Lợi nhuận của 3 ông lớn hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và ACV cùng "thăng hoa" trong quý 1

12/05/2018 09:28 AM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp hàng không đều có mức lãi vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu lợi nhuận ngành hàng không là VietjetAir khi công bố mức lợi nhuận sau thuế tăng 263% so với cùng kỳ, ACV đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 88% còn Vietnam Airlines có mức tăng trưởng thấp nhất cũng đạt hơn 41%.

Thị trường vận tải hàng không Quý I/2018 tăng trưởng vượt dự báo trên cả đường bay quốc tế và nội địa với 16,6 triệu lượt khách tổng thị trường. Đó là động lực chính giúp cổ phiếu ngành hàng không đều đạt được những kết quả khả quan trong quý này. Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Hose: VJC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UPCom: ACV) đều đạt được những mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, tuy nhiên nguyên nhân của sự tăng trưởng đến từ những nguồn khác nhau.

Tăng trưởng doanh thu

 Lợi nhuận của 3 ông lớn hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và ACV cùng thăng hoa trong quý 1  - Ảnh 1.

Xét về quy mô doanh thu, Vietnam Airline có mức doanh thu quý 1 cao gấp 2 lần so với đối thủ cạnh tranh Vietjet Air.

Quý 1/2018, Vietnam Airlines vận chuyển gần 5 triệu lượt hành khách, tăng 5% so với cùng kỳ và khai thác gần 33.000 chuyến bay an toàn, tăng 4,3% so cùng kỳ. Q1/2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất ước đạt gần 24.411 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 13,30% so với cùng kỳ (doanh thu bình quân của khách nội địa tăng 9,32%, quốc tế tăng 13,76%; doanh thu thuê chuyến tăng mạnh 39,81%...)

Còn đối với Vietjet Air, trong 3 tháng đầu năm 2018, Vietjet đã thực hiện 28.830 chuyến Trong Qúy 1, công ty cũng công bố kế hoạch mở đường bay quốc tế tới Ấn Độ và Úc, nằm trong chiến lược mở rộng mạng bay quốc tế sau khi đã phủ kín mạng bay nội địa.

Doanh thu Q1 của Vietjet Air đạt 12.560 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách (doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa tăng 37% so với cùng kỳ do số tàu trong kỳ tăng lên đến 54 chiếc so với 39 chiếc của cùng kỳ), doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Nhờ việc tăng cường thêm đội tàu bay mới, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 6.035 tỷ đồng, tăng 52% so với quý I/2017 và vượt gần 10% so với kế hoạch.

Không có được sự tăng trưởng như Vietjet Air và Vietnam Airlines, doanh thu trong kỳ của ACV chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.932 tỷ đồng.

Lợi nhuận nghìn tỷ

 Lợi nhuận của 3 ông lớn hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và ACV cùng thăng hoa trong quý 1  - Ảnh 2.

Tuy doanh thu chỉ bằng 1 nửa so với Vietnam Airline nhưng Vietjet Air mới là quán quân về lợi nhuận sau thuế (LNST) trong 3 công ty.

Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Vietjet quý này đạt hơn 1.480 tỷ đồng, tăng 254% so với quý I/2017. LNST của cổ đông công ty mẹ là 1.366 tỷ đồng, tăng 263%. Lý do khiến LNST của Vietjet Air tăng mạnh là bởi doanh thu tăng thì công ty còn có phát sinh khoản doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê 4 tàu trong khi cùng kỳ Q1/2017 không có hoạt động chuyên giao sở hữu và thuê tàu.

So sánh với Vietjet Air, Vietnam Airline có mức lợi nhuận gộp đạt 3.625 tỷ đồng, cao gấp đôi so với lợi nhuận gộp của Vietjet Air. Tuy nhiên, các loại chi phí của doanh nghiệp này cao hơn rất nhiều so với bậc "đàn em". Cụ thể, chi phí tài chính của Vietnam Airlines lên tới 787 tỷ đồng (gấp 3,9 lần), chi phí bán hàng 1.288 tỷ đồng (gấp 7,7 lần) còn chi phí quản lý doanh nghiệp là 528 tỷ đồng (gấp 8,6 lần) so với Vietjet Air.

LNST hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 52% so với kỳ trước. Trong đó, LNST của công ty mẹ chỉ đạt 711,5 tỷ đồng. Như vậy, sự tăng trưởng của lợi nhuận hợp nhất còn phải kể đến sự đóng góp của các công ty con như JPA, TCS, Nasco…

ACV là đơn vị quản lý và vận hành các sân bay. Tuy mức doanh thu chỉ tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ, doanh nghiệp này báo cáo mức lãi trước thuế đạt 1.192 tỷ đồng, tăng hơn 88% so với cùng kỳ nhờ vào việc cắt giảm các loại chi phí và tăng doanh thu tài chính.

Cụ thể, giá vốn hàng bán của ACV giảm tới 15% do chi phí khấu hao tài sản giảm do một số tài sản đã hết khấu hao. Điều này dẫn tới mức lợi nhuận gộp đạt 2.009 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. ACV tiết kiệm được gần 30 tỷ đồng chi phí bán hàng, 20 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng gần 70 tỷ so với cùng kỳ so lãi tiền gửi tăng mạnh. Chỉ có chi phí là tăng lên so với cùng kỳ, đạt 964 tỷ đồng, trong đó có hơn 930 tỷ đồng là phần lỗ chênh lệch tỷ giá. Hết quý 1, ACV ghi nhận LNST đạt 975 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bảo An

Từ khóa:  hàng không
Cùng chuyên mục
XEM