Lương 30 triệu đồng/tháng vẫn 'đỏ' mắt tìm không ra người
Cử nhân tiếng Nhật mới ra trường có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, có kinh nghiệm là 20 triệu đồng, còn sang Nhật lao động phổ thông có thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn, đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài" do báo Tiền Phong, Bộ LĐ-TB&XH cùng các đơn vị phối hợp tổ chức ngày 13-11.
Bà Cúc cho rằng hiện có cự ly giữa cung cầu đào tạo và tuyển dụng, cụ thể công ty tuyển rất nhiều vị trí biết tiếng Nhật để phục vụ cho hoạt động công ty nhưng tuyển khá chật vật dù mức thu nhập khá cao. Cụ thể cử nhân mới ra trường làm phiên dịch là 10 triệu đồng/tháng, có kinh nghiệm là 20 triệu đồng/tháng nhưng tuyển không dễ.
Theo đó để chủ động nguồn nhân lực đưa ra nước ngoài làm việc, công ty phải tự tuyển dụng, mua máy móc về đào tạo nghề cho học viên và dạy tiếng Nhật thay vì đi tuyển bên ngoài. Cùng đó công ty còn chủ động tìm đến các tỉnh, thành hỗ trợ lao động tại các địa phương học tiếng Nhật, kỹ năng làm việc, thái độ ứng xử để người lao động có kiến thức, kỹ năng khi ra nước ngoài làm việc.
Bà Cúc thông tin thêm hiện thị trường Nhật Bản cần tuyển rất nhiều lao động ở nhiều ngành nghề, đặc biệt ngành điều dưỡng đang khan lao động để phục vụ tại các cơ sở y tế, chăm sóc người già. "Với nghề điều dưỡng tại Nhật mỗi tháng có thu nhập 40 triệu đồng và có cơ hội ở lại lâu dài. Ngoài ra, Nhật cũng có nhu cầu tuyển lao động bậc cao là kỹ sư có thu nhập cao và có tiêu chuẩn người thân sang thăm" - bà Cúc cho hay.
Theo bà Cúc, với thực tập sinh trở về từ Nhật không sợ thiếu việc làm, vì các công ty Nhật tại Việt Nam luôn chào đón đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng làm việc cao và sẵn sàng trả lương cao hơn 30% so với lao động trong nước cùng vị trí công việc.
Thực tập sinh Việt Nam làm thủ tục lên máy bay để sang Nhật làm việc trong các siêu thị. Ảnh: P.ĐIỀN
Để gắn kết hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), hiến kế: Doanh nghiệp cung cấp cho nhà trường các chương trình đi học tập, làm việc, độ tuổi, ngoại ngữ để nhà trường đưa vào thông tin tuyển sịnh, tư vấn học nghề, việc làm. Cùng đó, doanh nghiệp chia sẻ quy trình đánh giá của nước tiếp nhận lao động để nhà trường áp dụng vào thực tế giảng dạy.
Ngược lại, nhà trường đồng hành cùng doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, kỹ năng mềm trong suốt quá trình đào tạo để khi học sinh, sinh viên ra trường có thể bắt tay vào làm việc ngay.
Khái quát về thị trường lao động các nước, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, thông tin thêm: Hiện có 350 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Các thị trường hút nhiều lao động Việt Nam là Đài Loan , Hàn Quốc , Nhật, châu Âu và Saudi Arabia.
Năm năm trước đây mỗi năm chỉ có hơn 5.000 lao động trong nước sang các nước làm việc, còn hiện tại con số này tăng lên hàng chục lần. Cụ thể trong năm 2017 có 135.000 lao động ở nhiều trình độ, ngành nghề sang các nước làm việc.
Trong đó nổi lên là thị trường Nhật vốn rất khó tính bởi chủ sử dụng lao động yêu cầu cao về tiếng Nhật, kỹ năng nghề, tuy nhiên những năm gần đây số lượng lao động sang Nhật tăng vượt bậc, riêng trong năm 2017 có 55.000 thực tập sinh đến Nhật làm việc. "Dù yêu cầu khắt khe nhưng thị trường Nhật có thu nhập cao, kỷ luật lao động tốt và nhiều chính sách, cơ hội việc làm đối với lao động khi về nước" - bà Hà chia sẻ.
Ngược lại, thị trường Đài Loan dễ thở hơn vì yêu cầu không quá khắt khe nên số lượng lao động trong nước xuất cảnh sang làm việc nhiều nhất. Đáng chú ý, hiện Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản đang có xu hướng tuyển dụng nhân sự trong ngành điều dưỡng, hộ lý rất lớn, những công việc này có thu nhập cao, có cơ hội định cư lâu dài ở nước sở tại.