Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội

17/07/2017 10:41 AM | Sống

Giá một tô bún bò Huế ở Hà Nội thường là 30.000 - 40.000 đồng. Thế mà ở một quán nhỏ trên phố Ô Chợ Dừa, 2 năm nay, mỗi tháng đều đặn bán ra 150 suất bún với giá chỉ 1.000 đồng.

Bữa ăn ngon của người lao động nghèo với giá chỉ 1.000 đồng

Với 1.000 đồng, người ta không thể mua nổi một cốc trà đá vỉa hè chứ chẳng cần nói đến bất cứ loại đồ ăn nào khác. Thế nhưng vì muốn giúp người lao động nghèo có một bữa ăn ngon ngày cuối tuần, một quán ăn nhỏ trên phố Ô Chợ Dừa dành ra ngày thứ 6 đầu tiên vào mỗi tháng để bán 150 suất bún bò Huế với giá chỉ 1.000 đồng/ tô.

Cửa hàng này do một người phụ nữ ngoài 50 tuổi tên Ngũ Thị Kiều Oanh làm chủ. Trước đây, cô Oanh từng làm rất nhiều công việc từ thiện khác nhau như: hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt hay nấu cháo, phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội. Từng tham gia vào nhiều đoàn từ thiện, cuối cùng, cô Oanh muốn tự mình làm một chút việc tốt nào đó để giúp đỡ mọi người.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 1.

Quán bún 1k ở Hà Nội.

Cách đây 3 năm, cô Oanh mở một hiệu bún bò Huế trên phố Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Sau 1 năm ổn định công việc kinh doanh, năm 2015, cô bắt đầu làm từ thiện ở chính quán ăn của mình. Tính ra, trong suốt quãng thời gian qua, có hàng nghìn tô bún bò 1k đã được cô Oanh bán cho người lao động nghèo.

Ngày thứ 6 ấm áp nghĩa tình ấy được cô Oanh gọi là ngày thứ 6 sẻ chia. Không phải ngày mùng 1 hay 15, cô Oanh chọn ngày cuối tuần đầu tiên trong tháng vì rất nhiều lý do. "Lúc này, mọi người đều muốn có một bữa cơm tươm tất quây quần bên người thân hoặc tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon, bù đắp lại sức lao động".

Trong khi mọi người đều được ăn ngon, cô Oanh muốn chia sẻ điều ấy đến những người thu nhập thấp, giúp họ có một bữa tươm tất mà không cần bận tâm đến hầu bao của mình.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 2.

Cô Oanh chia sẻ ý tưởng bán bún 1k ban đầu do con trai cả của cô - Châu Ngọc Điệp nghĩ ra. Sau đó, anh Điệp đã chia sẻ về việc tử tế này trên rất nhiều trang báo.

"1.000 đồng chẳng khác gì cho không nhưng cô vẫn thu tiền với giá tượng trưng. Vì nhiều người họ tự ái ghê lắm, cho không họ không nhận. Với lại, cho không thì người ta không biết quý trọng. 1k tuy nhỏ nhưng với nhiều người, phải chắt chiu từng đồng để sống qua ngày thì nó vẫn quý giá".

Cô Oanh - chủ quán bún.

Cô Oanh bảo, nhiều người cứ hỏi cô làm từ thiện như thế thì được gì, rồi những người mà cô giúp đỡ, chắc gì họ đã thật sự nghèo khổ... nhưng cô Oanh chỉ cười.

"Đúng là khổ sướng tại tâm, có người nghèo nhưng chưa chắc họ đã thấy mình khổ và cũng có những người đến ăn ở đây, cô không thể xác minh xem họ có nghèo thật hay không. Cô chỉ biết giúp được ai thì giúp".

2 năm qua những tô bún 1k được nối dài nhờ sự tiếp sức của cộng đồng

Chuyện quán của cô Oanh 2 năm qua bán bún bò từ thiện, khắp khu vực Ô Chợ Dừa, ai ai cũng biết. Cứ đến ngày cuối tuần đầu tiên trong tháng, rất nhiều người lao động thu nhập thấp xếp hàng dài chờ ăn bún bò Huế.

Ở Hà Nội, từng có nhiều quán cơm làm từ thiện, thu tiền tùy tâm hoặc bán giá rẻ 5.000 hay 2.000 đồng/ suất nhưng không phải nơi nào cũng trụ được lâu như quán bún của cô Oanh.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 3.

Tô bún bò ngày thường bán 35k, riêng thứ 6 sẻ chia, nó được bán với giá 1k và chất lượng không hề thay đổi.

Quán bún của cô Oanh cũng nhỏ nhắn, ngày thường tô bún bò bán với giá vừa phải, khoảng 35k. Cảnh kinh doanh đó nhìn bên ngoài đã biết là lời lãi không quá lớn. Vậy mà, mỗi tháng lại phải bán gần như miễn phí 150 suất bún bò Huế. Để duy trì công việc ấy suốt 2 năm qua, cô Oanh cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn.

"Nhiều tháng cô cũng bí tiền lắm, phải chịu tiền nguyên liệu. Họ là những mối quen cung cấp bún, thịt bò... họ cũng biết về ngày thứ 6 sẻ chia mình đang làm nên họ cho mình chậm".

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 5.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 6.

Không gian bên trong quán được trang trí bằng rất nhiều bức ảnh về người lao động nghèo.

Cô Oanh nói nếu nhìn thấy cảnh người lao động thu nhập thấp đến chờ một tô bún 1k như thường lệ mà quán cô không làm được nữa, cô thấy buồn lắm. Động lực để cô duy trì công việc từ thiện này không chỉ nhờ tấm lòng tự tâm mà còn bởi sự chung tay, tiếp lửa từ cộng đồng. Cô kể, có nhiều người, dẫu nhìn bề ngoài khổ sở nhưng khi đến ăn, vẫn rút 50k trả cho tô bún 1k. Họ nói đấy là tiền trả cho nhiều lần đã ăn bún 1k và muốn tiếp sức cho cô tiếp tục làm công việc ý nghĩa của mình. Những lúc như thế, cô Oanh cảm động tới rơi nước mắt và càng quyết tâm duy trì ngày thứ 6 sẻ chia.

Có nhiều đoàn từ thiện cũng xin đến giúp cô Oanh bằng cách tặng một khoản tiền mặt nhưng cô từ chối. Cô bảo muốn tự mình làm, làm được đến đâu thì cố gắng tới đó, chỉ cần được mọi người ủng hộ về mặt tinh thần như vậy, cô đã cảm thấy rất vui rồi. "Và cô thường gợi ý họ nên mang gạo hoặc tặng phẩm khác phát cho người nghèo lúc họ đến đây ăn bún bò. Thế là ngoài bát bún 1k, rất nhiều lần người lao động nghèo đến đây còn được nhận thêm các phần quà thiết thực khiến họ rất cảm động".

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 7.

Người lao động nghèo đến ăn bún 1k ở quán.

Cô chủ bán hàng nghìn tô bún bò Huế giá 1.000 đồng cho người lao động nghèo ở Hà Nội - Ảnh 8.

Những túi gạo từ thiện được các đoàn hảo tâm khác đem đến quán bún của cô Oanh tặng cho người lao động thu nhập thấp.

Cô Oanh cũng nhớ những lần giáp Tết, trời mưa rét nhưng nhiều người nghèo vẫn cố gắng đạp xe, ôm một bọc quà gói cẩn thận đến tặng cô. Họ tặng lại cô giò hay bánh chưng, mứt Tết nhận được từ các nhà hảo tâm khác, nói rằng đó là quà cám ơn vì suốt 1 năm, đã nhiều lần được ăn bún 1k ở quán cô.

Có lần ra đường gặp ai đó, cô Oanh không nhớ họ nhưng họ thì nhận ra cô. Có lúc tình cờ ở quán, khi ăn xong người ta bắt tay cô run run cảm động... "Tất cả những điều đó khiến cô rất cảm động và nó cũng như là một động lực to lớn giúp cô tin tưởng việc mình làm có nhiều ý nghĩa và ngày càng cố gắng để làm tốt hơn nữa", cô Oanh nói thêm.

Theo Thu Hường

Cùng chuyên mục
XEM