Lời khuyên của người đàn ông nghỉ hưu năm 34 tuổi, mất 600.000 USD/đêm vì Covid-19: Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên ‘lãng phí’
Lần đầu tiên sau thời gian dài, gia đình Sam Dogen buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu để phù hợp với hoàn cảnh và chuẩn bị tốt hơn về mặt tài chính trong tương lai.
Dưới đây là câu chuyện của Sam Dogen, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư tại Mỹ:
Năm 2012, tôi nghỉ hưu sớm ở tuổi 34 và vài năm sau, vợ tôi cũng nghỉ việc. Lúc đó, tổng tài sản của chúng tôi trị giá 3 triệu USD. Trong hơn 7 năm qua, chúng tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc khi khối tài sản của mình tăng trưởng ổn định. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Khi chỉ số S&P giảm sâu vào tháng 3, chúng tôi đã mất hơn 600.000 USD. Bên cạnh đó, chúng tôi có mất đi 3.000 USD thu nhập mỗi tháng từ việc cho thuê bất động sản trong khi vẫn phải trả khoản trả góp hàng tháng trị giá 2.480 USD.
Tuy chúng tôi vẫn cảm thấy may mắn khi không chịu ảnh hưởng quá nặng nề như người khác nhưng suy thoái kinh tế diễn ra nhanh đến mức tôi thậm chí còn tính đến phương án đi làm trở lại để tăng cường tài chính.
Ngoài ra, để bù đắp cho những mất mát trên, vợ tôi đã đưa ra một chiến lược tài chính mới cho cả gia đình:
Cắt giảm chi phí sinh hoạt
Trong 15 tháng qua, khoảng 60% (13.260 USD) thu nhập thụ động hàng tháng của chúng tôi (22.100 USD) dùng để chi cho chi phí sinh hoạt.
Từ tháng 4, chúng tôi cố gắng cắt giảm ít nhất 32% (chỉ tiêu 9.017 USD/tháng). Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng để đầu tư vào nhiều cơ hội bất động sản hơn.
Việc cắt giảm các chi phí sinh hoạt không dễ dàng gì, đặc biệt là khi đang nuôi một cậu con trai 3 tuổi và một bé gái 5 tháng tuổi ở một thành phố đắt đỏ như San Francisco. Dù vậy, chúng tôi sẵn sàng làm những gì cần thiết để đảm bảo tài chính cho gia đình.
Cụ thể các khoản như sau:
1. Người giúp việc – Tiết kiệm hàng tháng: 8.000 USD
Chi phí sinh hoạt của chúng tôi cao hơn đáng kể trong năm nay sau khi thuê một người giúp việc qua đêm vì có thêm em bé.
Ban đầu, chúng tôi không có ý định thuê người nhưng bé trai lớn thường thức dậy nhiều lần vào giữa đêm và vợ tôi sắp sinh bé thứ hai. Thời điểm chào đón thành viên mới, chúng tôi cần người hỗ trợ.
Chúng tôi hy vọng có thể ngừng thuê người giúp việc đến khi cả hai đứa trẻ học được cách ngủ ngon hơn. Dù sao thì đây cũng là một trong những chi phí lớn nhất mà chúng tôi có thể không cần đến.
2. Đồ ăn và hàng tạp hóa – Tiết kiệm hàng tháng: Trên 500 USD
Năm 2019, chúng tôi đã chi trung bình 2.500 USD/tháng cho thực phẩm. Tuy nhiên, năm nay, chi tiêu của chúng tôi đã lên tới khoảng 3.500 USD/tháng - một phần là do có con thứ hai, nhưng chủ yếu là vì phụ thuộc nhiều hơn vào việc giao thức ăn. Đến nay, chiến lược mới của chúng tôi để cắt giảm chi phí từ 500 USD trở lên mỗi tháng đã hoạt động khá tốt.
Không đặt giao hàng hoặc mua đồ ăn ở ngoài, chúng tôi tự đi mua đồ tạp hóa (theo danh sách có sẵn, không phát sinh) và chỉ nấu ăn tại nhà. Không những vậy, chúng tôi hạn chế tối đa bỏ thừa thức ăn và cố gắng tiêu thụ hết đồ ăn thừa.
Một số lưu ý: Không mua đồ ăn vặt, mua mặt hàng có hạn sử dụng lâu hơn và không mua sắm khi đang đói bụng.
3. Những đồ không cần thiết – Tiết kiệm hàng tháng: Trên 1.000 USD
Chúng tôi đã cắt giảm đồ không cần thiết tới 90%, từ khoảng 2.000 USD xuống còn 200 USD mỗi tháng. Nghe có vẻ khó tin nhưng tình trạng phong tỏa đã giúp chúng tôi tiết kiệm được hơn nhiều. Ví dụ như chúng tôi không mua quần áo mới, quà tặng hay đồ điện tử. Ngay cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục cắt giảm những thứ không cần thiết.
Tập trung vào thu nhập thụ động
Để tăng thu nhập thụ động, chúng tôi đã tìm kiếm một thỏa thuận bất đống sản tốt trong thành phố. Kế hoạch của chúng tôi là mua và cho thuê hoặc chuyển đến đó và cho thuê nơi ở hiện tại.
Tôi cũng đăng nhiều bài hơn trên Financial Samurai, trang web tài chính tôi thành lập năm 2009 để tăng doanh thu quảng cáo. Năm ngoái, trang web này đã giúp tôi thu về khoảng 50.400 USD.
Khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta dễ bị tê liệt và không làm gì cả. Tuy nhiên như đã nói, bạn không bao giờ nên để một cuộc khủng hoảng trở nên "lãng phí". Dù sẽ mất một thời gian để chiến lược mới của chúng tôi bù đắp cho tổn thất vì đại dịch nhưng hiện chúng tôi đã bắt đầu tiết kiệm được hàng ngàn USD.
Thêm vào đó, lần đầu tiên sau thời gian dài, chúng tôi buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu để phù hợp với hoàn cảnh và chuẩn bị tốt hơn về mặt tài chính trong tương lai.