của ILO từng đưa ra cảnh báo việc tăng quá nhanh mức lương tối thiểu có thể gây nguy hiểm vì sẽ khiến cho một số công ty nước ngoài rút vốn và chuyển sang đầu tư các nước khác.

“Thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng của một nền kinh tế, không nên tăng lương tối thiểu quá nhiều mỗi năm, nó phải được dựa trên năng suất lao động, mức lạm phát…” ông nói.

Trên thực tế, tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 hồi tháng 6, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) từng nêu ra vấn đề này khi cho biết 75,5% doanh nghiệp Nhật trả lời việc tăng tiền lương đang ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Qua phiên họp thứ nhất, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu năm 2018 gồm: Tăng 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017, căn cứ theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 4% trong năm nay.

Cụ thể, mức tăng lương 5% để bù CPI và 1% năng suất lao động (tăng từ 130.000 - 180.000 đồng/tháng tùy vùng); Hoặc tăng 6% để bù CPI và 2% năng suất lao động (tăng từ 160.000 - 220.000 đồng/tháng); Hoặc tăng 6,8% để bù CPI và 2,8% năng suất lao động (tăng từ 180.000 - 250.000 đồng).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức tăng phải 13,3%, để đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người lao động, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, VCCI đề nghị không tăng hoặc tăng dưới 5% để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM