Lớp trưởng, sao đỏ được trao quá nhiều quyền: Giáo viên quá thiếu kỹ năng sư phạm

14/10/2016 09:29 AM | Sống

“Với tư cách là một giáo viên, tôi phản đối việc giáo viên cho phép cán bộ lớp cầm thước đi quanh lớp để dọa nạt, quát tháo, thậm chí là đánh bạn cùng lớp vì quên đồ dùng học tập hay phạm một lỗi nào đó”, một giáo viên cho hay.

Trong bài “Lớp trưởng, sao đỏ được trao quá nhiều quyền: Tiếp tay cho bạo lực học đường?” , báo Infonet đã đề cập tới vấn đề, hiện nay ở một số trường, lớp trưởng, lớp phó, sao đỏ được trao quá nhiều “quyền lực” gây đến khá nhiều hệ lụy. Nhất là khi các em được phép cầm thước đánh bạn học trong lớp đã vô tình tạo nên một lối giáo dục bạo lực và gây nên những phản ứng trái chiều từ phía phụ huynh.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện cùng một giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Giáo viên này cho hay: “Có thể nói, cán bộ lớp chính là sợi dây liên kết giữa học sinh và giáo viên. Trong lớp có những chuyện gì thì cán bộ lớp sẽ là người nắm rõ hơn cả và khi các em báo cáo thì giáo viên mới biết. Hơn nữa, một lớp lại vài chục học sinh, giáo viên cũng khó lòng kiểm soát hết.

Vì thế, giáo viên rất tin tưởng và giao việc quản lớp cho lớp trưởng, lớp phó cũng như bộ phận sao đỏ. Đồng ý việc giáo viên giao quyền quản lớp cho các cán bộ để đảm bảo lớp học trật tự và có nề nếp.

Tuy nhiên, việc giao quyền cho cán bộ lớp phải có định hướng rõ ràng vì các em đang ở độ tuổi chưa trưởng thành, nhiều khi chưa phân biệt được đúng, sai.

Với tư cách là một giáo viên, tôi phản đối việc giáo viên cho phép cán bộ lớp cầm thước đi quanh lớp để dọa nạt, quát tháo, thậm chí là đánh bạn cùng lớp vì quên đồ dùng học tập hay phạm một lỗi nào đó.

Giáo viên nào cho phép điều đó là thiếu kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng làm chủ nhiệm lớp.

Bởi lẽ, về cơ bản, các bạn trong một lớp có quyền bình đẳng như nhau, không ai được phép quát tháo, dọa dẫm, gây sức ép và đánh đập ai. Nếu để trẻ được đánh bạn khi bạn vi phạm nội quy là chúng ta đang tiếp tay cho trẻ tới gần hơn với nạn bạo lực học đường.

Ngay từ cấp 1, các em đã được giao quyền đánh đập, dọa nạt người khác sẽ hình thành nên trong đầu các em bệnh “hoang tưởng” sức mạnh, rồi hệ lụy sau đó là không coi ai ra gì, gặp là đánh, rất nguy hiểm.

Thực ra, những học sinh được chọn làm cán bộ lớp cũng không hề “sung sướng” gì. Nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy những bạn làm lớp trưởng, lớp phó khá thiệt thòi, nhất là khi được giao quyền “được đánh”.

Khi được giao quyền mà không có định hướng, những đứa trẻ dễ trở nên hung hăng, hành xử thô bạo, rồi “lạm quyền” mà bắt nạt các bạn khác. Cũng có những cán bộ lớp nhiều khi lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, nếu mách cô thì bị các bạn khác không chơi cùng, nếu không báo cáo giáo viên lại bị phạt.


Học sinh đánh nhau (ảnh: Thanh Niên)

Học sinh đánh nhau (ảnh: Thanh Niên)

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Nếu thực sự có việc giáo viên cho phép cán bộ lớp đánh học sinh trong lớp thì điều đó là sai hoàn toàn.

Giáo viên ấy cần uốn nắn và trao đổi lại ngay với ban cán sự lớp về vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong ban cán sự lớp để tránh những việc không tốt sẽ xảy ra.

Hiện nay, một số trường đang áp dụng mô hình VNEN, trong đó lớp trưởng được gọi là Chủ tịch Hội đồng quản trị, lớp phó là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

Điều này cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học bởi vì khi các em được gắn mác “chủ tịch, phó chủ tịch”, các em có thể bị nhiễm tư tưởng tự mãn, tự cao tự đại vì những chức danh cứng cỏi vô hồn ấy.

Tâm lý thích ra oai, làm "đại ca" là khá phổ biến của học sinh. Điều này sẽ dần hình thành một lối sống “lạm chức, lạm quyền” và dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách sống cho các em sau này.

Để tránh tình trạng này, giáo viên nên luân phiên cho các học sinh được giữ chức cán bộ lớp. Ban cán sự có thể được lập theo hình thức tự ứng cử hoặc do tập thể lớp bầu chọn để người làm Ban cán sự có trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cần định hướng cho Ban cán sự lớp biết được vai trò, trách nhiệm của mình là hỗ trợ và giúp đỡ giáo viên cũng như các bạn trong lớp”.

Theo Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM