Lượng giao dịch quý 3 giảm 50% so với cùng kỳ 2021, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn suy thoái chưa?

16/10/2022 12:45 PM | Kinh doanh

Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định những nghiên cứu cho thấy thị trường không nằm trong giai đoạn suy thoái, chưa đến giai đoạn suy thoái.

Theo DKRA Việt Nam, nguồn cung căn hộ mới ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý 3-2022 ghi nhận 4.873 căn, giảm 64% so với quý trước nhưng tăng 39% so với cùng kỳ 2021. Sức cầu chung cũng ở mức thấp ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, phần lớn do tâm lý e ngại vay mua bất động sản, lãi suất tăng cao. 

Đối với thị trường nhà phố, biệt thự tại TP.HCM và vùng phụ cận cũng ghi nhận tình trạng khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn vay đã tác động mạnh mẽ đến sức cầu khiến thanh khoản thị trường giảm. Lượng tiêu thụ ghi nhận ở mức thấp, chỉ đạt 47%, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Trong khi đó, tỉ lệ hấp thụ trong quý 3 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm và lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trước dấu hiệu khó khăn trên, nhiều người đặt câu hỏi liệu thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn suy thoái hay chưa. Trả lời cho câu hỏi này tại chương trình Landshow mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định những nghiên cứu cho thấy thị trường không nằm trong giai đoạn suy thoái, chưa đến giai đoạn suy thoái.

Lượng giao dịch quý 3 giảm 50% so với cùng kỳ 2021, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn suy thoái chưa? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam.

Cụ thể ông Đính cho rằng câu chuyện sụt giảm không phải đến từ nội tại thị trường bất mà đến từ các yếu tố khách quan. Những yếu tố gây sụt giảm đến từ áp lực bên ngoài. Chuyên gia này lấy ví dụ hiện các dự án vẫn rất nhiều, sẵn sàng nhả vào nguồn cung thị trường rất lớn, rất nhiều loại hàng hóa nhưng vì các quy định luật pháp đang có những vướng mắc chưa được phê duyệt.

Tuy nhiên ông Đính cho biết hiện nay Chính phủ cũng đang khẩn trương, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, những điểm vướng mắc như Luật đầu tư, luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở. Đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng trong tháng 10, 11 tới khi Quốc hội họp thảo luận thì sẽ có được những lời giải đầu tiên để các cơ quan, chính quyền phê duyệt được các dự án bất động sản.

Vấn đề thứ 2 được chuyên gia này nhắc đến là dòng vốn của thị trường. Trong bối cảnh quản lý kinh tế vĩ mô, các chính sách tiền tệ đang làm cho dòng tiền bơm vào thị trường bất động sản ít đi. Dòng tiền ít đi dẫn tới sụt giảm các hoạt động giao dịch mua bán. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng chỉ cần chính sách tiền tệ có điều chỉnh tốt hơn thì thị trường sẽ xuất hiện giao dịch tốt.

Một điều quan trọng nhất được ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh là nền kinh tế Việt Nam hiện phát triển rất mạnh, thu nhập người dân tốt, đặc biệt Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng. Các khu du lịch, khu công nghiệp hoạt động hiệu quả thì lại thúc đẩy thị trường bất động sản ở những thị trường mới. Điều này dẫn tới gia tăng nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Một ví dụ cụ thể được chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đưa là là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông chưa hoàn thiện. Hiện Nhà nước đang đầu tư thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tại khu vực này. Khi hạ tầng được nâng cấp sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế, tăng thu nhập người dân từ đó kéo theo nhu cầu nhà ở, dịch vụ. 

Hiện nay cầu cao mà phải kìm nén vì 1 số chưa điều chỉnh đến. Số liệu thì khó khăn nhưng bản chất không phải là vậy. Để đánh giá đầy đủ thì thị trường đang ở trạng thái tốt nhưng đang bị nén nên dừng lại.”, ông Đính kết luận.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM