Lương thấp như cán bộ bảo vệ rừng: Đi 30 km/ngày, lương 3 triệu/tháng

23/03/2019 15:45 PM | Xã hội

Dù tính chất công việc phức tạp, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm nhưng nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đang hưởng mức lương thấp, không đủ để chi tiêu. Cũng vì thế, nhiều người phải làm thêm nghề “tay trái”, trong ngành lâm nghiệp cũng xuất hiện xu hướng tiêu cực khiến rừng bị mất.

LTS: Hướng tới đề án chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021, nhóm PV Infonet đã gặp nhiều đối tượng công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách Nhà nước ở các địa bàn khác nhau để tìm hiểu về thực trạng mức lương mà họ đang nhận có đáp ứng cơ bản các nhu cầu cuộc sống hay không.

Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài về thực trạng lương công chức, viên chức hiện nay!

Một vụ khai thác gỗ được phát hiện tại lâm phần thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ma Đ'rắk (Đắk Lắk)

Lương thấp như... người bảo vệ rừng

Nói về những bất cập trong chính sách chi trả tiền lương, ông N.V.Đ (giám đốc một công ty lâm nghiệp tại Ea H'leo, Đắk Lắk) cho rằng, hiện tại ông đang được hưởng mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, những cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) được hưởng mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Ông Đ. cho hay, với đặc thù công việc là phải thường xuyên tuần tra, đối mặt với nguy hiểm hàng ngày, mức lương như vậy đối với bản thân ông và cán bộ QLBVR vẫn chưa phù hợp. “Mỗi ngày, cán bộ QLBVR phải đi tuần khoảng 30km đường rừng. Chi phí cho xăng xe mỗi tháng mất khoảng 1 triệu đồng. Với mức lương khoảng 3-4 triệu đồng, anh em chưa đủ để trang trải cuộc sống”, ông Đ. nói.

Cũng theo lời vị giám đốc này, trong những năm gần đây, nhiều cán bộ QLBVR đã bỏ nghề, bỏ công ty để tìm công việc khác. Những người bám trụ còn lại đều làm việc thiếu nhiệt huyết, chủ yếu làm để đối phó. Trên thực tế, cán bộ QLBVR phải chịu rất nhiều khổ cực và áp lực của công việc.

Ông Đ. chia sẻ: “Công việc của chúng tôi thật sự rất vất vả. Trách nhiệm lớn, mức độ nguy hiểm cao, lúc nào cũng trong tinh thần phải sẵn sàng để đối đầu với lực lượng phá rừng. Mùa nắng, anh em phải đi hơn 30km đường rừng để tuần tra. Mùa mưa, nhiều lúc phải đi bộ. Thế nhưng, lương ít, công cụ hỗ trợ thiếu, anh em làm sao cống hiến, tận tâm được. Những người bám trụ lại công ty không phải vì yêu nghề, vì lương mà họ muốn sau này có được chế độ bảo hiểm”.

Cũng theo ông Đ. việc lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Một số người sẽ làm việc theo kiểu đối phó rồi tìm thêm “nghề tay trái” để mưu sinh. Đồng thời, không thể tránh khỏi hiện tượng một số cán bộ QLBVR tiếp tay với lâm tặc, làm ngơ cho lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ để hưởng lợi. Như vậy, việc để mất rừng lại xảy ra.

 Lương thấp như cán bộ bảo vệ rừng: Đi 30 km/ngày, lương 3 triệu/tháng  - Ảnh 1.

Một vụ khai thác gỗ được phát hiện tại Công ty TNHH lâm nghiệp Ea Kar

Lãnh đạo ngành nói gì?

Chia sẻ với Infonet về những bất cập trong chế độ tiền lương hiện nay, ông Phan Trọng Tùng-Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk cho hay, phía Sở chỉ quản lý về người lao động trong khối doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các công ty lâm nghiệp do Nhà nước quản lý.

Theo phân vùng hiện nay, Đắk Lắk thuộc diện vùng 3 và 4. Mức lương cơ bản của công nhân, viên chức thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước chiếu theo quy định khoảng 4 triệu đồng trở lên.

Ông Tùng cho hay: “Đủ sống hay không thì tôi không nhận xét được. Người tiết kiệm thì có dư, người tiêu pha thì hết. Nói chung, vấn đề dư giả, đủ chi tiêu hay không rất khó. Tuy nhiên, nhìn chung mức lương cơ bản như vậy còn thấp. Nếu ở vùng sâu thì đỡ, còn ở thành phố, giá cả đắt đỏ thì không ăn thua”.

Cũng theo lời ông Tùng, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 công ty lâm nghiệp thuộc sự quản lý của Nhà nước. Nhiều công ty lâm nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong công tác chi trả tiền lương cho người lao động, đặc biệt là những công ty không có diện tích rừng trồng (rừng sản xuất). Hằng năm, đa phần các công ty đều dựa vào nguồn vốn từ quỹ chi trả dịch vụ bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ở xu thế hiện nay, Nhà nước ít khi can thiệp vào tiền lương trong khối doanh nghiệp. Việc chi trả lương chủ yếu là do thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp.

Do gặp khó trong vấn đề cân đối tài chính, chi trả tiền lương cho người lao động nên các công ty lâm nghiệp có đề nghị cho Sở về vấn đề cải cách tiền lương. Phía Sở cũng có báo cáo ra Bộ LĐ-TB-XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhưng chưa có gì thay đổi.

Cũng theo ông Tùng, khái niệm về mức lương cơ bản được hiểu nôm na là “khoản tiền được chi trả đủ để nuôi sống người lao động và gia đình họ”. Thế nhưng, để chi trả tiền lương thì phải đảm bảo được một số yếu tố như phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, phù hợp theo từng thời kỳ kinh tế.

Theo Hải Dương

Cùng chuyên mục
XEM