Lương cứng 5 triệu/tháng vẫn mua nhà 1,5 tỷ, đi du lịch khắp nơi: Người thường xem là lá cải, người khôn ngoan sẽ biết nhìn ra cách để làm giàu!
Nếu nhìn dưới góc độ là một bài viết giải trí thì chẳng có gì đáng nói nhưng đây lại là cơ hội thực sự để mổ xẻ cho bất cứ ai làm ngành nghề gì từ marketing, chính trị, kinh doanh học cách làm sao để sản phẩm, ý tưởng của mình có tiếng vang.
Câu chuyện về một bạn trẻ có mức lương cứng 5 triệu/tháng những vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ, du lịch nhiều nơi bất ngờ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng Việt Nam. Nhiều người trẻ khen có, chê có nhưng không thể phủ nhận bài viết này đã thành công tạo nên hiệu ứng lan truyền- thứ mà bất kỳ người làm marketing hay thương hiệu nào cũng luôn khát khao tìm kiếm.
Câu chuyện này gây tranh cãi bởi việc chi tiêu tiết kiệm cũng như mức lương thấp khó mà có thể làm được những điều như nhân vật trải nghiệm Trang Nguyễn chia sẻ. Nếu nhìn dưới góc độ là một bài viết giải trí thì chẳng có gì đáng nói nhưng đây lại là cơ hội thực sự để mổ xẻ cho bất cứ ai làm ngành nghề gì từ marketing, chính trị, kinh doanh học cách làm sao để sản phẩm, ý tưởng của mình có tiếng vang.
Những nội dung, ý tưởng được "lan truyền" thường có một số đặc điểm chung, hoặc tính chất nhất định. Cách đây vài năm, tác giả nổi tiếng Jonah Berger của cuốn sách Hiệu ứng lan truyền đã cùng các cộng sự phân tích mổ xẻ những hiện tượng tương tự của Trang Nguyễn và phát hiện ra 6 nguyên liệu luôn có mặt. Ông đặt tên cho nguyên tắc này là STEPPS là viết tắt của 6 nguyên tắc.
Sự công nhận xã hội (Social Currency)
Việc nói về một sản phẩm hay ý tưởng sẽ khiến người ta trông như thế nào? Hầu hết mọi người muốn tỏ ra mình thông minh hơn là ngu ngốc, giàu hơn là nghèo, và ngầu thay vì mọt sách. Cũng giống như quần áo chúng ta mặc và chiếc xe ta lái, những gì ta nói sẽ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận chúng ta. Đó là sự công nhận xã hội.
Theo giải thích của Berger, biết về những thứ ấn tượng như một chiếc máy xay sinh tố có thể nghiền vụ iPhone khiến người ta có vẻ luôn theo kịp xu hướng. Tương tự việc biết đến, nói đến một người với mức lương cứng 5 triệu có thể làm nên những thành quả bất ngờ cũng khiến người ta trở nên có vẻ cập nhật, thức thời.
Berger rút ra rằng để khiến mọi người nói đến, người làm marketing hay bất cứ ai cần tạo ra những thông điệp có thể giúp họ đạt được những ấn tượng mong đợi này. Người thực hiện cần phải tìm ra được điểm đáng chú ý nội tại và khiến mọi người cảm thấy mình là trong cuộc. Điểm khiến mọi người chia sẻ, nói đến câu chuyện của Trang Nguyễn chính là thấy mình trong một mức lương thấp, trong mong muốn mua được một căn nhà vừa tiền hay được đi du lịch nhiều nơi.
Sự kích hoạt (Triggers)
Làm cách nào chúng ta có thể nhắc mọi người về sản phẩm và ý tưởng của chúng ta? Sự kích hoạt là các chất kích thích khiến mọi người nghĩ đến những thứ có liên quan. Con người thường nói về những gì xuất hiện trong đầu, vì vậy họ nghĩ về một sản phẩm hay ý tưởng càng nhiều thì chúng càng được nói đến nhiều. Câu chuyện của Trang Nguyễn xuất hiện trong bối cảnh mùa hè, mùa du lịch lớn nhất trong năm cũng như việc mua 1 căn nhà 1,5 tỷ là mong ước của nhiều người trở thành sự kích hoạt lý tưởng cho việc lan truyền.
Berger kết luận cần phải thiết kế sản phẩm, ý tưởng được kích hoạt thường xuyên trong môi trường, tạo ra các kích hoạt mới bằng cách liên kết sản phẩm và ý tưởng với các tín hiệu sẵn có ở môi trường đó. Nghĩ đến điều gì đầu tiên sẽ dẫn tới nói đến điều đó đầu tiên.
Cảm xúc ( Emotion)
Khi chúng ta quan tâm, chúng ta sẽ chia sẻ. Các nội dung lan truyền thường khơi gợi cảm xúc một cách tự nhiên. Những cảm xúc phổ biến thường được chia sẻ là phẫn nộ, kinh ngạc, thú vị. Trường hợp bài viết lương 5 triệu mua nhà 1,5 tỷ chính là khơi gợi thành công cảm xúc kinh ngạc với người đọc.
Công khai (Public)
Liệu mọi người có thể thấy một người sử dụng sản phẩm của chúng ta hay có những hành động mà ta mong đợi? Câu nói nổi tiếng "Monkey see, monkey do" (Khỉ thấy là khỉ làm theo) để chỉ xu hướng bắt chước của con người. Berger cho rằng làm cho một thứ dễ quan sát hơn khiến nó dễ được bắt chước hơn, và dẫn đến việc nó dễ trở nên nổi tiếng hơn.
Một ví dụ cụ thể hơn là một người dễ dàng nhấp chuột like một trang web hay fanpage bán hàng có 1 triệu người đã like thay vì chỉ 10 người. Tương tự với câu chuyện của Trang Nguyễn đã có 200.000 người like và chia sẻ thì dễ dàng nhận được chia sẻ tiếp hơn so với những bài viết khác.
Giá trị thực tế (Practical Value)
Mọi người thích giúp đỡ người khác, vì vậy nếu người làm marketing hay sản phẩm có thể cho họ thấy các sản phẩm và ý tưởng có thể giúp họ tiết kiệm thời gian, cải thiện sức khỏe, hay tiết kiệm tiền, họ sẽ đi phát tán thông tin. Tuy nhiên với tình trạng mọi người bị ngập trong thông tin, người thực hiện cần làm cho thông điệp của mình nổi bật lên hẳn.
Chúng ta cần hiểu điều gì khiến một thứ có vẻ có lợi. Chúng ta cần nhấn mạnh giá trị tuyệt vời mà đem lại về tiền bạc hay một mặt nào khác cũng như gói gọn kiến thức và chuyên môn để người khác có thể chuyển giao dễ dàng. Trong câu chuyện của Trang Nguyễn bên cạnh điều kinh ngạc về khả năng thực hiện điều mà ít người làm được còn là bài học về quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Những câu chuyện (Stories)
Con người không chỉ chia sẻ thông tin, họ còn kể chuyện. Những câu chuyện là phương tiện truyền tải những thứ như đạo đức và các bài học. Thông tin dường như phát tán dưới lớp vỏ sự tán gẫu lúc nhàn rỗi.
Có 2 lý do khiến một câu chuyện dễ được chuyển đổi thông tin bởi: Mọi người ít có khả năng lập luận, phản biện lại những câu chuyện hơn là phản biện lại những tuyên bố quảng cáo. Thứ 2, chúng ta rất dễ bị cuốn vào một câu chuyện về những gì xảy ra với ai đó, nên chúng ta không nhận thức được phải phản đối.
Về người thật như Trang Nguyễn lại càng dễ gây chú ý thay vì thông tin hư cấu hay tưởng tượng. Thương hiệu Subway từng rất thành công với câu chuyện quảng cáo 7 loại thứ ăn hàm lượng chất béo thấp, dưới 6 gram về một anh chàng Jared Fogle dã giảm 111kg nhờ ăn sandwich Subway. Sau 3 tháng áp dụng chế độ ăn trưa chỉ bằng một suất rau củ chay và buổi tối là 1 chiếc bánh sandwich 15cm, Jared đã giảm được gần 46kg.
*Bài viết tham khảo cuốn sách Hiệu ứng lan truyền- Johah Berger.