Luật ngầm thanh lý hàng thua cá độ World Cup giúp tiệm cầm đồ "hốt bạc"
Con bạc thua cá độ World Cup “bỏ của chạy lấy người” không hiếm khiến tiệm cầm đồ ồ ạt rao bán tài sản của khách giá rẻ. Nhưng đằng sau rao bán đó là luật ngầm giúp cầm đồ hốt bạc.
Mùa giải World Cup 2018 bước vào giai đoạn kết thúc cũng là lúc dậy lên cơn sốt xả hàng, thanh lý tại tiệm cầm đồ . Đây hầu hết là tài sản không thể chuộc, quá đáo hạn của các con bạc thua đậm cá độ.
Theo Hoàn (chủ một tiệm cầm đồ trên phố Cầu Giấy, Hà Nội), gần hết mùa giải, tiệm cầm đồ của anh này đang "ôm" lô điện thoại gồm 18 chiếc với đủ thương hiệu. Quá hạn, nhiều con bạc không thể chuộc, nên cửa hàng đang phải rao bán lại để cắt lỗ.
Tại cửa hàng cầm đồ trên đường Láng, chủ cửa hiệu cho hay, do hàng tồn nhiều nên đã quyết định giảm, bán rẻ cho khách dễ mua để mau thu hồi vốn. Tại đây, chủ tiệm đang để lại chiếc iPhone 7, pin tốt với giá 9 triệu, laptop hiệu Asus Core i5 giá chỉ 8 triệu đồng. Hai chiếc xe máy Wave có giá 6 triệu đồng. Với mức giá như vậy, tiệm cầm đồ này luôn tấp nập "kẻ vào người ra".
"Em không lấy lát có người lấy ngay, vì giá anh đưa quá hời, và đây là cái cuối cùng đấy", chủ tiệm không ngừng quảng cáo cho chiếc laptop mà khách hàng đang tần ngần hỏi mua.
Khảo sát tại nhiều cầm đồ ở Hà Nội, rất nhiều mặt hàng đang cần thanh lý như tivi, máy quay, xe máy với đủ các tính năng, mức giá khác nhau nhằm thu hút khách hàng. Hầu hết các hàng này đều được rao bán kèm những lời quảng cáo "giá rẻ bèo", "rẻ như cho", "giá mùa World Cup".
Nhiều cửa hàng cho biết, chỉ có khoảng 1/3 tài sản cầm cố được chuộc lại, đây đều là những món đồ có giá trị lớn. 2/3 số được để lại là đã hết đáo hạn hoặc được tiệm cầm đồ mua lại của con bạc.
Nhiều mặt hàng được gắn biển thanh lý khi mùa giải World Cup 2018 bước vào vòng cuối.
Thị trường thanh lý đồ World Cup online cũng sôi động không kém, khi không ít nhà cái, chủ tiệm cầm đồ than hàng tồn, cần bán nhanh nên để giá tốt cho khách. Nhiều hội nhóm được thành lập nhằm thu mua, thanh lý đồ cũ với "giá World Cup", tức là thấp hơn giá thị trường.
Để tránh bị giành giật khách, các nhóm này yêu cầu khách và người bán sẽ nhắn tin, gọi điện thỏa thuận mua bán riêng.
Mặc dù chủ tiệm cầm đồ khẳng định đang xả hàng, bán cắt lỗ, tuy nhiên, khi tìm hiểu, tất cả số hàng đang được gắn mác giá rẻ đều được cầm cố với hơn phân nửa giá trị thật của tài sản. Một số mặt hàng đã bị ép giá, mua lại của con bạc. Theo mức giá mà các chủ tiệm đưa ra cho từng mặt hàng thì ước tính có thể thu lãi gần gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
"Những tài sản này không hề rẻ hơn giá bán trên thị trường. Ví dụ, một chiếc iPhone 7 cầm đồ bán lại có giá 7 triệu đồng, thì thực sự nó được cắm lấy 3 triệu đồng, trong thời gian ngắn từ 3-4 ngày. Khi khách bỏ lại máy, chủ tiệm bán với mức 7 triệu đồng đã là lãi gấp đôi rồi", anh Tiến (một người kinh doanh điện thoại ở Hà Nội) nhận định.
Theo một dân buôn mùa World Cup, khách hàng khó có hy vọng mua được món hàng giá rẻ hơn tại các tiệm cầm đồ khác, bởi gần như các tiệm cầm đồ cùng khu vực đã có luật ngầm, đưa chung một mức giá bán cho hàng cắm.
"Điều này cũng tương tự như đối với các con bạc, giá tiền cắm đồ sẽ chỉ có mức thấp hơn hoặc tương tự, chứ không thể cao hơn khi đến cửa hàng khác. Đây là cách ép giá tài sản, nhất là vòng cuối World Cup, con bạc khát tiền, và lượng người đến cầm cố đông hơn", anh này nói.
Theo phân tích của nhiều tiểu thương chuyên thu mua, bán hàng thanh lý, tình trạng nhiều người trà trộn đăng tin bán hàng cầm đồ, thanh lý hàng World Cup để lừa khách hàng cũng không hiếm vì đánh vào tâm lý ham mua đồ rẻ và nhầm lẫn, cho rằng hàng cắm chất lượng hơn những hàng trôi nổi trên thị trường.
"Chưa tính số tiền lãi thu về từ con bạc, nguyên bán cao gấp đôi giá cầm cố thì chủ tiệm đã kiếm đủ. Nếu có hàng rẻ thật thì đó là hàng đã bị luộc đồ hoặc là không rõ nguồn gốc, có tranh chấp thôi", một tiểu thương khẳng định.