Loại quả "khổ tận cam lai" mọc hoang trên rừng được nhiều người "săn lùng" khi xuống phố

19/12/2023 10:10 AM | Sống

Mắc kham, hay còn gọi là me rừng đang là loại quả chiếm sóng chợ mạng.

Khắp dải đất hình chữ S Việt Nam ta mỗi nơi đều có những đặc sản riêng, từ những món ăn đắt đỏ thượng hạng đến những thức quà dân dã nhất. Mỗi mùa mỗi thức, quanh năm người dân đều được trải nghiệm những điều thú vị từ tinh tuý đất trời.

Chẳng nói đâu xa, bất kể mùa nào, những thứ quả ăn vặt như cóc, xoài bao tử, nhót non thì cư dân mạng dạo này đang "rần rần" quả mắc kham, hay còn được gọi là me rừng. Đặc biệt chị em chốn văn phòng, chỉ cần nắm mắc kham với chút muối ớt là "chảy nước miếng".

Cây mắc kham vào mùa, quả trĩu trịt trên cành lá. Ảnh: Nam Đơn Giản

Mắc kham - Loại quả "khổ trước sướng sau" mọc hoang ở rừng

Mắc kham, hay còn được gọi là quả me rừng, thường mọc hoang trên vùng đất Tây Bắc. Mang hương vị núi rừng, thứ quả nhỏ bé này có hương vị rất độc đáo, thu hút nhiều người. Chỉ cần gõ nhẹ từ khoá "mắc kham", "mắc kham rừng" hay "me rừng", bạn sẽ thấy trên chợ mạng hoặc các hội nhóm bán hàng online rao bán rất nhiều mắc kham kèm theo muối ớt với giá dao động từ 40 nghìn - 80 nghìn/kg.

Quả mắc kham xuống phố thường có loại xanh, quả nhỏ, chua nhiều hơn và loại to, vàng nâu và xen rám nắng thì vị ngọt đậm hơn. Điểm chung khiến nhiều người thích thú với loại quả rừng này là vị đầu chát chát, chua chua, giòn giòn còn hậu vị thì ngọt nhẹ. Vị chua của mắc kham dịu đi khi có vị chát xen lẫn chứ không chua gắt như loại quả khác. Chấm kèm tí muối tiêu hay muối ớt Tây Ninh thì không cưỡng lại được.

Mắc kham loại quả to, vị ngọt nhiều hơn, rám nắng nên rất giòn. Ảnh: Bếp diêm phố

Đến mùa mắc kham, khắp chợ mạng xôn xao loại quả dân dã này, nhiều nơi còn cháy hàng không có mắc kham mà bán. Ở thành phố không có nhiều cơ hội thưởng thức quả lạ, cho nên khi mắc kham rộ lên bán được nhiều người tìm mua thưởng thức.

Mắc kham là món ăn vặt khiến nhiều người tò mò trải nghiệm, chỉ cần nhìn thấy quả mắc kham cùng đĩa muối là tự động nước miếng ngập chân răng. Và đây cũng là cách ăn phổ biến nhất của mắc kham khi "xuất hành" xuống phố.

Hai loại mắc kham được bán trên thị trường đều hấp dẫn người mua. Loại quả này ăn không lo phun thuốc vì chúng mọc hoang trên rừng và cây cũng cao. 

Là loại cây rừng mọc hoang ở nhiều tỉnh thành ở vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và miền Trung, Tây Nguyên, mắc kham thường ra hoa vào tầm tháng 4 và quả thường chín rộ vào tháng 10, tháng 11 Âm lịch. Nhiều người đi rừng hái ăn chơi chấm muối ớt hoặc mang về kho cá, nấu canh nhưng khi xuống dưới phố lại trở thành thứ quà vặt đắt hàng.

Như đã nói, có hai loại mắc kham đang được bán rộng rãi trên chợ mạng, tuy nhiên, loại mắc kham ở ta thì quả xanh, nhỏ và vị chua chát nhiều hơn. Còn loại mắc kham quả to, lúc mới ăn vị chua chát hơi lợ và sau ngọt hơn được nhập từ Trung Quốc.

Chính vì vị quả mắc kham đặc biệt như vậy, vị đầu chua chát nhẹ vị sau ngọt dịu dàng nên loại quả của núi rừng này còn được nhiều người gọi là quả "khổ tận cam lai" hay "khổ trước sướng sau". 

Ăn quả mắc kham có lợi gì?

Cây mắc kham không chỉ mọc ở Việt Nam mà còn có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng thường mọc ở những khu vực đồi núi thưa, có nhiều ánh sáng để quả có thể lớn căng mọng. Mắc kham chứa nhiều vitamin C, chỉ cần ăn vài quả là đã đủ lượng vitamin C cần thiết trong cả ngày. 

Loại quả nhỏ bé này còn chứa nhiều dưỡng chất khác có lợi cho cơ thể, chẳng hạn như flavonoid (đặc biệt là rutin và quercetin) có thể làm đẹp da. Nhiều nước còn nghiên cứu công dụng của mắc kham trong chữa bệnh.

Mắc kham có thể mang muối, làm ô mai, ép nước uống hoặc ép lấy tinh chất để dưỡng tóc.

Theo Healthline, các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ mắc kham có khả năng hỗ trợ tiêu diệt một số loại tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Ngoài ra, lượng chất chống oxy hoá có trong mắc kham có khả năng chống lại quá trình lão hoa da, giúp da duy trì sự đàn hồi và săn chắc. Có nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ mắc kham còn giúp kích thích mọc tóc và ngăn chặn gây rụng tóc, cho nên nhiều nơi trên thế giới còn xuất hiện loại dầu mắc kham hoặc dầu dưỡng tóc có tinh chất từ mắc kham.

Không chỉ ăn trực tiếp với muối ớt hoặc xóc cùng muối ớt đường, mắc kham còn được người dân dùng để kho cá, nấu canh, ngâm nước uống, ngâm rượu hoặc làm ô mai.

Mắc kham cũng được dùng để ngâm nước uống hoặc ngâm rượu, ướp giấm. 

Theo Kỳ Vân Dương

Cùng chuyên mục
XEM