"Luôn có người phải ra đi, nhân sinh đâu thiếu những câu chuyện buồn": Bi thương chính là phương thuốc tốt giúp trị liệu tinh thần cho bạn
Đời người rất ngắn, tụ tán không do mình, bi hỉ cũng chẳng phải tại người. Tận hưởng hiện tại, nhưng đồng thời cũng thản nhiên trước những bi thương, khó khăn của cuộc sống, có lẽ, đó mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống!
01
Cuộc sống là một hành trình đến và đi, là một sự trải nghiệm
D., là một ca sỹ, anh từng chia sẻ về cảm hứng sáng tác của mình trong một chương trình truyền hình rằng: "Trước khi trở thành một ca sĩ, tôi từng có thời gian học ngành điều dưỡng và từng đi thực tập ở bệnh viện, trong khoảng thời gian đó, tôi đã đối mặt với không biết bao sự ra đi của bệnh nhân, và một trong số đó chính là mẹ của tôi. Nghĩ lại, đó thực sự là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn, nhưng nếu không có những ngày tháng đó, sẽ không có tôi của ngày hôm nay, tất nhiên, nếu bảo tôi lựa chọn lại lần nữa, tôi chắc chắn không muốn trải nghiệm nó thêm một lần nào nữa."
Người thân ra đi, ai mà chẳng buồn, thực tế trên thế giới này, mỗi ngày cũng không thiếu người rời đi. Theo thống kê, trên thế giới, cứ mỗi giây là sẽ có 1,8 người ra đi, tức là 106 người ra đi mỗi phút, một giờ là 6.360 người, một ngày là 152.640 người và một năm là 55.713.600 người.
Con số này có thể khá đáng sợ, nhưng nó cũng nói lên một điều rằng, chúng ta cứ chớp mắt một cái, là trên thế giới sẽ có một người ra đi. Chẳng ai muốn chuyện buồn này xảy tới, bởi lẽ chúng ta sống là để đi tìm, đi tìm cảm giác an toàn, đi tìm chỗ dựa, đi tìm cảm giác quen thuộc, thân thương, trong khi, những sự thân thương, quen thuộc ấy lại không thể ở bên chúng ta cả đời…
02
Bi thương là liều thuốc trị liệu tốt
"Trong cái thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay, không có gì là vĩnh hằng."
Đi qua nửa đời người rồi mới thấu, thứ khó quên nhất, chính là những tháng ngày từng đau khổ, buồn bã. Bởi vì có đau khổ, buồn bã rồi mới biết hạnh phúc là gì. Cũng giống như những người phải sống trong chiến tranh liên miên, thứ họ khao khát là hòa bình; nhưng đứa trẻ mồ côi, chúng khao tình thân; người mù lại càng trân trọng thế giới rực rỡ đầy màu sắc; người bị bệnh nặng mới phát hiện ra thời gian đáng quý tới nhường nào.
Người ta thường nói, tai nạn, thảm họa, là nguồn gốc của sự sáng tạo. Trải qua thảm cảnh mất cả gia tộc, Tào Tuyết Cần viết ra tác phẩm kinh điển "Hồng Lâu Mộng", ngọn lửa mang tính tàn phá lớn vào tối ngày 15/11/1864 đã tạo ra cảm hứng cho Margaret Mitchell viết ra cuốn tiểu thuyết kinh điển "Cuốn theo chiều gió" …
Hartley Coleridge từng nói trong bài luận "Atrabilious Reflections upon Melancholy" (tạm dịch: Những suy ngẫm u sầu về nỗi buồn) của mình rằng, so với niềm vui, nỗi buồn là một trạng thái tư duy tinh tế hơn. Ông nói: "Nỗi buồn là nàng thơ duy nhất, cô ấy là Thalia và Melpoménē, cô ấy truyền cảm hứng cho John Milton, Miguel Ángel và William Hogarth. Tất cả các thiên tài đều u sầu. Những người có tài năng về hài kịch thậm chí còn buồn hơn. "
Nỗi buồn quả thực là nguồn cơn của sự sáng tạo, bởi lẽ nỗi buồn có thể khiến chúng ta biết thế nào là hiện thực, thế nào là yêu thương. Người từng vấp ngã, từng thất bại, từng rơi xuống đáy vực mới biết thế nào là chân tướng cuộc sống.
Ba tôi khi mới khởi nghiệp, không biết vớ được vận may gì, dù còn rất trẻ tuổi những công việc làm ăn lại rất phát đạt, khi đó, bên cạnh ba có rất nhiều bạn bè, ngày mấy bữa nhậu không hết bạn, khi đó, ba cho rằng ai cũng là anh em tốt, ai cũng phải giúp đỡ.
Sau đó, việc làm ăn của ba xảy ra chút vấn đề, sự nghiệp bắt đầu xuống dốc, không đủ vốn xoay vòng, khi bất lực tới nước đi vay tiền, ông mới phát hiện ra, những người anh em tốt từng cùng mình nhậu nhẹt tối ngày giờ đều tìm cớ chạy trốn, giống như chạy trốn một "con chó dại" vậy.
Khoảng thời gian đó, ba tôi như già đi chục tuổi, tóc bạc nhiều hơn. Kể từ sau đó, ba tôi không còn đâm đầu vào ăn chơi hưởng lạc nữa, cũng chẳng có cái gọi là anh em tốt nữa, một mình nỗ lực phấn đấu đêm ngày, công việc làm ăn lại dần dần chuyển biến tốt, một vài người "anh em" quay ra giải thích với ba tôi, nhưng ba tôi chỉ cười mà cho qua.
Sau này, ba nói với tôi: "Cuộc sống, vốn dĩ luôn chỉ có một mình, bạn bè, con tin tưởng thì sẽ có, nhưng con người ta ý à, lại thường hay thích tự lừa dối mình".
Trải qua khó khăn, ba tôi đã thay đổi rất nhiều.
Con người ta, cứ phải trải qua cái gì đó thì mới trưởng thành lên được, sự giác ngộ vĩ đại sau mỗi nỗi buồn, mỗi khó khăn, thất bại, nó tốt hơn vô số các sách hiền triết, bởi lẽ chính nỗi đau buồn là một liều thuốc tốt, khi nỗi buồn đạt tới cực điểm, thuốc sẽ phát huy tác dụng và giúp bạn khỏi bệnh.
03
Bi hỉ giao thoa, đó mới là thường thái
Đời người, rốt cuộc phải trải qua bao nhiêu sự bi thương và vất vả?
Có người nói rằng: "Bất cứ ai, bất kể quốc tịch dân tộc tuổi tác ra sao, họ đều sẽ trải qua một vài khổ nạn. Nếu theo như tuổi thọ trung bình trước mắt, tính theo độ tuổi 75 thì chúng ta đều sẽ phải trải qua 3 sự kiện lớn trong đời."
Thực ra, không ai có thể đếm được con số chính xác của hạnh phúc và nỗi buồn, nhưng khó khăn, khổ nạn là điều mà ai cũng phải trải qua, bởi lẽ bi hỉ giao thoa, đó mới là cuộc đời,
Ngày trước, đọc các tác phẩm của Nam Cao, cảm thấy một vài nhân vật trong tác phẩm của ông rất đáng thương, nhưng giờ mới phát hiện ra, nhân vật dưới ngòi bút của ông mới là sự chân thực của thế gian, họ khích lệ sự trọn vẹn nhưng lại chết trong sự tiếc nuối, khi cuộc đời chưa được vẹn tròn.
Một Chí Phèo, là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh, hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện, họ phải được sống và sống hạnh phúc;
Một Lão Hạc chết để bảo toàn lòng tự trọng của mình, không để cho cái đói, cái nghèo dồn vào con đường tha hóa như Binh Tư.
Họ vốn dĩ đều là những con người lương thiện, chân chất, nhưng số phận bi thảm lại hết lần này tới lần khác nhắm vào họ mà công kích, sống ở dưới đáy của xã hội, không thể nắm bắt vận mệnh của mình, cuối cùng ra đi một cách tức tưởi.
Họ cũng đã từng có hi vọng và vui vẻ, hoặc là, chính sự bi thương, mới cấu thành nên cái gọi là "nóng lạnh nhân gian", mới là cuộc đời, bởi lẽ, cuộc đời không chỉ đơn sắc có một màu hồng, nó còn có những mảng xám và tối mà chúng ta không ai muốn đối mặt.
Đời người rất ngắn, tụ tán không do mình, bi hỉ cũng chẳng phải tại người. Tận hưởng hiện tại, nhưng đồng thời cũng thản nhiên trước những bi thương, khó khăn của cuộc sống, có lẽ, đó mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống!