Con trai cựu CEO Pepsi Phạm Phú Ngọc Trai: Có nhóm máu A, B, O nhưng không có máu lãnh đạo!
Ba lần khởi nghiệp của "công tử nhà giàu" từ trứng nước.
Ba lần khởi nghiệp của "công tử nhà giàu" từ trứng nước
Thực sự tôi không quan tâm lắm đến những lời nói đó mà chính lời nói đó tôi tự nói với bản thân mình rất nhiều. Đó là áp lực của những người thuộc thế hệ F1 có bố mẹ là doanh nhân, nền tảng gia đình vững chắc. Áp lực đó tôi tự đặt ra mỗi ngày.
Đó là câu trả lời thẳng thắn của doanh nhân Phạm Phú Trường- CEO Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, phó chủ tịch thường trực Hội doanh nhân trẻ Tp.HCM, đồng sáng lập Việt Nam CEO Forum khi được hỏi về lợi thế nền tảng gia đình. Ông Trường cũng chính là con trai của doanh nhân nổi tiếng Phạm Phú Ngọc Trai, người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo ở tập đoàn Pepsi.
Ông Trường cho biết không phải tự nhiên mà bố mẹ ông trở thành CEO một tập đoàn lớn thế giới. Thậm chí bố ông còn đi làm tài xế, còn mẹ đi bán bánh mỳ sau đó mới nghiên cứu các công thức sản xuất nước ngọt rồi lập ra Tribeco. Sau này Tribeco liên doanh với Pepsi, thành 100% vốn nước ngoài thì doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai được chọn lên vị trí lãnh đạo.
"Từ đó tôi nghiệm ra lãnh đạo không phải tự sinh ra mà do luyện tập khi đặt vào vị trí đó. Tôi có câu nói vui là có nhóm máu A, B, O nhưng không có máu lãnh đạo", CEO GIBC nhấn mạnh.
Việc sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh doanh cũng khiếp con đường chứng minh năng lực của ông Trường trở nên áp lực và gian nan hơn người khác. Đây cũng là tâm trạng chung cũng những doanh nhân khác như CEO Nguyễn Trung Tín, Shark Lê Đăng Khoa,…
Theo chia sẻ của ông Trường, thời điểm 18 tuổi ông một mặt thích khởi nghiệp một mặt thích âm nhạc mix âm thanh, studio, làm phim,… Đó là thời điểm giao thoa giữa những gì một người trẻ thích và những gì phải làm. Đến một thời điểm ông Trường cũng nhân ra những gì mình thích không hẳn mình sẽ làm tốt nhất.
"Mà những cái mình có điều kiện, nền tảng mình mới phát huy được tốt nhất và tạo cho xã hội giá trị nhiều hơn. Cái đó mình buộc phải làm", doanh nhân này chia sẻ.
Cũng năm 18 tuổi, ông Trường lần đầu tiên khởi nghiệp với chuyện mở quán café kiếm tiền. Tuy nhiên "âm mưu" này ngay lập tức bị phá vỡ bởi bố mẹ và yêu cầu phải tập trung vào việc học. Cuối cùng lần khởi nghiệp đầu thất bại và ông cuối cùng phải nghe lời gia đình.
Trong quá trình học đại học cậu sinh viên tham gia rất nhiều hoạt động đi bán, hội chợ, đi làm thêm rồi thành lập công ty nước rửa tay. "Mình ra thấy mấy anh thợ sửa xe thấy dính dầu mỡ khó rửa, mua hóa chất nhập nước ngoài về làm tuýp rất đẹp, bán giá phải chăng. Nhưng rồi phát hiện ra người thợ đó có phương pháp dơn giản là dùng nước rửa bát", ông Trường chia sẻ. Bài học đầu tiên của mình là thị trường.
Lần khởi nghiệp thứ 2 là về ngành kiến trúc ánh sáng. Nhận thấy các nhà phát triển bất động sản rất cần về thẩm mỹ nhưng họ phải thuê nhà thiết kế ánh sáng ở nước ngoài với chi phí rất cao nên ông Trường nghĩ phải làm ra một công ty thiết kế ánh sáng.
"Dù không phải là kiến trúc sư nên quyết định đi ra nước ngoài học về thiết kế ánh sáng rồi về nước thành lập công ty. Công ty này cũng đã có những sản phẩm để lại như đài truyền hình Tp. HCM hay Cầu rồng Đà Nẵng. Sau này tôi để lại công ty cho các anh chị khác để làm việc khác", CEO Phạm Phú Trường chia sẻ.
Với mong muốn phải khám phá hết tất cả các khả năng của bản thân, để biết được mình cần phải làm gì. Lần thứ 3 ông Trường khởi nghiệp là tham gia lĩnh vực đầu tư khi thành lập quỹ hưu trí đầu tiên VinaWealth tại Việt Nam liên kết cùng VinaCapital.
Về sau này khi thực hiện phát triển dự án Resort 5 sao tại Long Hải lại là cơ hội để ông Trường phát triển năng lực lãnh đạo bởi lúc này ông có tiền, có tầm nhìn nhưng không có phương pháp biến tầm nhìn thành hiện thực. Ông Trường lăn lộn vào thực tế, ăn ngủ tại công trình 5 tháng, ăn mỳ gói, thức đêm, đi như một người giám sát công trình để hiểu bản chất sự việc mới có cách giải quyết các vấn đề.
Cầu rồng Đà Nẵng.
Bài học lãnh đạo quan trọng nhất
Thừa nhận mình may mắn khi được chứng kiến con đường vất vả đi lên từ lãnh đạo doanh nghiệp của bố mẹ mình nhưng ông Trường cũng không quên bài học quan trọng nhất chính là phát triển bản thân trước tiên.
"Bởi vì đó là cách mình có thể thuyết phục được người khác", doanh nhân trẻ này khẳng định.
Theo CEO GIBC, phát triển bản thân nói dễ hiểu gồm phát triển trí và lực. Trí là phát triển trí tuệ bằng cách học. Lực là rèn luyện thể chất để có sức chịu đựng tốt hơn trong môi trường áp lực. Ngoài ra người lãnh đạo còn cần rèn luyện những giá trị khác như sự thấu hiểu người khác và phải hiểu bản thân.
Là doanh nhân trẻ, ông Trường cho biết cái khó của nhà lãnh đạo trẻ là nói người lớn tuổi hơn không nghe vì họ không biết mình làm được gì. Bởi vậy với người lãnh đạo trẻ càng học nhiều, đọc nhiều, học từ các nhà lãnh đạo khác, học từ Youtube, sách vở về những người thành công, cách họ chia sẻ về nhân sinh quan.
Và điều quan trọng nhất mà ai cũng làm được là phát triển bản thân, bất cứ lúc nào mình cũng có thể làm được: Trước khi lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo được bản thân. Cụ thể hơn nữa là người lãnh đạo phải có tầm nhìn cho bản thân, mục tiêu cụ thể và chứng minh cho người khác thấy được hiệu quả và lúc đó mọi người mới tin và sự xuất hiện ảnh hưởng tới người khác.
Ông Phạm Phú Trường hiện là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Trường Lộc, phát triển nhiều dự án kinh doanh resort, khách sạn, khu dân cư nghỉ dưỡng cao cấp (điển hình như resort 5 sao ALMA OASIS LONG HẢI- trước đây là Anoasis Beach Resort, và dự án khu dân cư nghỉ dưỡng cao cấp Đại Phước River Charm rộng 45ha thuộc bán đảo Đại Phước, tỉnh Đồng Nai).
Đồng sáng lập và Phó Chủ tịch của Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaWealth.
Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Hoàng Phát, và là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sóng Việt (kinh doanh dịch vụ sân bay và chuỗi bán lẻ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Hà Nội, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột).
Đồng sáng lập CEO Việt Nam Forum 2012-2015- sự kiện lớn nhất hàng năm dành cho CEO; Ban chấp hành Hội Doanh Nhân Trẻ Hồ Chí Minh (YBA); nguyên phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, một tổ chức được thành lập năm 2006, đóng vai trò như là nơi gặp gỡ uy tín của nhiều nhà doanh nghiệp tại TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu hợp tác phát triển kinh doanh.