'Lỗi thời theo kế hoạch' - tuyệt chiêu khiến Uniqlo vẫn phát triển, sánh ngang cùng Zara và H&M dẫn đầu ngành công nghiệp thời trang
Thay vì gia nhập vào cuộc chạy đua về giá, Uniqlo, H&M và Zara phát triển mạnh mẽ bằng cách nắm bắt những bài học từ các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.
7 năm trước, nền kinh tế thế giới vẫn đang tìm cách phục hồi kể từ sau cuộc đại suy thoái. Từ năm 2012 đến nay, ngành thời trang chứng kiến sự thất bại của các thương hiệu đình đám như Macy, Forever 21, điều này để lại lỗ hổng lớn trong phân khúc bán lẻ, một số người còn coi đây là thời khắc sụp đổ của ngành thời trang. Tuy nhiên, vẫn có các công ty khác bằng việc phá vỡ các quy tắc thông thường và định hình lại doanh nghiệp, họ đã phát triển mạnh mẽ và trở thành các nhà mốt thời trang hàng đầu.
Ba công ty nổi bật trong số đó là: Uniqlo, công ty con của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản (FRCOY); H&M (Hennes & Mauritz AB), gã khổng lồ bán lẻ quần áo Thụy Điển và Zara (Inditex ITX-U.TI), công ty lớn nhất trong cả ba thuộc sở hữu của một gia đình Tây Ban Nha.
Thay vì gia nhập vào cuộc chạy đua về giá, Uniqlo, H & M và Zara phát triển mạnh mẽ bằng cách nắm bắt những bài học từ các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Tại Uniqlo, người sáng lập và chủ tịch Tadashi Yanai đã áp dụng cách tiếp cận từ ngành công nghiệp ô tô vào cách phân loại sản phẩm của công ty. Ông xác định các kiểu quần áo nào không bị lỗi thời nhanh chóng, áp dụng thiết kế cho Uniqlo và sau đó thiết lập chuỗi cung ứng để có thể đưa chúng đến với người tiêu dùng.
Giống như ngành công nghiệp công nghệ, Uniqlo đã theo đuổi chiến lược "lỗi thời theo kế hoạch". Cách tiếp cận của Yanai nhằm mục đích thúc đẩy người tiêu dùng cập nhật liên tục tủ đồ của mình dựa trên những xu hướng đã được xác định sẵn. Điều đó đồng nghĩa với việc chu kỳ phát triển sản phẩm dài hơn và phong cách đơn giản, thông thường sẽ phù hợp và thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.
Nhờ áp dụng công nghệ, Uniqlo hiện là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ ba thế giới
Ngày nay, Uniqlo là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ ba thế giới (xếp hạng theo doanh thu), trước Gap, Inc. và xếp sau H&M.
Năm 2012, H&M cũng đã cập nhập công nghệ cho các chuỗi cửa hàng của mình, công ty đã xây dựng một cơ sở hạ tầng CNTT toàn cầu, kết nối các cửa hàng với hệ thống mua sắm và hệ thống kho bãi. Các hệ thống CNTT cũng được tích hợp trong khâu thiết kế và phát triển sản phẩm từ đó các giám đốc điều hành có thể giám sát toàn bộ quá trình, từ việc thiết kế sản phẩm đến khâu bán hàng.
Thương hiệu Inditex Zara cũng làm như vậy, thay vì ký hợp đồng với các nhà máy sản xuất ở châu Á, Zara đã xây dựng hơn 10 nhà máy tự động hóa cao ở Tây Ban Nha. Ở đây, robot sẽ làm các công đoạn tạo ra các sản phẩm thô ban đầu như cắt, nhuộm vải. Điều này giúp Zara có thể cung cấp các sản phẩm quần áo với phong cách hợp thời cùng giá cả phải chăng.
Xếp theo doanh thu, Zara là công ty lớn nhất trong số ba công ty với tỷ suất lợi nhuận cao và là nhà bán lẻ thời trang được xếp hạng hàng đầu trên thế giới
Giống như Uniqlo, Zara cũng ứng dụng từ công nghệ sản xuất ô tô. Các nhà máy của họ sử dụng phương pháp kiểm kê hàng tồn kho thời gian thực do Công ty ô tô Toyota tiên phong. Xếp theo doanh thu, Zara là công ty lớn nhất trong số ba công ty với tỷ suất lợi nhuận cao và là nhà bán lẻ thời trang được xếp hạng hàng đầu trên thế giới dựa trên tổng lợi nhuận, theo báo cáo của McKinsey & Co.
Bảy năm trước, Mickey Drexler, cựu Giám đốc điều hành của J. Crew khi được hỏi quan điểm về ngành thời trang đã chia sẻ với CNBC: "Hiện tại, chúng ta có quá nhiều nhà bán lẻ". Kể từ thời điểm đó, giống như ngành công nghiệp ô tô trong thế kỷ qua, ngành bán lẻ đã được hợp nhất lại. Trong báo cáo State of Fashion năm 2019, McKinsey & Co. chỉ ra rằng giá trị của cả ngành thời trang đang được tạo ra bởi 1 nhóm nhỏ các công ty. Theo tính toán của McKinsey năm 2010 có 20 công ty thời trang hàng đầu chiếm 70% giá trị được tạo ra trong ngành, ngày nay con số này là 97%.
Điểm chung của các thương hiệu thời trang đã thất bại và sụp đổ là đều chạy theo xu hướng ngắn hạn, những nhà bán lẻ gặp khó khăn khi các nhóm đầu tư mạo hiểm đầu tư đổ tiền vào ban đầu và sau khi có được chút lợi nhuận thì sẽ bán hết số cổ phần đang sở hữu. Ngành thời trang để có thể thành công cần một kế hoạch bền vững và dài hạn hơn.
Có một sự thật thú vị về 3 nhà bán lẻ hàng đầu là họ đều thuộc sở hữu và kiểm soát bởi những người sáng lập hoặc của một gia đình chứ không phải của phố Wall và đều có sự phát triển nhìn chung là chậm nhưng ổn định. Theo báo cáo doanh thu hàng năm được đo bằng đồng nội tệ của 3 công ty (yen, krona và euro), Uniqlo, H&M và Inditex đều có cùng tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 10% một năm kể từ 2012 đến 2018. Đó không phải là tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng nó bền vững, dự báo rằng dù tiếp theo bảy năm nữa, mọi thứ vẫn sẽ phát triển ổn định và họ vẫn sẽ dẫn đầu trong cuộc đua bán trong ngành lẻ thời trang.